Ðể trở thành “công dân số”
Thực hiện chủ trương của Chính phủ, cùng với cả nước, tỉnh ta đang đẩy mạnh xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, trong đó việc định danh điện tử (ĐDĐT) là một bước chuyển trong quá trình thực hiện. Vì lợi ích chính mình, công dân đã ĐDĐT có nhiều lợi ích khi thực hiện các giao dịch hành chính trên môi trường điện tử, góp phần thực hiện tốt mục tiêu “Phát triển công dân số”.
Để đẩy mạnh thực hiện việc ĐDĐT cho công dân, ngày 10/11/2023, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3903/KH-UBND về việc triển khai đợt cao điểm 50 ngày, đêm thực hiện đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT cho công dân trên địa bàn tỉnh (từ ngày 11/11/2023 đến hết ngày 30/12/2023) nhằm huy động sự tham gia, vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân cài đặt, đăng ký và kích hoạt, sử dụng tài khoản ĐDĐT.
|
Qua 30 ngày triển khai thực hiện, với sự vào cuộc của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên với tinh thần, quyết tâm cao nhất, Công an tỉnh – Cơ quan thường trực Tổ công tác Đề án 06/CP tỉnh có báo cáo sơ kết kết quả thực hiện. Theo báo cáo, việc xác định ĐDĐT cho công dân được xem là nhiệm vụ cấp bách quyết định sự thành công của mục tiêu “Phát triển công dân số”, là “mệnh lệnh chính trị” của lực lượng Công an nhân dân phục vụ triển khai thực hiện Đề án 06/CP.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, yêu cầu nhiệm vụ “Phát triển công dân số” của Đề án 06/CP trên địa bàn tỉnh là phải hoàn thành việc kích hoạt 335.512 tài khoản ĐDĐT, Công an các đơn vị đã huy động tối đa lực lượng cán bộ, chiến sĩ vận động, hướng dẫn cán bộ, người dân trên địa bàn đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT trên ứng dụng VNeID theo phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” và kết hợp tuyên truyền tới tận các hộ gia đình vào tất cả các ngày trong tuần (kể cả thứ 7, chủ nhật).
Cùng với Công an, các lực lượng Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị khác và từng thành viên Tổ công tác Đề án 06/CP cấp huyện phối hợp với các tổ công tác cấp xã, cấp thôn đồng loạt ra quân để mời gọi người dân tiến hành thu nhận, hướng dẫn kích hoạt tài khoản ĐDĐT; giao chỉ tiêu kích hoạt tài khoản ĐDĐT hàng ngày theo tiêu chí 5 rõ: “rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ kết quả, rõ trách nhiệm” nhằm đảm bảo tiến độ và hoàn thành 100% chỉ tiêu kích hoạt tài khoản ĐDĐT phục vụ mục tiêu “Phát triển công dân số” của Đề án 06 trên địa bàn.
Với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống chính trị, tính đến ngày 7/12, toàn tỉnh thu nhận 293.928 hồ sơ ĐDĐT (đạt 69,8% kế hoạch), trong đó tài khoản mức 1 là 75.908, tài khoản mức 2 là 218.020. Theo đó, kích hoạt thành công 182.769 tài khoản ĐDĐT, trong đó tài khoản mức 1 là 17.791, tài khoản mức 2 là 164.978 (đạt 78% tổng hồ sơ được duyệt kích hoạt ĐDĐT).
|
Trong quá trình thực hiện, Công an tỉnh ghi nhận 5 đơn vị cấp xã đã có tỷ lệ thu nhận hồ sơ hoàn thành chỉ tiêu và kích hoạt cao nhất tỉnh hiện nay: Xã Hà Mòn (Đăk Hà), xã Tân Lập (Kon Rẫy), phường Nguyễn Trãi (thành phố Kon Tum), xã Ia Dom, Ia Đal (Ia H’Drai). Các xã có tiến độ thu nhận hồ sơ và kích hoạt thấp là: Mường Hoong, Ngọc Linh, Đăk Môn, Xốp, Đăk Pék, Đăk Kroong (Đăk Glei), Đăk Nên, Pờ Ê, Đăk Ring, Ngọk Tem (Kon Plông), Ngọk Bay (thành phố Kon Tum), Rờ Kơi (Sa Thầy), Đăk Rơ Nga, Văn Lem (Đăk Tô).
Theo đánh giá, việc người dân sử dụng tài khoản ĐDĐT sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công trên nền tảng điện tử.
Có ý kiến cho rằng, có căn cước công dân (CCCD) rồi cần gì phải ĐDĐT? Tuy nhiên, khác biệt với thẻ CCCD, tài khoản ĐDĐT sẽ được xác thực thông tin trên môi trường điện tử. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ đã đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế. Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo bên mình.
Để hoàn thành mục tiêu đề ra, đòi hỏi các địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Kế hoạch số 3903/KH-UBND, nhất là với các địa phương có tiến độ thu nhận hồ sơ và kích hoạt thấp. Và vì lợi ích của chính mình, người dân nên đi đăng ký, kích hoạt tài khoản ĐDĐT để góp phần trở thành “công dân số”, cùng với chính quyền xây dựng chính quyền số ở địa phương.
Văn Nhiên