KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY TRUYỀN THỐNG CƠ QUAN LÀM CÔNG TÁC DÂN TỘC (3/5/1946-3/5/2017)
Chăm lo đời sống đồng bào DTTS
Toàn tỉnh hiện có 70 người làm công tác dân tộc; cấp tỉnh có Ban Dân tộc; 9/10 huyện, thành phố có Phòng Dân tộc (riêng huyện Ia H’Drai chưa thành lập). Thời gian qua, các cơ quan làm công tác Dân tộc trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, tham mưu giúp UBND các cấp quản lý, chỉ đạo triển khai thực hiện tốt các chương trình, chính sách đối với đồng bào DTTS trên địa bàn.
Ông Ka Ba Thành - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong giai đoạn 2003-2016, tổng kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại vùng DTTS trên địa bàn tỉnh là 11.416.628 triệu đồng và 2.261.155 USD. Kinh phí đã thực hiện đạt 10.762.638 triệu đồng và 2.261.155 USD, đạt 94,72% kế hoạch. Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, nâng cao đời sống đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.
Các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; thi đua phát triển kinh tế, làm giàu hợp pháp, giảm nghèo bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại; xây dựng các thiết chế văn hóa - thể thao ở cơ sở từ cấp huyện đến cấp xã được đồng bào DTTS các địa phương đồng lòng hưởng ứng, tham gia, có tác động tích cực đến tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và đời sống của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.
|
Theo ông Ka Ba Thành, chính nhờ thực hiện tốt các chính sách dân tộc, việc phát triển giáo dục cho đồng bào DTTS thời gian qua có sự chuyển biến tích cực. Tỷ lệ huy động trẻ DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, tiểu học ra lớp tăng đều hàng năm; trẻ mẫu giáo 3-5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể; học sinh DTTS xếp loại hạnh kiểm khá tốt, học lực khá giỏi ngày càng tăng; số lượng học sinh DTTS trúng tuyển vào các trường cao đẳng, đại học ngày càng nhiều. Hơn nữa, hệ thống trường phổ thông chuyên biệt dành cho học sinh DTTS phát triển mạnh, giúp huy động tối đa học sinh ra lớp, nâng cao tỷ lệ chuyên cần của học sinh, tạo điều kiện cho các trường tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, công tác thực hiện các chính sách y tế cho đồng bào DTTS được triển khai đồng bộ như việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; y tế cơ sở từng bước được chính quyền các cấp quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp nhằm phục vụ ngày càng tốt hơn công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn người DTTS ngày càng được quan tâm sau khi có Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về triển khai công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đến nay, có 21.912 người DTTS được đào tạo nghề các hệ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và ngắn hạn.
Đến nay, Đài PTTH tỉnh đã sản xuất, phát sóng các chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng phổ thông và 4 tiếng DTTS: Xê Đăng, Ba Na, Giẻ -Triêng, Gia Rai trên sóng phát thanh 19 giờ/ngày, sóng truyền hình kênh 6 KRT 19 giờ/ngày, sóng truyền hình kênh VTV8, Đài Tiếng nói Việt Nam... Báo Kon Tum xuất bản báo ảnh dành cho đồng bào DTTS 3 kỳ/tháng với 2 thứ tiếng Ba Na và Xê Đăng.
Các cấp ủy đảng quan tâm phát triển đảng viên, xóa thôn, làng trắng tổ chức đảng ở những vùng có đông đồng bào DTTS và đồng bào theo đạo. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở người DTTS đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ chủ chốt người DTTS sau khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đã phát huy được năng lực bản thân trong quá trình chỉ đạo, điều hành hoạt động của cấp ủy đảng, chính quyền.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1.147 cán bộ, công chức người DTTS (chiếm 25,1%); 2.181 viên chức người DTTS (chiếm 14,5%); số lượng đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.608/2.963 người, trong đó, cấp tỉnh 25/50 (chiếm 50%); cấp huyện 144/315 (chiếm 45,7%); cấp xã 1.439/2.598 (chiếm 55,3%).
Có thể nói, công tác dân tộc và việc thực hiện các chính sách dân tộc trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua được Ban Dân tộc tỉnh và Phòng Dân tộc các huyện, thành phố triển khai thực hiện tốt, mang lại hiệu quả thiết thực cho cuộc sống của đồng bào vùng DTTS.
Thảo Nguyên