Băn khoăn bữa ăn học đường - Kỳ 2: Nhà trường kêu khó, phụ huynh lo lắng
Con ăn cơm ở trường, bố mẹ lo ngay ngáy - đó là tâm lý chung của nhiều phụ huynh trước thực trạng thực phẩm bẩn đang bủa vây. Nhiều trường đã cải tạo cơ sở vật chất, linh động trong sử dụng thực phẩm, tuy nhiên để đảm bảo bữa ăn bán trú an toàn, các trường vẫn gặp không ít khó khăn….
Con ăn bán trú, bố mẹ canh cánh nỗi lo
Gửi con ở trường đồng nghĩa với việc các bậc phụ huynh đã giao phó, trông cậy hoàn toàn vào nhà trường, gửi niềm tin vào lương tâm và đạo đức của những người cung ứng thực phẩm. Tuy nhiên, trước tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, bữa ăn trường học luôn khiến các phụ huynh lo lắng.
Chị Lê.Thị. Nh (phường Duy Tân, thành phố Kon Tum) có con đang học tại Trường Tiểu học Q.Tr (thành phố Kon Tum) chia sẻ: Tôi không có điều kiện đưa đón con ngày 2 buổi nên cho cháu ở bán trú. Con ở trường nhưng tôi vẫn chưa thể yên tâm về chuyện ăn uống của cháu. Mặc dù nhà trường hứa đảm bảo ATVSTP, thế nhưng tôi vẫn cứ thấy lo không biết thức ăn ở trường có đảm bảo vệ sinh hay không, khẩu phần ăn có đủ dinh dưỡng hay không. Thế nên, hôm nào con đi học, tôi cũng phải hỏi cặn kẽ xem hôm nay con ăn món gì, có mùi vị gì lạ không... và dặn nếu thấy có mùi vị khác lạ thì không ăn.
Những băn khoăn, lo lắng của các phụ huynh không phải là không có cơ sở, bởi mỗi năm đều xảy ra những vụ việc ngộ độc liên quan tới bếp ăn nhà trường. Ngay ở Kon Tum, còn nhớ cách đây hơn 2 năm, tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) cũng đã xảy ra vụ gần 50 học sinh bị ngộ độc thực phẩm. Thời gian gần đây, tuy không xảy ra những vụ ngộ độc số lượng lớn, nhưng không ai dám chắc học sinh ăn ở trường an toàn tuyệt đối.
Lo lắng trước tình trạng này, nhiều cha mẹ đã phải nghĩ mọi cách để con em giảm thiểu được nguy cơ ăn phải thực phẩm không đảm bảo an toàn.
Chị Ng.Th.M (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) có con đang học lớp 5 Trường Tiểu học M.Đ.Ch, chia sẻ: Đến mình tự mua, tự nấu cho con ăn mà nhiều khi vẫn lo nơm nớp vì đồ bẩn độc, thì làm sao mà yên tâm được khi cho con ăn ở bếp ăn tập thể.
|
Không chỉ vậy, trên báo đài càng đưa tin nhiều về thực trạng thực phẩm ôi thối, bẩn độc bày bán tràn lan khắp nơi, có nơi đã được đưa thẳng vào trường học, thì làm sao dám chắc con mình ăn ở trường an toàn. Thế nên, tôi chấp nhận đến trưa đón cháu về ăn, đầu giờ chiều lại chở cháu đến trường, tuy vất vả hơn nhưng thực lòng tôi thấy yên tâm hơn – chị M cho biết.
Đối với bậc tiểu học và các gia đình có điều kiện đưa đón con thì có thể chọn giải pháp không cho con ăn bán trú. Song đối với bậc học mầm non ở những khu vực trung tâm, các gia đình không có điều kiện đón con vào buổi trưa thì việc cho con ở bán trú là đương nhiên. Và câu chuyện vừa cho con ăn bán trú vừa thấp thỏm lo lắng là điều khó tránh khỏi.
