Băn khoăn bữa ăn học đường
Việc tổ chức bán trú cho học sinh ngày càng được nhiều trường mầm non và tiểu học trên địa bàn tỉnh thực hiện, bởi đây không chỉ là nhu cầu của đông đảo phụ huynh, mà còn tạo điều kiện thuận lợi để các trường tổ chức dạy học ngày 2 buổi, duy trì sỹ số...Việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cũng như chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú là vấn đề được cả xã hội quan tâm và là bài toán khó đối với các trường.
Kỳ 1: Nan giải kiểm soát chất lượng bữa ăn học đường
Toàn tỉnh hiện có 227 trường học, nhóm lớp tư thực có tổ chức ăn bán trú cho học sinh. Tuy nhiên, vấn đề kiểm soát nguồn gốc thực phẩm và quá trình chế biến thực phẩm tại các bếp ăn bán trú vẫn còn nhiều bất cập…
Băn khoăn chất lượng đầu vào thực phẩm
Đảm bảo nguồn thực phẩm sạch, nước sạch và đúng quy trình bếp một chiều là những quy định quan trọng đối với các bếp ăn tập thể. Ở các trường học, công tác này càng được chú trọng…
Theo quy định, đối với trường học tổ chức bếp ăn bán trú tại trường, phải có chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP còn hiệu lực; cơ sở vật chất phục vụ bán trú đảm bảo đúng quy định bếp một chiều, thức ăn nấu chín phải có dụng cụ che đậy; chỉ ký hợp đồng mua thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng với các công ty có tư cách pháp nhân và hóa đơn tài chính hợp lệ; sản phẩm động vật phải có giấy chứng nhận VSATTP, bên cung cấp thực phẩm phải chứng minh được nguồn gốc thực phẩm lấy từ đâu…
|
Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, quy định là vậy, nhưng thực tế trên địa bàn tỉnh hiện nay hầu hết nguồn thực phẩm đầu vào tại các bếp ăn trường học đều do tư nhân cung cấp. Do đó, khó kiểm soát chất lượng và các tiêu chí về đảm bảo ATVSTP. Các trường học hầu như chưa xác minh nguồn gốc, xuất xứ bởi những người cung ứng thực phẩm đều thu mua từ nhiều nơi khác nhau.
Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum) là một ví dụ. Trường có tổng số 497 học sinh ăn bán trú, nhà trường đã thực hiện bếp ăn một chiều, tuân thủ chặt chẽ quy trình tiếp nhận, kiểm tra thực phẩm, ghi sổ lưu 3 bước...
Hiệu trưởng nhà trường Bùi Thị Chí Linh không ngần ngại cho tôi xem toàn bộ hồ sơ hợp đồng với những người cung cấp thực phẩm, cam kết của tiểu thương. Tuy nhiên, điều đáng nói là tất cả những người nhận cung cấp thực phẩm cho nhà trường chỉ có duy nhất giấy phép kinh doanh, ngay cả những cơ sở cung cấp thức ăn nhanh như kem plan, nước đậu, bánh... cũng không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Đặc biệt, không có một hợp đồng nào ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ của các loại thực phẩm tươi sống mà chỉ có cam kết chung chung đại loại là cơ sở cam kết cung cấp thực phẩm tươi, ngon, an toàn... nếu xảy ra ngộ độc thì cơ sở cung cấp sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Cô Bùi Thị Chí Linh chia sẻ: Trường cũng chỉ để ý đến giấy phép kinh doanh, còn về nguồn gốc thực phẩm thì nhà trường cũng chỉ tin vào những người cung cấp, kiểm tra bằng cảm quan xem thực phẩm có thấy tươi, sạch hay không chứ nhà trường không thể biết họ lấy từ ai, từ nguồn nào, trường cũng chưa bao giờ truy xuất hay kiểm tra về nguồn gốc thực phẩm. Với những thực phẩm chế biến sẵn, trường cũng nghe nói giấy chứng nhận ATVSTP chỉ áp dụng cho từng lô hàng chứ không biết cơ sở phải đảm bảo đủ điều kiện ATVSTP mới được sản xuất và cung ứng sản phẩm ra thị trường, nên vẫn ký hợp đồng từ nhiều năm nay.
Đó cũng là thực trạng chung ở hầu hết các trường có tổ chức bếp ăn bán trú cho học sinh. Dạo một vòng qua một số trường học khi sáng sớm, chúng tôi chứng kiến, các loại thực phẩm tươi sống từ thịt, cá, rau củ... đựng trong túi nilông và được những người buôn bán chở bằng xe máy từ chợ tới giao cho từng trường. Nhân viên của trường kiểm tra thực phẩm bằng mắt thấy tươi thì đồng ý sử dụng. Ở các trường vùng sâu, vùng xa, thực phẩm được tiểu thương chuyên chở bằng “hai sọt” từ thành phố Kon Tum hoặc các chợ trung tâm huyện mất 3- 4 tiếng đồng hồ mới đến nơi. Hầu như các trường chưa giám sát chặt chẽ đầu vào của thực phẩm và chưa có sổ theo dõi được tính chất, thực trạng của các sản phẩm thực phẩm từ bên ngoài cung cấp.
