Bộ đội Biên phòng: Đồng hành cùng nhân dân nơi biên giới
Với tình cảm và trách nhiệm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh đã “3 bám, 4 cùng” triển khai nhiều mô hình, chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả giúp nhân dân khu vực biên giới thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ hủ tục. Từ đó góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh, phát triển kinh tế - xã hội vùng biên và tăng cường mối quan hệ gắn bó quân dân.
Đồng hành xóa bỏ hủ tục
Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng (ĐBP) Đăk Blô (huyện Đăk Glei) đã không quản ngại địa hình phức tạp, thời tiết khắc nghiệt “đi từng ngõ, gõ từng nhà” gặp gỡ người dân; thực hiện phương châm “3 cùng, 4 bám” (chiến sĩ bám đơn vị, bám địa bàn, bám chủ trương chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào).
“Với nhiều cách làm hiệu quả, “mưa dầm thấm lâu”, bà con ở xã biên giới Đăk Plô (huyện Đăk Glei) đã thực sự thay đổi nếp nghĩ, cách làm thể hiện rõ nhất trong tư duy trong phát triển kinh tế và đặc biệt là xóa bỏ những hủ tục, phong tục không còn phù hợp” - Trung tá Nguyễn Vinh Hùng, Đồn trưởng ĐBP Đăk Blô khẳng định.
Ví dụ như vào đầu tháng 3/2024, ông A.Đ, trú tại thôn Bung Tôn đi vào rừng không may bị cây đổ đè trúng người dẫn tới tử vong. Khi nghe tin, cán bộ, chiến sĩ ĐBP Đăk Blô và bà con trong thôn đã cùng với người nhà lo hậu sự cho ông.
|
“Đây là sự thay đổi rất lớn trong nếp nghĩ của bà con, bởi theo quan niệm của đồng bào Gié - Triêng nơi đây thì cái chết này gọi là “chết xấu” (tai nạn, đột tử). Trước kia, không chỉ người dân trong thôn mà người nhà cũng kiêng kị, sợ gặp điều không may nên không dám tới gần, không tham gia tổ chức ma chay, đưa tiễn và chôn cất. Khi có trường hợp “chết xấu”, người dân sẽ báo cho BĐBP và dân quân giúp mai táng, chôn cất chứ không tham gia mai táng, kể cả người nhà” - Trung tá Nguyễn Vinh Hùng cho biết.
Hay trước kia khi bị ốm đau, rất ít gia đình đưa người bệnh tới các cơ sở y tế mà tự điều trị tại nhà, khi trở nặng mới đưa tới bệnh viện, nên nhiều trường hợp không được cứu chữa kịp thời, dẫn đến tử vong bởi suy nghĩ ốm đau là do “trên” tác động. Nay bà con đã biết tới trạm y tế thăm khám, điều trị, nặng hơn có thể chuyển tuyến theo chỉ định của bác sĩ.
Đồng chí Y Nghệ - Bí thư Đảng ủy xã Đăk Plô nhận xét: Cán bộ, chiến sĩ ĐBP Đăk Blô luôn gần dân, sát dân, nhiệt tình giúp đỡ bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Về phía Đảng ủy xã đã chỉ đạo các ngành, đoàn thể phối hợp với ĐBP thực hiện tốt công tác vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân xóa bỏ tất cả các hủ tục, phong tục không còn phù hợp. Nhờ BĐBP hướng dẫn, bà con chăm chỉ lao động, sản xuất hơn, biết chuyển đất trồng cây kém hiệu quả sang trồng sâm dây, cà phê và cây ăn quả. Đời sống của bà con được nâng lên rõ rệt.
“Cuộc chiến” xóa bỏ hủ tục chưa bao giờ là dễ dàng bởi chúng đã “ăn sâu, bám rễ” vào nếp nghĩ của bà con, nhất là người lớn tuổi. Khó khăn là thế nhưng cán bộ, chiến sĩ BĐBP đã kiên trì, bám nắm, triển khai nhiều giải pháp để xóa cho được. Đến nay dọc dài trên khu vực biên giới không còn hủ tục; các phong tục không còn phù hợp dần được xóa bỏ.
Đồng hành tạo sinh kế
Đều đặn hàng tháng, các chiến sĩ Đội Vận động quần chúng, ĐBP Dục Nông lại đến thăm, động viên và giúp đỡ gia đình ông Phạm Văn Long (dân tộc Mường) ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi chăm sóc vườn cau và dừa xiêm.
Vợ chồng ông Long tuổi đã cao, sức khỏe yếu nên điều kiện kinh tế chẳng khấm khá là bao. Thực hiện chương trình giúp đỡ nhân dân cải tạo vườn tạp, ĐBP Dục Nông đã bàn bạc với gia đình triển khai mô hình trồng cau. Bắt tay vào thực hiện mô hình, cán bộ ĐBP Dục Nông đã hỗ trợ gia đình ông Long 45 cây cau và 6 cây dừa xiêm. Không chỉ hỗ trợ giống cây, giúp đỡ ngày công và hướng dẫn gia đình kỹ thuật chăm sóc mà còn trực tiếp tìm hiểu và kết nối đầu ra cho sản phẩm.
Trên 8 sào đất vườn đang trồng mì và bỏ hoang, BĐBP vận động gia đình ông Long chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ngoài trồng cau còn trồng thêm cà phê xen cây ăn trái có giá trị kinh tế cao như sầu riêng.
