Bước tiến lớn trong cải cách hành chính
Với những nỗ lực lớn lao của cả hệ thống chính trị, cải cách hành chính đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Hơn ai hết, người dân, doanh ngiệp cảm nhận được kết quả, tác động của cải cách hành chính một cách trực tiếp nhất khi có việc phải tiếp xúc, giải quyết công việc với các cơ quan hành chính nhà nước.
Trách nhiệm, thuận lợi, hiệu quả và nhanh chóng là nhận xét của ông Nguyễn Thanh Trường (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum), khi ông chỉ mất 3 ngày với 1 lần đi lại, để làm thủ tục xóa đăng ký góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trước đây, tôi rất e ngại mỗi khi có việc liên quan đến giấy tờ, thủ tục hành chính. Những chi phí không chính thức, sự thờ ơ của viên chức thừa hành, hoặc tâm thế “ban phát”, hoạnh họe, bắt đi lại nhiều lần đã tạo một gánh nặng tâm lý khó gỡ bỏ. Nhưng nay thì hết rồi- ông Trường nói.
Và theo ông Trường, đó là kết quả ấn tượng có được từ những nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh trong đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.
Ở góc nhìn vĩ mô hơn, có thể thấy tâm thế cải cách hành chính ngày một hoàn thiện, với hàng loạt giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính đã được triển khai quyết liệt, từ đó nâng cao chỉ số hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính.
|
Bước đột phá trong cải cách hành chính là hạ tầng kỹ thuật, hệ thống công nghệ thông tin không ngừng được đầu tư, hoàn thiện. Trong đó, tỉnh đã hoàn thiện về kỹ thuật đối với Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) tỉnh để đáp ứng yêu cầu số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC.
Hoàn thành việc kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh Kon Tum, đảm bảo cho việc thực hiện các quy định liên quan đến bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong giải quyết TTHC cho công dân.
Hiệu quả thực thi thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp được nâng cao, thông qua việc 100% TTHC được công bố, công khai đầy đủ, đúng hạn, kể cả trạng thái xử lý, trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, đồng bộ với Cổng Dịch vụ công quốc gia để người dân, doanh nghiệp có thể giám sát, đánh giá quá trình thực hiện.
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra TTHC không đúng quy định hoặc để chậm, muộn nhiều lần.
Đặc biệt, khâu số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC đáp ứng yêu cầu kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công được đẩy mạnh. Chỉ quý II năm 2023, tỷ lệ văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước của toàn tỉnh hoàn toàn dưới dạng điện tử tiếp tục đạt 99,09%
Thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về vướng mắc, bất cập trong thực hiện TTHC, tránh để trường hợp phản ánh, kiến nghị kéo dài, vượt cấp. Không yêu cầu người dân cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo đúng quy định.
Tất nhiên, trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong đó nổi lên là việc giao chỉ tiêu 50% dịch vụ công trực tuyến từ xa chưa phù hợp với địa bàn tỉnh, vốn có đặc thù hơn 53% dân số là đồng bào DTTS, điều kiện kinh tế còn rất khó khăn, nói gì đến công nghệ thông tin.
Một số thủ tục hành chính trong trình tự thực hiện theo quyết định công bố của các bộ không quy định xin ý kiến cấp ủy. Tuy nhiên, theo quy chế làm việc của tỉnh, các thủ tục này phải xin ý kiến cấp ủy đảng trước khi quyết định nên dẫn đến thời gian giải quyết hồ sơ kéo dài hơn so với quy định của thủ tục hành chính và khi đồng bộ lên Cổng Dịch vụ công quốc gia sẽ bị trễ hạn.
Nhiều TTHC trong quyết định công bố của các bộ, ngành, thời hạn giải quyết ghi ngày chứ không phải ngày làm việc dẫn đến nếu nhận hồ sơ vào thứ sáu hoặc trước ngày nghỉ lễ thì nghiễm nhiên là hồ sơ trễ hạn. Trong đó có nhiều TTHC trong lĩnh vực đất đai, lĩnh vực xây dựng, thời gian giải quyết rất ngắn chỉ có 3 ngày, 5 ngày. Điều này gây khó khăn khi áp dụng thực tế.
Đáng chú ý là, bên cạnh những cán bộ, công chức hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, vẫn còn những trường hợp chưa thực sự “đồng hành và phục vụ”, còn nhũng nhiễu, gây phiền hà, khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Mới đây, tại Báo cáo số 190/BC-UBND ngày 21/6, UBND tỉnh đã kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông khi xây dựng các chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến cần có tiêu chí, tỷ lệ thấp hơn cho các địa phương khó khăn, miền núi; nhanh chóng hướng dẫn nội dung chi cho hoạt động hướng dẫn, tiếp nhận, số hóa hồ sơ, giấy tờ, trả kết quả giải quyết TTHC tại bộ, địa phương do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, công ích thực hiện.
Bên cạnh đó, để đảm bảo việc giải quyết TTHC đúng hẹn theo quy định, đề nghị các bộ rà soát và sửa đổi lại thời gian giải quyết và ghi rõ là ngày làm việc.
Cải cách hành chính là một hành trình dài, thường xuyên và liên tục, đòi hỏi quyết tâm và nỗ lực cao, trong đó nguồn nhân lực mang yếu tố quyết định. Do vậy, bên cạnh việc tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp thúc đẩy cải cách hành chính, cần nâng cao hơn nữa vai trò của đội ngũ cán bộ, công chức trong hệ thống hành chính nhà nước.
Trong đó, mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần thuộc và thực hành tốt phương châm lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ.
Hồng Lam