Báo chí với chuyển đổi số
Chuyển đổi số đang dần trở thành xu thế tất yếu của các cơ quan báo chí hiện nay. Tuy nhiên, không có một công thức chung nào về chuyển đổi số, mà mỗi tòa soạn phải xác định được nguồn lực, mục tiêu, nhu cầu của mình để xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp.
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, ở tất cả các cơ quan báo chí đều đang có sự hiện diện của chuyển đổi số, chỉ là ít hay nhiều. Đây cũng đang dần trở thành xu thế tất yếu, nếu muốn tồn tại và phát triển trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Chuyển đổi số báo chí, nói một cách dễ hiểu, là quá trình ứng dụng công nghệ số vào tất cả các hoạt động của báo chí, từ sản xuất, phân phối, tiếp cận độc giả.
Mục tiêu của chuyển đổi số báo chí là nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính cạnh tranh của báo chí trong bối cảnh kỷ nguyên số, thay đổi cách tòa soạn hoạt động nhằm cung cấp những giá trị lớn hơn cho các khách hàng mà tòa soạn ấy phục vụ.
Kết quả của chuyển đổi số báo chí là sự ra đời của các mô hình truyền thông mới như: Báo chí di động, Tòa soạn hội tụ, Báo chí mạng xã hội, Báo chí đa nền tảng, Báo chí đa phương tiện.
|
Bên cạnh đó, sự tiến bộ trong công nghệ kỹ thuật hiện đại đã cho phép nhà báo sáng tạo thêm nhiều hình thức truyền thông hấp dẫn như podcast, video, megastory, infographic, long form, data journalism, media, lens.
Chuyển đổi số báo chí cũng thúc đẩy việc thay đổi phương thức quản trị nội bộ của tòa soạn, quản trị quy trình xuất bản, quản trị dữ liệu, quản trị tương tác công chúng, dựa trên việc ứng dụng các phần mềm kỹ thuật số.
Tuy nhiên, có một thực trạng là không ít người hiểu rằng, chuyển đổi số ở các cơ quan báo chí là đầu tư máy móc, thiết bị mới, một số phần mềm quản trị nội dung.
Thậm chí, còn tồn tại suy nghĩ có website tức là đã chuyển đổi số, hoặc đưa một bài viết ở báo in đẩy nguyên văn lên báo điện tử là thành chuyển đổi số. Điều này thấy rõ nhất ở các cơ quan báo chí địa phương.
Đối với Báo Kon Tum, trong thời gian qua, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh, đã từng bước được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ tốt các nhiệm vụ chính trị của tỉnh cũng như nhu cầu tiếp cận thông tin của nhân dân.
Xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, sống còn để thực hiện tốt vai trò của báo chí trong kỷ nguyên số, đã từng bước tiếp cận, thực hiện chuyển đổi số để nâng cao chất lượng tuyên truyền, đưa thông tin đến độc giả một cách nhanh chóng, chính xác, đa dạng.
Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguồn lực tài chính và con người, chuyển đổi số ở Báo Kon Tum vẫn chưa thực sự rõ nét, để lại nhiều trăn trở cho đội ngũ cán bộ quản lý, phóng viên, biên tập viên.
Trong đó, chưa xây dựng được mô hình tòa soạn hội tụ, xây dựng hệ thống quản trị nội dung (CMS) khoa học. Các nội dung quan trọng trên các ấn phẩm của Báo Kon Tum chưa lan tỏa rộng rãi trên các hạ tầng mạng xã hội để đáp ứng cách tiếp cận qua môi trường mạng.
Vì Quy trình xuất bản các ấn phẩm vẫn áp dụng theo mô hình tòa soạn truyền thống, chưa chuyển đổi sang mô hình mới, như tòa soạn điện tử hay tòa soạn hội tụ, đa phương tiện.
Nói là vậy, nhưng trên thực tế, không có một công thức chung nào về chuyển đổi số, mà mỗi tòa soạn phải xác định được nguồn lực, mục tiêu, nhu cầu của mình để xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp.
|
Để chuyển đổi số thành công, điều cốt yếu là nhân lực. Nhân lực phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống. Tất cả các bộ phận đều cần có tư duy về chuyển đổi số, có ý thức nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng công nghệ.
Trong đó, vai trò của người đứng đầu cơ quan báo chí đặc biệt quan trọng. Cần có tư duy “đi tắt đón đầu” công nghệ, hành động quyết liệt với các mục tiêu cụ thể cần đạt được. Bao gồm lựa chọn công nghệ, bố trí nhân lực phù hợp; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về chuyển đổi số báo chí cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên.
Đội ngũ phóng viên, biên tập viên, nhân viên cũng phải chủ động nắm bắt, rèn luyện các kỹ năng cần thiết, như công nghệ làm báo số; khai thác, kiểm chứng thông tin số; sáng tạo và tổ chức sản phẩm báo chí đa phương tiện; có văn hóa và đạo đức phù hợp với tác nghiệp trong môi trường số.
Và quan trọng không kém là nguồn lực đầu tư. Đây là một trong những “rào cản” lớn nhất trong chuyển đổi số báo chí, nhất là các cơ quan báo chí địa phương.
Muốn thúc đẩy chuyển đổi số, cơ quan báo chí cần phối hợp với các ngành chức năng để tham mưu xây dựng các cơ chế, chính sách về đầu tư nguồn lực hiện đại hóa cơ sở hạ tầng, bảo đảm an ninh và điều kiện tác nghiệp trên môi trường số; xây dựng và hoàn thiện hạ tầng dữ liệu, tạo nền tảng cho chuyển đổi số.
Sông Côn