“Chỗ dựa” của túi nilon
Hãy nhìn túi nilon mỏng manh- một đại diện phổ biến của rác thải nhựa trong đời sống- kia xem, ai cũng biết nó có hại cho môi trường, nhưng vì tiện và miễn phí, nên chẳng có bao nhiêu người "chia tay" nó. Vì vậy có thể nói, nó có “chỗ dựa” rất lớn, đó là người tiêu dùng.
|
Tôi cùng bạn đồng nghiệp từng có cuộc tranh luận về chủ đề "nói không với túi nilon dễ hay khó". Do không có hồi kết nên cả hai thống nhất thực hiện một cuộc khảo sát nhỏ. Mỗi người sẽ hỏi 10 phụ nữ về việc không dùng túi nilon dễ hay khó? Rất đơn giản vậy thôi.
Không ngoài dự đoán, hầu hết người mà tôi hỏi đều nói khó lắm, vì sao ư, vì nó phổ biến, tiện lợi. Chỉ một người ngập ngừng nói không muốn dùng, vì cũng có biết đến tác hại của nó, nhưng không dùng nó thì lấy gì thay nó bây giờ.
Không thể kè kè cái làn nhựa để đi chợ, cái đó chỉ dành cho các bà nội trợ rảnh rang về thời gian thôi, còn mình là công chức, đi làm cả ngày, trên đường về ghé vào chợ luôn, không lẽ kè kè theo cái làn nhựa đi làm, coi sao được- một chị phản ứng.
Cũng không thể đến chợ rồi, mua đồ ăn rồi, bọc bằng lá, hay bằng giấy báo bỏ lên xe. Vừa không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, vừa không đẹp- một chị khác nói.
Còn chị nữa thì băn khoăn: Mình cũng muốn mua túi thân thiện với môi trường đấy, nhưng mua ở đâu? Trong khi túi nilon thì sẵn, từ bà bán dạo đến siêu thị, thậm chí yêu cầu dùng 2 lượt túi vì sợ bẩn cũng được, vì giá trị túi nilon cũng chẳng đáng là bao.
Tất nhiên, kết quả của anh bạn cũng không khác gì mấy. Giống như mặc định, túi nilon luôn là lựa chọn hàng đầu với bất cứ bà nội trợ nào.
Dọn dẹp nhà cửa, mọi thứ rác thải, đồ bỏ đi cứ nhét vào túi nilon, sau đó lại dồn vào một túi lớn, buộc chặt lại, đem ra thùng rác là xong, nhanh gọn, sạch sẽ.
Đi chợ, vào siêu thị, túi nilon luôn là mặt hàng miễn phí. Tại các quầy bán cá, sau khi làm sạch sẽ, cá được cho vào túi, rồi người bán còn “cẩn thận” bọc thêm lớp túi bên ngoài để không dính bẩn tay khách.
Đến hàng rau thì số lượng túi sử dụng còn nhiều hơn, bởi mỗi loại rau lại đựng trong một cái túi, thậm chí chỉ mấy cọng hành, vài quả chanh cũng cần đến túi. Ra khỏi hàng rau thì trên tay mỗi khách hàng có đến 5- 6 chiếc túi nilon.
Sau đó, từ gian bếp mỗi nhà, một lượng rác khó phân hủy khổng lồ sẽ thải ra môi trường.
Ở gần nhất, đống rác trước cổng chủ yếu là túi nilon xanh đỏ, đen, trắng. Xa hơn, ở bãi rác lớn nhất thành phố Kon Tum, hàng ngày vẫn có những người mưu sinh bằng nghề lượm ve chai, và "sản phẩm" của họ chủ yếu là túi nilon.
"Đồ vứt vào bãi rác rồi thì mấy khi tận dụng được nữa, chủ yếu là túi nilon, chai nhựa thôi, gom về bán cho mấy cơ sở tái chế nhựa"- người đàn ông đen đúa ngồi bên chiếc bao tải to tướng mệt mỏi nói.
