Chú trọng công tác đền ơn đáp nghĩa
Tháng 7 về, chúng ta lại có dịp thể hiện lòng tri ân sâu sắc của mình đối với thế hệ cha ông, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân. Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2022), tỉnh ta tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm tổng kết công tác “Đền ơn đáp nghĩa” và thể hiện lòng biết ơn đối với người có công, các gia đình chính sách trên địa bàn, thể hiện đạo lý truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây”.
Những năm qua, bên cạnh nỗ lực phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh ta luôn xác định công tác thương binh, liệt sĩ và giải quyết chính sách đối với người có công là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên và tập trung chỉ đạo thực hiện tốt nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần đối với người có công với cách mạng.
|
Mới đây, phát biểu tại Hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu và tập thể, cá nhân làm tốt công tác thương binh liệt sĩ nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn xúc động khi ôn lại về một thời quá khứ hào hùng, sự hi sinh anh dũng của thế hệ cha anh vì độc lập tự do của đất nước. Đồng chí cũng bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến các thế hệ đi trước, đồng thời, ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các cấp, các ngành, địa phương trong thời gian qua đã luôn quan tâm, làm tốt công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Theo ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay, tỉnh ta quản lý trên 50.600 hồ sơ người có công và đối tượng chính sách. Trong đó, có 3.071 liệt sĩ, 6 cán bộ lão thành cách mạng, 42 cán bộ tiền khởi nghĩa, 15 anh hùng lực lượng vũ trang, 127 Mẹ Việt Nam anh hùng và hàng nghìn thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, người có công giúp đỡ cách mạng.
|
Để công tác “Đền ơn đáp nghĩa” được triển khai sâu rộng, tỉnh ta luôn chú trọng công tác tuyên truyền nhằm giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm của các cấp các ngành và nhân dân đối với các thương binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng; các phong trào thi đua “Xã, phường làm tốt công tác thương binh – liệt sĩ”, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” nhằm huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng với Nhà nước chăm sóc tốt nhất đời sống cho người có công.
Tính từ năm 2017 đến nay, Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” đã vận động gần 4,9 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở, nghĩa trang liệt sĩ, thăm hỏi, khám chữa bệnh cho các đối tượng chính sách. Đồng thời, huy động, phân bổ các nguồn lực xây mới và sửa chữa trên 1.200 căn nhà cho người có công với kinh phí trên 37,2 tỷ đồng; nâng cấp 21 công trình ghi công liệt sĩ với kinh phí trên 51,6 tỷ đồng; thực hiện chế độ điều dưỡng cho gần 13.000 lượt người có công...
Chính sự quan tâm kịp thời của Đảng, chính quyền và nhân dân trên địa bàn tỉnh đã giúp đời sống của các gia đình chính sách, người có công không ngừng nâng cao. Đến nay, toàn tỉnh có 99,82% hộ gia đình chính sách có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; 102/102 xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ.
Ngoài ra, các chương trình chăm sóc thân nhân gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người có công trên địa bàn cũng được quan tâm thực hiện tốt, giúp các đối tượng chính sách có thêm niềm tin và động lực để tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng cách mạng trong thời bình, làm gương cho thế hệ trẻ, góp phần xây dựng đất nước.
Trong 5 năm (2017-2022), tỉnh đã tổ chức thăm hỏi và tặng gần 99.000 suất quà của Chủ tịch nước và địa phương cho người có công vào dịp các ngày lễ tết, ngày kỷ niệm trong năm với kinh phí gần 24,2 tỷ đồng. Ngoài ra, có 14 gia đình chính sách (4 Mẹ Việt Nam anh hùng và 10 hộ gia đình thuộc hộ nghèo) được nhận hỗ trợ, phụng dưỡng suốt đời.
Song song với đó, tỉnh cũng chú trọng việc tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, tu sửa các công trình ghi công liệt sĩ, đảm bảo các công trình luôn được chăm sóc chu đáo, sạch đẹp, đáp ứng nhu cầu thăm viếng của nhân dân. Toàn tỉnh hiện có 49 công trình ghi công liệt sĩ, gần 7.500 mộ liệt sĩ được an táng tại 10 nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn. Từ năm 2017 đến nay, đã quy tập được 233 hài cốt liệt sĩ, xác định 33 danh tính liệt sĩ, di dời 171 mộ liệt sĩ về an táng tại quê nhà... Các hoạt động cúng lễ, dâng hương, thắp nến tri ân các Anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm cũng được chú trọng quan tâm, xem đây là một trong những hoạt động góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, trở thành một nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Ông Nguyễn Thanh Tính - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cho biết: Công tác chăm lo cho các đối tượng chính sách, người có công thể hiện vai trò, trách nhiệm và những truyền thống đạo lý tốt đẹp lâu đời của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là việc làm thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đặc biệt chú trọng và quan tâm thực hiện. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để thế hệ trẻ hiểu về truyền thống đấu tranh của anh hùng liệt sĩ, những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, làm tốt hơn nữa công tác “Đền ơn đáp nghĩa”.
Hoàng Thanh