Các trường tìm giải pháp đối phó
Để hạn chế tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng đưa vào trường học, các trường đã có những giải pháp đối phó như kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm và nhận biết, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bị ôi thiu, mốc, hỏng để chế biến thức ăn.
Vì điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên bếp ăn của Trường Mầm non Hoạ Mi (phường Trần Hưng Đạo, thành phố Kon Tum) vẫn cố gắng sắp xếp bếp theo đúng quy trình vận hành một chiều với 3 khu riêng biệt là khu chế biến thực phẩm tươi sống, khu nấu ăn và khu để thức ăn chín.
|
Nhà trường cũng đã trang bị đầy đủ bếp gas công nghiệp, tủ lưu mẫu thực phẩm… được sắp xếp ngăn nắp; hàng năm, nhân viên nhà bếp thực hiện đúng quy định về khám sức khoẻ và tập huấn kiến thức về VSATTP. Thế nhưng, chuyện tổ chức ăn bán trú cho học sinh đang là vấn đề nhà trường gặp không ít khó khăn, lo lắng.
Hiện nhà trường ký hợp đồng thường xuyên với các nhà cung cấp nhưng tất cả vẫn chỉ là các tiểu thương bán hàng tại chợ trung tâm thương mại Kon Tum. Do đó, ngoài thịt gà, thịt heo, trứng… có thể dựa vào dấu kiểm dịch để xác định hàng đảm bảo đúng nguồn gốc; còn lại các mặt hàng khác như rau, cá, lươn… thì dựa vào cam kết của nhà cung cấp và việc kiểm định bằng mắt thường, bằng kinh nghiệm của người nội trợ…
Đối với Trường Mầm non Tuổi Thơ (thành phố Kon Tum), trước đây nhà trường cũng đã từng ký hợp đồng với một doanh nghiệp cung cấp thực phẩm, nhưng sau đó doanh nghiệp này không hoạt động nữa nên nhà trường lại phải quay về mua thực phẩm của tiểu thương.
Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe cho các em, cô Lý Thị Mươi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng ngày, vào 6 giờ 30 phút, khi cơ sở kinh doanh đưa thực phẩm tới, đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, nhân viên nhà bếp nhận và kiểm tra thực phẩm; trước khi chế biến, thực phẩm đều được rửa bằng nước muối pha loãng và sục máy Ozone để tẩy độc cho thực phẩm. Nhà trường ký hợp đồng với các cá nhân, cơ sở cung cấp thực phẩm theo tháng, quý lựa chọn những đơn vị uy tín để đảm bảo thực phẩm tươi, ngon.
Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum và một số địa phương đã có những tổ hợp tác, cửa hàng cung ứng rau an toàn. Thế nhưng, thực phẩm an toàn chưa thể tiếp cận với các bếp ăn trường học, đơn giản vì một lẽ giá thành cao hơn so với giá các loại rau củ trên thị trường. Để đảm bảo ATVSTP, đa số các trường chọn giải pháp hạn chế mua các loại rau xanh mà chủ yếu mua các loại củ; ăn thức ăn theo mùa; tìm các nguồn thực phẩm của những người thân, quen…
Thực tế cho thấy, giải pháp cho con về nhà ăn; tìm các nguồn thực phẩm từ những mối quen biết; hạn chế ăn thực phẩm dễ có nguy cơ ngộ độc...chỉ những là những giải pháp tình thế mà phụ huynh và các trường thực hiện để hạn chế tình trạng mất ATVSTP cho học sinh. Tuy nhiên, để thực sự đảm bảo ATVSTP trong các bếp ăn bán trú, cùng với việc tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng thực phẩm, bữa ăn của các lực lượng chức năng; nâng cao trách nhiệm của người chế biến; thì về lâu dài cần xây dựng một chuỗi thực phẩm an toàn, đủ tin cậy để các trường tin tưởng sử dụng và phụ huynh yên tâm khi cho con ở bán trú.
Thuỳ Hương