Ông Phạm Văn Long chia sẻ, hàng tháng các chú bộ đội lại xuống hướng dẫn cho gia đình chăm sóc vườn cau, xem cây phát triển như thế nào. Các chú rất quan tâm tới gia đình. Nếu cây cao phát triển tốt thì gia đình sẽ nhân rộng thêm nữa vì đất vẫn còn, trồng nhiều còn để cho con cháu nữa.
|
Nhà không rẫy, không ruộng, lại một mình nuôi hai đứa con, cuộc sống của gia đình chị Dương Thị Biến (dân tộc Tày) ở thôn Nông Nhầy 2, xã Đăk Nông, huyện Ngọc Hồi cứ quẩn quanh trong khó khăn.
Với mong muốn giúp gia đình chị Biến có nguồn sinh kế ổn định, ĐBP Dục Nông đã hỗ trợ gia đình chị 1 con bò giống. Sau thời gian chăm sóc, bò chuẩn bị sinh thêm con bê thứ 2. Từ sự giúp đỡ của BĐBP, gia đình chị Biến đã có thêm “điểm tựa” để vươn lên trong cuộc sống.
Chị Dương Thị Biến tâm sự: Nhà tôi rất khó khăn, không có tiền mua bò, được BĐBP hỗ trợ cho một con để nuôi mừng lắm. Tôi cố gắng chăm sóc tốt để phát triển kinh tế gia đình.
Thiếu tá Nguyễn Doãn Hải - Chính trị viên phó ĐBP Dục Nông cho biết: ĐBP đã trích từ quỹ tăng gia của đơn vị hỗ trợ cho gia đình ông Long cây giống và gia đình chị Biến một con bê trị giá 17,5 triệu đồng. Với phương châm cho “cần câu” chứ không cho “con cá”. Đến khi con bê lớn lên, sinh sản thì lấy con bê đầu tiên nhân rộng ra mô hình cho gia đình khác. Từ đó đến nay mô hình bò sinh sản đã nhân rộng được 7 hộ gia đình, hiện nay các hộ gia đình đó đã thoát nghèo.
Điểm tựa của người dân vùng biên
So với mặt bằng chung, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS ở khu vực biên giới vẫn còn nhiều khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, chiếm 13% (nghèo 1.370 hộ chiếm 7,6%, cận nghèo 974 hộ chiếm 5,4%).
Ngoài ra, xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, khu vực biên giới không chỉ là “phên dậu” mà còn là cửa ngõ, cơ hội để giao lưu, hội nhập, đòi hỏi nhiệm vụ xây dựng thế trận biên phòng toàn dân cần phải được tiếp tục tăng cường và nâng cao hơn nữa, bằng những giải pháp đồng bộ và toàn diện hơn. Vì vậy, BĐBP tỉnh đã quan tâm, triển khai nhiều chương trình, việc làm đồng hành cùng nhân dân biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh.
Những năm qua, quán triệt chỉ đạo của Bộ Tư lệnh BĐBP, UBND tỉnh, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã cụ thể hóa vào Nghị quyết lãnh đạo và xây dựng các kế hoạch, chương trình về xây dựng nông thôn mới, Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
BĐBP tỉnh đã và đang triển nhiều mô hình, chương trình, phần việc cụ thể, thiết thực, hiệu quả giúp dân phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo. Như phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp người DTTS kết nghĩa giúp hộ người DTTS nghèo, có hoàn cảnh khó khăn trên khu vực biên giới; phân công đảng viên ĐBP phụ trách hộ gia đình, con nuôi ĐBP, hỗ trợ bò giống sinh sản cho người nghèo tại các xã biên giới; hỗ trợ 74 cháu trong Chương trình “Nâng bước em đến trường”; nhận 15 cháu làm “con nuôi Bộ đội Biên phòng”.
Từ sự đồng hành của BĐBP, nhiều hộ đồng bào DTTS khu vực biên giới đã từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo bền vững bằng chính đôi tay và trên mảnh đất của mình.
Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh còn trực tiếp tham gia lao động giúp dân trồng, chăm sóc, thu hoạch hoa màu, sửa chữa nhà ở, xây dựng “Nhà Đại đoàn kết”, “Nhà tình nghĩa” (riêng năm 2024, đơn vị đã triển khai xây dựng mới 15 căn với tổng kinh phí 2,775 tỷ đồng), xây dựng tu sửa đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương thủy lợi với hàng ngàn ngày công lao động.
Đại tá Lê Minh Chính – Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: Để thực hiện hiệu quả việc phát huy sức mạnh toàn dân bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, đồng hành cùng nhân dân biên giới trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian tới, BĐBP tỉnh tiếp tục cùng địa phương khảo sát, đánh giá lại các mô hình, đối với những mô hình hiệu quả sẽ được nhân rộng. Đồng thời tìm những mô hình mới, phù hợp với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng; hướng dẫn bà con chọn cây, con giống mang lại hiệu quả kinh tế cao và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi để tăng năng suất, chất lượng, để bà con có thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo. Ngoài ra, cùng các cấp, ngành, đơn vị kết nghĩa vận động hỗ trợ bà con, nhất là hộ khó khăn có mô hình sinh kế để thoát nghèo.
Với tinh thần “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”, những người lính quân hàm xanh đã triểu khai nhiều hoạt động thiết thực, cụ thể thắt chặt tình quân - dân nơi “phên dậu” của Tổ quốc, góp phần không nhỏ giúp các thôn, làng nơi biên cương “thay da đổi thịt” với 8/13 xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới; đời sống của người dân ngày càng khởi sắc.
Với những kết quả đạt được sẽ là động lực để cán bộ, chiến sĩ BĐBP tỉnh tiếp tục giữ vững “thế trận lòng dân”, gắn kết nhân dân vùng biên cùng đoàn kết, sát cánh cùng BĐBP giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển./.
Dương Nương