Ông Hoàng Chí Trung– Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Theo quy định, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo đủ điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm thì mới được cung ứng sản phẩm ra thị trường. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh hầu như chưa có nhiều cơ sở làm được điều này, thế nên vấn đề VSATTP cho các sản phẩm hàng hoá dường như vẫn bị bỏ ngỏ.
Không chỉ lo ngại về nguồn thực phẩm cung cấp cho các bếp ăn bán trú, nhiều bậc phụ huynh tỏ ra phân vân về chất lượng, chế độ dinh dưỡng bữa ăn bán trú.
Khâu chế biến còn nhiều nan giải
Chúng tôi đến thăm Trường Tiểu học Hùng Vương (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), đúng lúc các nhân viên cấp dưỡng đang chia khẩu phần ăn cho các cháu. Điều làm chúng tôi không khỏi băn khoăn đó là những nồi cơm và thau đựng cơm đều được đặt ngay xuống nền gạch của bếp nấu. Các nhân viên cấp dưỡng thì đi nguyên ủng (chỉ được đi ở khu sơ chế và bếp nấu) vào thẳng phòng để đựng thức ăn sau khi chế biến, cửa sổ của căn phòng này cũng được mở toang thông với khu vườn tương đối rậm rạp. Một số nhân viên không mang bao tay và đeo khẩu trang khi chia thức ăn vào các khay cơm.
|
Đến Trường Mầm non Hoa Hồng (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), ngay khi bước chân vào khu bếp nấu ăn, chúng tôi thấy một nhân viên cấp dưỡng không đeo khẩu trang, tay cũng không mang găng mà chỉ lấy một túi nilông lót vào tay cầm của máy xay thịt nhằm tránh điện giật. Chúng tôi để ý thấy bữa ăn hôm đó của các cháu gồm trứng chiên và canh chua. Lẽ ra sau khi thức ăn được chế biến phải được đưa vào phòng chia đồ, thì nhân viên nấu ăn lại thái trứng ngay tại kệ bếp bên cạnh để một thau thịt sống vừa được xay.
Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Chí Trung cho biết: Những kiểu làm này là hoàn toàn sai quy định bởi phòng đựng thức ăn sau chế biến và chia đồ ăn thì phải đóng kín cửa, chỉ có một cửa lửng để đưa thức ăn từ phòng này ra khu vực phòng ăn, chỉ có 1 nhân viên được ở trong phòng và bắt buộc phải đi một loại dép riêng, các nhân viên khác không được tự do đi lại.
Các trường đều giải thích rằng do nhân viên nấu ăn sơ suất hoặc do vội quá nên quên. Tuy nhiên, nếu ngày nào các cô cũng quên như vậy thì không biết quy định về ATVSTP trong nấu nướng có được đảm bảo?
Đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh trong đợt kiểm tra về ATVSTP tại các bếp ăn trường học vừa qua cho thấy, có không ít trường học khâu chế biến thức ăn còn nhiều lỗ hổng. Ví dụ như tại Trường Trung học cơ sở bán trú dân tộc thiểu số Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), khu vực chế biến thức ăn rất mất vệ sinh, trường chưa có phòng chia thức ăn nên thức ăn sau khi chế biến đều đặt dưới nền bếp và chia ngay tại đây; nhân viên chế biến không mặc trang phục bảo hộ khi chế biến, thậm chí còn nuôi động vật tại khu vực chế biến.
Hay như tại Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Kon Rẫy (thị trấn Đăk Rờ Ve, huyện Kon Rẫy), trang thiết bị, dụng cụ phục vụ chế biến không bảo đảm vệ sinh như kệ để chén, xoong nồi đã bị hen gỉ; hệ thống thoát nước ở khu vực sơ chế không được vệ sinh thường xuyên nên bị ứ đọng bốc mùi hôi thối.
Song, theo đánh giá của Chi cục ATVSTP tỉnh, rất khó để phát hiện những sai sót này bởi khi lực lượng chức năng đến kiểm tra, mọi hoạt động dường như bị ngưng trệ, hoặc nếu có làm thì đều tuân thủ đúng quy định nên chúng tôi cũng không biết đường nào mà lần…
Thuỳ Hương
(Kỳ 2: Nhà trường kêu khó, phụ huynh lo lắng)