Cần quan tâm đến những người làm công tác xã hội
Năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg về phê duyệt đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020. Căn cứ Quyết định này, chức năng nhiệm vụ của nghề công tác xã hội là thực hiện công tác hỗ trợ, giúp đỡ những người được xem là yếu thế, dễ bị tổn thương được can thiệp hỗ trợ về an sinh xã hội, tái hóa nhập cộng đồng.
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg, người làm công tác xã hội là người thực hiện nhiệm vụ can thiệp, hỗ trợ cho các đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, bao gồm: người nghèo, neo đơn, tàn tật, trẻ em, phụ nữ có hoàn cảnh sống đặc biệt khó khăn, bị bạo hành… được quyền hưởng các chính sách về chăm sóc y tế, giáo dục, pháp luật và các mặt an sinh xã hội khác ở địa phương.
Tuy nhiên, thực tế ở Kon Tum, hầu hết đội ngũ cán bộ, nhân viên thực hiện công tác xã hội đều kiêm nhiệm theo dõi, tham mưu nhiều lĩnh vực lao động, thực hiện chính sách xã hội các đối tượng người có công, hộ nghèo, trẻ em... dẫn đến, đối tượng được can thiệp, hỗ trợ về công tác xã hội chưa tiếp cận nhiều các ưu đãi của Đảng, nhà nước dành cho.
Như chị Thúy An – nhân viên phụ trách công tác Lao động, Thương binh và Xã hội xã Hà Mòn (Đăk Hà), khi làm việc với chúng tôi đã phải dừng lại nhiều lần để trả lời các thắc mắc của bà con đến hỏi thăm các chế độ, chính sách người nghèo, người có công cách mạng. Đáng quan tâm, có đối tượng khuyết tật ở khu dân cư khẩn cấp nhờ người dân mời cán bộ xã đến nhà can thiệp, trợ giúp về mặt pháp lý, bảo vệ đối tượng bị bạo hành từ người thân. Chị An phải dừng cuộc làm việc với chúng tôi, tất tả về thôn giải quyết.
Chị An nói: Tôi có bằng chuyên môn cao đẳng về công tác xã hội. Công việc đảm nhiệm thì nhiều nhưng chế độ đang hưởng là nhân viên công tác văn hóa – xã hội, nguyên nhân cấp xã chưa có chức danh công tác xã hội.
Trường hợp khác, chị Lê Thị Hồng Hạnh là 1 trong 3 cán bộ công tác lâu năm tại Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội). Năm 1993, sau khi tốt nghiệp y sĩ, chị về công tác tại Phòng Y tế phục hồi chức năng của đơn vị. Năm 2008, chị theo học chuyên ngành công tác xã hội, tại Trường Đại học Xã hội & Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Với những kỹ năng, kiến thức được đào tạo đã giúp cho chị làm việc tốt hơn, chia sẻ, động viên, giúp đối tượng vượt qua khó khăn, tự tin trong cuộc sống.
|
Tuy nhiên, chị cho biết, đối với ngành công tác xã học, địa phương chưa có chức danh, mã ngạch biên chế liên quan. Hiện tại, mức lương và các chế độ phụ cấp đang hưởng vẫn là nhân viên y tế với chuyên môn y sĩ trước đây. Trong khi các y, bác sĩ ở đơn vị có mã ngành, chức danh nên được hưởng các bậc lương, chế độ phụ cấp theo bằng cấp tương đương cao đẳng, đại học, hoặc bác sĩ chuyên khoa ở các cấp độ theo bằng cấp quy định.
Liên quan công tác xã hội, bà Phạm Thị Lan - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ và Công tác xã hội tỉnh cho biết, trước đây, nhiệm vụ của đơn vị là chăm sóc, nuôi dưỡng người già neo đơn thuộc đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội và trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Năm 2014, đơn vị được giao thêm chức năng công tác xã hội với các nhiệm vụ nâng cao năng lực, nối kết đa phần người khiếm khuyết, người neo đơn, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người yếu thế với hệ thống nguồn lực, dịch vụ an sinh xã hội và những cơ hội khác để họ hòa nhập với cộng đồng. Đây là nhiệm vụ mới, khá nhạy cảm và phức tạp, cần người làm công tác xã hội có kinh nghiệm tiếp xúc, can thiệp cho các đối tượng yếu được hưởng các quyền lợi xã hội.
Thế nhưng, theo bà Lan, thời gian qua, Trung tâm đang gặp khó khăn do chưa có biên chế thực hiện ngạch công tác xã hội nên chưa thể thành lập phòng chuyên môn thực hiện chuyên lĩnh vực này. Đơn vị đã tạo cơ hội, điều kiện cho 10 cán bộ, nhân viên được đi đào tạo chuyên môn, bồi dưỡng, giáo dục đạo đức nghề nghiệp về công tác xã hội. Hiện tại, số cán bộ này đã có bằng cấp chuyên ngành song vẫn hưởng các chính sách, chế độ lương, phụ cấp ở ngạch viên chức, nhân viên phục vụ khác.
Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chia sẻ, trong điều kiện của địa phương còn nhiều khó khăn như Kon Tum, có tới 29 ngàn hộ nghèo và có khoảng trên 8 ngàn người khuyết tật, người cao tuổi và chưa kể đối tượng khác được gọi là yếu thế như trẻ em, đối tượng đặc biệt khó khăn rất cần các dịch vụ công tác xã hội được trợ giúp để có điều kiện vượt qua hoàn cảnh khó khăn, hòa nhập xã hội. Do đó, các cấp và các ngành sớm quan tâm, tháo gỡ thực tế vướng mắc trên để người làm công tác xã hội có cơ hội, điều kiện hưởng chế độ phù hợp.
Mai Trâm