Về Đất Tổ
Chúng tôi đến Đền Hùng trong chuyến “Hành trình lên Tây Bắc” của đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Kon Tum, trên đường xuôi về thăm Phú Thọ. Về với Đất Tổ, đến dâng hương Đền thờ Mẫu Âu Cơ và Đền thờ các Vua Hùng, trong chúng tôi ai cũng trào dâng cảm xúc thiêng liêng khó tả.
Khu di tích lịch sử Đền Hùng nằm trên núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng ở xã Huy Cương, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 7km về phía bắc. Khu di tích bao gồm các công trình như: Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Lăng Vua Hùng, Chùa Thiền Quang, Cột đất thề, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Bảo tàng Hùng Vương.
Muốn đến được các khu đền thờ, từ chân núi Nghĩa Lĩnh rẽ qua Đại môn (cổng đền) đoàn chúng tôi phải leo gần 300 bậc thang xây bằng gạch mới lên đến Đền Hạ với kiến trúc kiểu chữ Nhị, gồm tiền bái và hậu cung. Theo truyền thuyết, nơi đây Mẹ Âu Cơ sinh ra bọc trăm trứng, nở thành trăm người con.
|
Trước cửa Đền Hạ có cây Thiên Tuế, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường về tiếp quản Thủ đô Hà Nội đã nói chuyện với các chiến sĩ của Đại đoàn quân tiên phong “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Từ Đền Hạ, chúng tôi leo thêm khoảng 200 bậc đá nữa mới tới Đền Trung, có kiến trúc kiểu chữ Nhất gồm ba gian. Theo lời kể, nơi đây các Vua Hùng cùng Hùng hậu, Hùng tướng thường ngắm cảnh, họp bàn việc nước và cũng là nơi Vua Hùng thứ Sáu nhường ngôi cho Lang Liêu, người con hiếu thảo đã sáng tạo ra bánh chưng, bánh dày.
Từ Đền Trung, đoàn tiếp tục leo thêm 100 bậc đá nữa là tới Đền Thượng (Điện thờ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh). Tại đây, các Vua Hùng đã thực hiện những nghi thức tế lễ đất trời, Thần núi và Thần lúa. Đền có kiến trúc kiểu chữ Vương, gồm các tòa nhà chuông trống, đại bái, tiền tế và hậu cung. Nằm ở phía đông Đền Thượng là Lăng Vua Hùng - phần mộ của Vua Hùng thứ Sáu. Theo truyền thuyết, trước khi qua đời, nhà vua có dặn hãy chôn người trên núi cao để trông nom bờ cõi cho con cháu. Ngay phía trước Lăng là Cột đá thề, tương truyền là nơi Thục Phán An Dương Vương khi được Vua Hùng nhường ngôi đã thề nguyện muôn đời bảo vệ giang sơn gấm vóc và đời đời hương khói tổ tiên.
Trên đường đi, trong đoàn có chị đồng nghiệp bị viêm khớp đi lại rất khó khăn nhưng chị vẫn cố gắng leo lên tới đỉnh. “Đây là lần đầu được về đây dâng hương các Vua Hùng, vì vậy, dù có khó khăn đến mấy mình cũng phải leo lên tới nơi để thắp hương tỏ lòng thành kính”- chị đồng nghiệp của tôi nói.
Từ lăng mộ Vua Hùng xuống Đền Giếng khoảng 700 bậc đá, nơi đây các nàng công chúa con Vua Hùng thường soi gương. Nhằm tưởng nhớ công đức hai nàng công chúa quan tâm giúp dân trồng lúa nước, nhân dân xây dựng Đền để tưởng nhớ.
Các bạn đồng nghiệp cho biết, vào thời điểm chúng tôi đến không đúng vào dịp lễ hội nên hơi vắng khách, còn nếu đúng vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch thì rất đông. Nhiều cụ già tuổi đã cao nhưng vẫn kiên trì vượt qua cả trăm bậc đá đến thắp hương các điện thờ trong khu di tích không bỏ qua chỗ nào. Vậy mới biết, con dân đất Việt từ khắp mọi miền Tổ quốc luôn hướng về Đất Tổ, thành kính, tưởng nhớ, biết ơn đến tổ tiên, tự hào về cội nguồn dân tộc.
Có thể nói, khi đứng trước các điện thờ, thành kính dâng nén hương thơm, mỗi người một tâm trạng, một suy nghĩ, nhưng có lẽ mỗi người con đất Việt đều cầu mong Mẫu Âu Cơ, các Vua Hùng phù hộ cho đất nước luôn hòa bình, toàn dân tộc muôn đời ấm no, hạnh phúc, mãi mãi trường tồn.
Chia tay Đất Tổ, tôi cũng như các thành viên trong đoàn luôn mong muốn có một ngày gần nhất được quay trở lại nơi mảnh đất linh thiêng từ ngàn đời nay của những người con nước Việt, nằm bên bờ sông Thao thơ mộng, hữu tình…
L.N