Xây dựng làng Ba Rgốc trở thành điểm du lịch cộng đồng
Với mục tiêu tạo điểm nhấn để thu hút khách du lịch ghé thăm địa phương, đồng thời, giúp nhân dân có thêm thu nhập, cải thiện đời sống, các cấp chính quyền huyện Sa Thầy đang xây dựng làng Ba Rgốc (xã Sa Sơn) trở thành điểm du lịch cộng đồng.
Nằm ở phía Tây xã Sa Sơn, làng Ba Rgốc là nơi sinh sống của 185 hộ với 720 khẩu. Dân cư ở đây hầu hết là đồng bào dân tộc Gia Rai - một dân tộc có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, nguyên sơ còn được lưu giữ đến ngày nay. Ngôi làng nằm dưới chân núi Chư Mom Ray và được bao quanh bởi dòng suối uốn lượn quanh co tạo nên khung cảnh thiên nhiên hữu tình, khí hậu mát mẽ.
Thêm vào đó, làng Ba Rgốc nằm trên trục đường từ thị trấn Sa Thầy đi Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật thuộc Ban quản lý Vườn Quốc gia Chư Mom Ray - địa điểm du lịch sinh thái luôn thu hút nhiều du khách đến tham quan. Vì vậy, phát triển du lịch cộng đồng - một loại hình du lịch đang được du khách ưa chuộng, là một lợi thế mà ít địa phương nào ở huyện Sa Thầy có được, góp phần tạo điểm nhấn trong hành trình du khách đến với Sa Thầy.
Người dân ở làng Ba Rgốc có bản chất hiền lành, gần gũi, cần cù và chịu khó lao động sản xuất, tuy nhiên đời sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhằm giải quyết vấn đề nâng cao đời sống nhân dân, bên cạnh việc thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu để phát triển kinh tế - xã hội, các cấp chính quyền địa phương đề ra mục tiêu phát triển làng Ba Rgốc trở thành điểm du lịch cộng đồng, nhất là sau khi Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch giới thiệu tuyến du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tại Trung tâm cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật nhân dịp Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ 4 năm 2018.
Ông Đoàn Văn Tám - Phó Chủ tịch UBND xã Sa Sơn cho biết, xác định làm du lịch cộng đồng cần nhiều thời gian, kinh phí, nhân lực và quan trọng nhất là sự đồng thuận của nhân dân, đây là những khâu quan trọng để làm nên thành công của mô hình du lịch nên chính quyền xã Sa Sơn tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển du lịch cho làng Ba Rgốc một cách bài bản, chi tiết. Trong đó, nội dung của kế hoạch có đề ra nhiệm vụ cụ thể phải thực hiện trong từng năm và mục tiêu đến năm 2025, làng Ba Rgốc trở thành điểm du lịch cộng đồng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
Phát triển du lịch cộng đồng cũng cần có sản phẩm đặc trưng, hoạt động văn hóa sôi nổi, cảnh quan môi trường đẹp và sạch sẽ, có dịch vụ lưu trú, ẩm thực đa dạng… Do vậy, ngay sau khi có chủ trương, làng Ba Rgốc đã chủ động triển khai thực hiện một số việc quan trọng.
Dẫn chúng tôi tham quan làng Ba Rgốc, già làng A Súp cho hay, khi nghe tin làng sẽ được xây dựng làm nơi du lịch cộng đồng, bà con nhân dân trong làng ai cũng phấn khởi. Mọi người tập trung dọn dẹp vệ sinh lại nhà cửa, đổ rác đúng nơi quy định, làm chuồng nuôi nhốt gia súc; tham gia trồng hơn 170 cây xanh (cẩm và trắc) do Vườn Quốc gia Chư Mom Ray tặng trên các tuyến đường trong làng.
|
Giới thiệu với du khách khi đến du lịch và lưu trú tại làng Ba Rgốc những nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Gia Rai nhằm sức hút du khách đến và ở lại đây là một việc làm không thể thiếu trong triển khai đưa vào hoạt động điểm du lịch cộng đồng. Vì vậy, các cấp chính quyền và ngành văn hóa ở Sa Thầy chú trọng triển khai, khôi phục các hoạt động văn hóa truyền thống trong cộng đồng.
Triển khai chủ trương trên, làng Ba Rgốc thành lập đoàn nghệ nhân cồng chiêng, múa xoang gồm 34 thành viên (24 nam và 10 nữ) và chuẩn bị 2 nghệ nhân nhạc cụ dân tộc để biểu diễn khi khách du lịch có yêu cầu. Các bài biểu diễn chiêng, múa xoang được các nghệ nhân chăm chỉ luyện tập thuần thục với sự hứng thú của mọi người nhằm chuẩn bị cho điểm du lịch cộng đồng làng Ba Rgốc đưa vào hoạt động.
Ngoài ra, làng Ba Rgốc tiến hành thành lập Tổ đan lát thủ công, Tổ dệt thổ cẩm, Tổ giã gạo; chuẩn bị không gian để trưng bày, giới thiệu các công cụ, dụng cụ, vật dụng liên quan đến đời sống sản xuất và văn hóa của dân tộc Gia Rai… Một không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng truyền thống của đồng bào dân tộc Gia Rai được phục dựng một cách nguyên mẫu ở làng Ba Rgốc nhằm thỏa mãn sự yêu thích với những du khách đam mê “du lịch xanh” nhằm nghiên cứu, khám phá văn hóa và phong tục tập quán bản địa.
Già làng A Súp chia sẻ, ngoài các sản phẩm đặc trưng như: Thổ cẩm, đan lát…, làng còn có 10 ngôi nhà sàn truyền thống của người Gia Rai, đây cũng là những nơi để du khách trải nghiệm khi đến tham quan làng Ba Rgốc.
“Để chuẩn bị ẩm thực cho khách, làng cũng sẽ tổ chức làm các món ăn truyền thống của người Gia Rai như: Thịt heo nướng, thịt trâu nấu với chuối non, rượu cần, cơm lam, mây đắng, gà đồi nướng, cá lóc nướng, heo quay, rau dớn, cá nướng ống tre theo mùa…”, già làng A Súp say sưa kể cho tôi nghe về các món ăn độc đáo, đậm đà hương vị núi rừng của người Gia Rai.
Ông Đoàn Văn Tám cho biết, về lâu dài, để duy trì các hoạt động văn hóa Gia Rai được tổ chức thường xuyên cũng như thúc đẩy du lịch phát triển, UBND xã Sa Sơn sẽ phối hợp với Trung tâm dạy nghề huyện Sa Thầy mở 2 lớp dạy đan lát và dệt thổ cẩm và phối hợp với Trung tâm Văn hoá - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện mở 4 lớp dạy cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca và đàn nhạc tại làng Ba Rgốc.
Đồng thời, địa phương phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức khảo sát và xây dựng 5 ngôi nhà sàn truyền thống của dân tộc Gia Rai cùng công trình phụ để làm nơi lưu trú cho khách du lịch và trồng thêm hoa cùng cây muồng để tạo cảnh quan đặc trưng cho làng.
Hy vọng, với quyết tâm cùng sự đồng lòng cao, UBND xã Sa Sơn và bà con nhân dân làng Ba Rgốc sẽ chuẩn bị những điều kiện tốt nhất nhằm sớm đưa làng Ba Rgốc trở thành điểm du lịch cộng đồng, thu hút nhiều khách du lịch đến với nơi đây, góp phần tạo ra một điểm du lịch cộng đồng độc đáo ở huyện Sa Thầy.
Đức Thành