Ở một nhà máy tái chế và xử lý rác thải (thành phố Kon Tum), một số công nhân đang làm việc bên dây chuyền phân loại rác. Điều dễ nhận thấy nhất là rác từ nhựa, nilon chiếm đa số.
Hàng ngày chúng tôi tiếp nhận hàng chục tấn rác các loại. Sau khi phân loại rác không thể tái chế, rác hữu cơ ra rồi thì lượng rác vô cơ, chủ yếu là nhựa và nilon vẫn chiếm hơn 70%- một công nhân cho biết.
Chưa kể một lượng không nhỏ túi nilon thải ra vương vãi khắp đường sá, mương máng, cuốn trôi theo dòng nước hoặc vùi dưới đất.
Theo phân tích của các chuyên gia, những ảnh hưởng của túi nilon đến với môi trường và sức khỏe là rất lớn, bởi chúng không dễ bị phân hủy dưới tác dụng của môi trường tự nhiên.
Nói cách khác, các vi khuẩn giúp cho việc phân hủy trong tự nhiên chưa đủ khả năng để "ăn" loại hợp chất "khó nhằn" như polyme, vì vậy, một túi nilon mỏng manh phải mất hàng trăm năm đến hàng nghìn năm mới bị phân hủy hoàn toàn.
Trên thực tế, "sức hút" của túi nilon không ngoài 2 chữ rẻ và tiện. Rẻ thì hẳn rồi, thậm chí miễn phí khi mua hàng. Tiện cũng vậy, mua ở đâu cũng có, đủ kích cỡ, kiểu dáng, tiện sử dụng và tiện... vứt bỏ.
Chính vì vậy, dù công tác tuyên truyền luôn được đẩy mạnh, dù ai cũng biết nó có hại cho môi trường, nhưng chẳng có bao nhiêu người nói được lời "chia tay" với nó.
Và cứ thế, người tiêu dùng trở thành “chỗ dựa” lớn nhất cho túi nilon nói riêng, rác thải nhựa nói chung.
Khẩu hiệu của Ngày Môi trường thế giới 5/6 năm nay là “đánh bại rác thải nhựa”. Theo tôi, đó là một khẩu hiệu rất hay. Tuy nhiên, hay là một chuyện, còn đánh bại được hay không lại là chuyện khác.
Vì sao ư? Rất đơn giản, vì nó có “chỗ dựa” lớn, đó là người tiêu dùng.
|
Vậy đã bao giờ bạn nghĩ tới sẽ từ bỏ thói quen lạm dụng túi nilon? Chỉ là đem làn đi chợ, sử dụng túi vải, từ chối lấy túi nilon, vậy là đã giúp giảm đi đáng kể lượng rác thải ra hàng ngày.
Nghe thì đơn giản, nhưng đó lại là một hành trình dài. Nó không chỉ cần các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của mỗi người về nguy hại của rác thải nhựa mà còn phải định hướng những hành động cụ thể.
Tôi đã từng đếm thử xem mỗi ngày dùng hết bao nhiêu túi nilon. Và kết quả thật đáng lo ngại: Không dưới chục cái. Cho nên, tôi đã cố gắng tác động để giảm bớt số lượng túi hàng ngày, hướng tới chấm dứt hoàn toàn.
Sau đó, tôi muốn nhân lên trong xóm, trong thôn. Thử làm một phép tính thế này, trung bình mỗi hộ sử dụng 5 túi nilon/ngày, nếu như mỗi bà nội trợ đồng ý không sử dụng túi nilon 1 ngày/tuần khi đi mua sắm (có thể là dùng túi giấy, làn nhựa), với hàng trăm hộ gia đình trong thôn, mỗi tuần ít nhất giảm được hàng nghìn túi nilon.
Vậy, nếu là không sử dụng cả tuần, cả tháng thì sao? Câu trả lời đơn giản vô cùng: Giảm rất, rất nhiều.
Vậy thì còn chần chờ gì nữa, hãy quyết “chia tay” với túi nilon, không làm “chỗ dựa” cho nó nữa!
Hồng Lam