Bất khuất
Hàng trăm năm qua, bên dòng sông Đăk Bla đã soi bóng một “địa chỉ đỏ”- Ngục Kon Tum. 92 năm qua, đất và người Kon Tum luôn ghi nhớ ý chí bất khuất, sự hy sinh của những chiến sĩ cộng sản trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết. Dòng máu đào của các bậc tiền bối cách mạng mãi tô thắm trang sử vàng của quê hương, đất nước.
Tôi đã trăn trở rất nhiều khi quyết định dùng hai từ “Bất khuất” để đặt tít cho bài viết nhỏ này. Cũng xin nhà cách mạng Nguyễn Đức Thuận (1916-1985), tác giả cuốn Bất khuất, một cuốn tự truyện gây tiếng vang lớn về “sức chịu đựng kỳ diệu” của một người chiến sĩ cách mạng, “đại xá” cho.
Vì thiết nghĩ, hai từ “Bất khuất” đủ nói lên tinh thần, ý chí của những chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống nơi đây.
|
Ngục Kon Tum từng được mệnh danh là nhà ngục có nhiều cái “nhất”: Là nơi đày ải, giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên; là nơi giam giữ những người tù chính trị được xem là nguy hiểm nhất; số lượng tù cũng nhiều nhất ở khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Theo các cứ liệu lịch sử thì từ năm 1915, Ngục Kon Tum đã được thực dân Pháp xây dựng để nhốt tù thường phạm.
Sau phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh (1930-1931) thì ngục được mở rộng để lưu đày tù chính trị. Lúc cao điểm ngục Kon Tum đã giam giữ hơn 500 tù chính trị. Trong đó có những chiến sĩ cộng sản tiêu biểu mà tên tuổi còn sống mãi với Kon Tum, như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Đệ, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trương Quang Trọng, Lê Viết Lượng. Và đây là nguồn nhân công để làm đường 14, đoạn Đăk Pao, Đăk Pét.
Cũng xin được thêm đôi dòng về Quốc lộ 14, đoạn qua tỉnh Kon Tum- cung đường của máu và hoa, được đắp những chặng đầu tiên bằng mồ hôi và xương máu của những người tù chính trị.
Ngày nay, mạng lưới giao thông của tỉnh Kon Tum đã phát triển rộng khắp, với nhiều tuyến đường mới nối Kon Tum với biển, vươn rộng sang Lào, Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan.
Nhưng trước đó, Quốc lộ 14 từng là “cánh cửa” duy nhất nối Kon Tum với “bên ngoài”, là mạch máu lớn đem lại sức sống cho Kon Tum.
Theo sử liệu, cuối năm 1930, đường 14 Bắc Kon Tum bắt đầu được xây dựng. Lực lượng nhân công chính được thực dân Pháp sử dụng để làm đường 14 chủ yếu là người địa phương và tù chính trị ở Ngục Kon Tum.
Biết bao người đã ngã xuống trên từng mét đường này. Theo "Ngục Kon Tum" của cụ Lê Văn Hiến, trong số 295 người đi làm đường 14 đợt một thì đã 215 người đã chết.
Như bất cứ người Kon Tum nào, tôi luôn tự hào mà giới thiệu với bạn bè rằng, chỉ ít lâu sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập (ngày 3/2/1930), thì ở ngay trong "địa ngục trần gian" Ngục Kon Tum, nơi được thực dân Pháp xây dựng nhằm "bóp nghẹt ý chí chiến đấu của tù chính trị" đã có một chi bộ cộng sản ra đời- Chi bộ binh.
Người có công đầu tiên và lớn nhất trong sự kiện này chính là tù nhân chính trị Ngô Đức Đệ. Tại đây, với bản lĩnh, kinh nghiệm và sự khôn khéo của người chiến sỹ cộng sản, đồng chí Ngô Đức Đệ đã tuyên truyền và cảm hóa một số cai, đội, binh lính ở nhà lao thành những người yêu nước tiến bộ rồi bồi dưỡng, thử thách, để đến giữa tháng 9/1930, lần lượt kết nạp đội Thơ (Huỳnh Đăng Thơ), cai Liễu (Huỳnh Liễu), cai Cừ (Nguyễn Cừ) vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập.
Từ đó, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ binh, nhiều cuộc đấu tranh với những hình thức khác nhau đã liên tục nổ ra. Ðỉnh điểm là cuộc đấu tranh sáng 12/12/1931. Sử sách sau này gọi bằng cái tên bi tráng "Cuộc đấu tranh Lưu huyết", gắn liền với tên tuổi nhà cách mạng Trương Quang Trọng.
Cuộc đấu tranh này, nguyên nhân trực tiếp thì xuất phát từ việc phản đối đi làm đường ở Đăk Pét của những người tù chính trị- nơi mà các đồng chí Ngô Đức Đệ, Lê Văn Hiến đã ví như “địa ngục của trần gian”.
Nhưng sâu xa thì đây là kết quả từ sự chuẩn bị lâu dài, chu đáo của những người tù chính trị, người cộng sản đứng trong hàng ngũ Đảng và đã có nhiều kinh nghiệm, từng tham gia nhiều cuộc đấu tranh chống lại kẻ thù ở các địa phương trước đó.
|
Cuộc đấu tranh có kế hoạch, có mục đích, mục tiêu, phương pháp và phương châm rõ ràng. Nên có thể nói, đây là cuộc đấu tranh giữa tinh thần yêu nước, mà những người cộng sản làm tiên phong dưới ánh sáng soi đường của Đảng để chống lại kẻ thù xâm lược nhằm bảo vệ nền độc lập, chủ quyền của dân tộc.
