Ám ảnh nhà vệ sinh trường học
Trước thực trạng nơi có, nơi không; hoặc bị hư hỏng, không thể sử dụng được… nên nhà vệ sinh trường học đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít học sinh, thậm chí là cả giáo viên. Điều này đòi hỏi ngành Giáo dục và các địa phương sớm khắc phục để trường học thân thiện, xanh – sạch – đẹp.
Nhà vệ sinh… thiếu vệ sinh
Ngay trung tâm thành phố Kon Tum, chị Tuyết có con trai đang học lớp 3 ở Trường Tiểu học H.V.T. kể: Buổi sáng hàng ngày, chị thường nhắc con uống nhiều nước trước khi đến lớp. Tuy nhiên, con trai của chị chỉ dám nhấp từng ngụm nước nhỏ trong chiếc cốc. Chị bảo, nhắc mãi cháu vẫn không chịu uống nhiều nước; la rầy thì cháu phân trần sợ mắc tiểu phải đi nhà vệ sinh vừa bẩn vừa hôi ở trường…
Ở vùng thuận lợi đã thế, với các trường học vùng sâu, vấn đề này càng lắm cái khó. Chị Y Hanh có con gái theo học lớp 8 ở Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Măng Ri (huyện Tu Mơ Rông) chia sẻ: Nhà cách trường học khoảng vài chục mét, giờ ra chơi giữa buổi học có vài phút, tôi cứ thấy con gái chạy về nhà. Khi hỏi, con gái cho hay, trường có 1 nhà vệ sinh với 4 bệ ngồi xổm nhưng phục vụ đến vài chục bạn trong tổng số 320 học sinh ở trường. Cháu đành phải chạy về nhà cho nhanh.
|
Thầy Trương Văn Quang - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Măng Ri cho biết, trước năm 2010, thầy và trò nhà trường sử dụng nhà vệ sinh tạm ngoài trời. Đến năm 2011, đơn vị tiếp nhận công trình nhà vệ sinh dưới hình thức “chìa khóa trao tay” do huyện Tu Mơ Rông làm chủ đầu tư. Hiện, 350 giáo viên và học sinh sử dụng chung 2 dãy nhà vệ sinh nam, nữ với 4 phòng được xem tốt hơn nhiều nơi khác.
Tuy vậy, thầy Quang cho rằng, so với tổng số học sinh, giáo viên nhà trường thì nhà vệ sinh của trường vẫn chưa đảm bảo nhu cầu; rồi, các thiết bị như các loại van khóa, kính soi gương, các loại cửa trang bị cho các phòng vệ sinh bằng nhựa không đảm bảo, nhanh chóng xuống cấp; sàn nhà lót gạch bông màu sáng thiếu phù hợp môi trường vùng sâu.
Trường chuẩn - nhà vệ sinh chưa chuẩn
Tình trạng nhà vệ sinh… thiếu vệ sinh hay nhà vệ sinh chưa đảm bảo quy định không chỉ diễn ra ở các vùng không thuận lợi, ở các trường học đại trà mà còn ở cả các trường đạt chuẩn quốc gia.
Như ở trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Kiêm (thị trấn Đăk Tô, huyện Đăk Tô) được công nhận trường đạt chuẩn mức độ 1 năm 2010 nhưng nhà vệ sinh vẫn chưa đạt chuẩn.
Trường có 2 dãy phòng có 8 bệ xí phục vụ học sinh và không có nơi phục vụ riêng cho trẻ khuyết tật. Trong khi đó, xét theo quy định tiêu chuẩn nhà vệ sinh trường học đạt chuẩn quốc gia (TCVN 8793: 2011), cần có phòng đệm được thiết kế diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh đi kèm theo 1 khu vực tiểu nam là 1 bệ xí và 1 chậu rửa, phục vụ từ 20 học sinh đến 30 học sinh; đối với học sinh nữ tối đa 20 học sinh/chậu xí; còn học sinh khuyết tật ít nhất phải có một phòng vệ sinh đảm bảo sử dụng có yêu cầu thiết kế riêng.
Trước thực tế trên, cô Hồ Thị Quân – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm giãi bày: Gần 5 năm (2005-2010), đơn vị nỗ lực kêu gọi xã hội hóa, cộng nguồn hỗ trợ cho trẻ vùng khó mới có công trình vệ sinh trên. Hiện tại, đơn vị vẫn nợ các hạng mục thuộc công trình vệ sinh đạt chuẩn quốc gia, phục vụ 490 học sinh. Nhiều năm qua, trường có văn bản đề xuất bổ sung xây dựng nhưng chưa được giải quyết, nguyên nhân là do nguồn kinh phí hạn hẹp.
“Hiện tại, đơn vị cố gắng giữ gìn vệ sinh, phát huy hiệu quả các hạng mục nhà vệ sinh đã đầu tư. Hàng tuần, trường phân công giáo viên chủ nhiệm và học sinh khối lớp lớn trực nhà vệ sinh 2 buổi/ngày. Đối với học sinh khối lớp 1 và 2, hàng ngày, giáo viên hướng dẫn các em đi tiểu đúng nơi quy định, giữ gìn vệ sinh” - cô Quân nói.
|
Chung nỗi buồn trường đã đạt chuẩn quốc gia nhưng thiếu nhà vệ sinh đạt chuẩn còn có Trường Mầm non Tuổi Thơ (thành phố Kon Tum). Trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 năm 2008. Từ đó đến nay, 14 phòng học có tương ứng 14 phòng vệ sinh khép kín phục vụ 502 học sinh đã quá tải. Tuy nhiên, hàng năm, nhà trường chỉ biết sử dụng các nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, hoặc phần nhỏ kinh phí xã hội hóa để sửa chữa, cải tạo nhà vệ sinh các phòng.
Tham quan một lớp học ở Trường Mầm non Tuổi Thơ, chúng tôi nhận thấy phòng học có tổng diện tích chừng 40 – 50m2, với khoảng 30 trẻ. Trong đó, 30 - 35m2 của phòng là khu vực học tập vui chơi và nghỉ trưa của học sinh; phần ngăn cách sau cùng bằng 1 vách tường là khu vực vệ sinh dài 6,5m và rộng 1,5m, có bệ nước rửa tay 6-7 vòi khóa và 1 bệ xí ngồi cho học sinh.
So sánh hiện trạng nhà vệ sinh nơi đây theo quy định Thông tư 02/2014 về cơ sở vật chất có nhà vệ sinh thuộc trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn TCVN 8793:2011 thì chưa đạt yêu cầu.
Chưa kể, nhiều giáo viên phản ánh, do khu vực sinh hoạt lớp học khép kín khá chật chội, các cháu nhỏ đi tiểu tiện chưa ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên 2 giáo viên đảm trách lớp học phải thay phiên hướng dẫn từng cháu. Nhiều hôm, chẳng may trường bị cúp điện, hoặc cúp nước, các phòng học có công trình phụ khép kín bốc mùi, giáo viên phải xách từng xô nước rửa dọn khá vất vả.
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, tính đến cuối năm học qua, toàn tỉnh có 1.167 nhà vệ sinh trong tổng số 413 trường học. Trong đó, nhà vệ sinh bán kiên cố, tạm bợ có 625 công trình, chiếm khoảng 54%; số còn lại là công trình kiên cố. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục phản ánh, đa số công trình phụ này được đầu tư và đưa vào sử dụng 7 – 10 năm, nên các hạng mục như trần, tường, đường ống nước bị hư hỏng, bốc mùi hôi… làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động dạy và học.
Nguyên Khôi