Và để đàn áp, lính Pháp đã nã súng vào nhà ngục, làm tám người chết, tám người bị thương.
Súng đạn và máu không thể nào khuất phục được những chiến sĩ yêu nước kiên cường. Số tù nhân còn lại tiếp tục tuyệt thực để phản kháng sự áp bức, bất công.
Và một lần nữa, vào ngày 16/12/1931, thực dân Pháp lại xả đạn vào lao tù; bảy người đã chết và bảy người bị thương. Cuộc đấu tranh này được gọi là Cuộc đấu tranh Tuyệt thực.
Ngày nay, mỗi lần đến viếng Ngục Kon Tum, thắp nén nhang thơm lên bia ngôi mộ chung, tôi lại như nghe văng vẳng trong gió giọng thơ thổn thức của nhóm “Tao đàn ngục thất”.
Theo tư liệu có được, tinh thần anh dũng của những người ngã xuống trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết đã truyền thêm sức mạnh cho những người còn sống tiếp tục dũng cảm đấu tranh. Anh em sáng tạo ra hình thức sinh hoạt văn nghệ gọi là "Tao đàn ngục thất" với mục đích nuôi dưỡng ý chí kiên cường, bất khuất, cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu.
Nhân việc đắp phần mộ các liệt sĩ hy sinh trong Cuộc đấu tranh Lưu huyết, anh em ra đề "Viếng mộ liệt sĩ", rồi mỗi người làm một bài thơ dự thi. Trong cuộc thi lần đó, bài thơ của nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu được trao giải Nhì:
Tám mồ liệt sĩ táng cùng nhau
Nấm mới vun thêm, giậu mới rào
Thể phách dẫu vui miền đất trắng
Tinh thần còn tỏ giữa trời cao
Khí xông mất vía phường cai trị
Máu đổ kinh hồn tụi xếp lao
Sớm tối đi về lòng thổn thức
Thấy người nằm đó, nghĩ mình sao?
Dù chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, lại bị thực dân Pháp đàn áp dã man, các tù nhân còn lại vẫn bị chúng đưa lên tiếp tục làm đường Đăk Pao, Đăk Pét. Tuy nhiên, cuộc đấu tranh với bản lĩnh, khí phách hiên ngang, “tinh thần còn tỏ giữa trời cao” của các chiến sĩ cộng sản trước mũi lê, hòn đạn kẻ thù đã làm “mất vía phường cai trị”.
Thực dân Pháp cũng phải nhượng bộ về chế độ lao dịch của tù, bãi bỏ đánh đập tù nhân, người tù ốm đau được nghỉ và có thuốc men. Cuối tháng 12/1931, bỏ hẳn việc đưa tù chính trị đi làm đường 14. Năm 1934, bỏ hẳn nhà đày Kon Tum.
Về phía đồng bào các dân tộc Kon Tum, vì đã vô cùng khâm phục ý chí kiên cường của những người tù cộng sản, qua cuộc đấu tranh càng hiểu rõ hơn về Đảng, càng tình nguyện theo Đảng để giành độc lập, tự do.
Tinh thần, khí phách bất khuất của những chiến sĩ cộng sản tại Ngục Kon Tum là ngọn lửa thôi thúc lớp lớp người con Kon Tum sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giành độc lập tự do, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước.
|
Trưa 12/12, tôi lặng lẽ dạo bước dưới tán lá mát rượi. Nắng trải rộng trên những cánh đồng, nhuộm vàng dòng Đăk Bla êm ả trôi. Gió từ sông Đăk Bla quấn quýt trên những tầng cây, hát mãi khúc tráng ca bất diệt về khí tiết người cộng sản.
Men theo những viên gạch phủ rêu, tôi đến gần hơn gò đất cao, nơi thực dân Pháp bắt tù chính trị giam tại Ngục Kon Tum lao động khổ sai trong suốt mùa mưa năm 1931 (từ tháng 5 đến tháng 10) để đắp mố xây cầu qua sông Đăk Bla.
Trên gò đất, hoa vẫn nở quanh năm, dù mưa dầm hay nắng cháy. Những đóa hoa vươn lên rạng rỡ, như niềm tự hào không bao giờ tắt về khí tiết của những người chiến sĩ cộng sản năm xưa.
Thắp nén nhang thơm trước bia ngôi mộ chung mà tôi cứ nghe đâu đây tiếng hô “phản đối đi Đăk Pét” của những chiến sĩ cộng sản “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”, người này chết người kia xông lên trước súng đạn.
Đến nay, đường 14, đã vinh dự mang tên đường Hồ Chí Minh, vẫn là một tuyến giao thông huyết mạch nối Tây Nguyên với hai vùng Nam-Bắc; kết nối với Lào, Campuchia và Đông Bắc Thái Lan.
Đến nay, tỉnh Kon Tum đã và đang vững bước trên con đường phát triển bền vững. Mà minh chứng rõ nhất là mức tăng trưởng năm 2023 đứng đầu khu vực Tây Nguyên.
Trong hành trình phía trước, hành trang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum không chỉ là thế và lực hôm nay, mà còn có tinh thần, khí phách của những chiến sĩ cộng sản tại “địa chỉ đỏ” Ngục Kon Tum năm xưa.
Hồng Lam