Tượng gỗ dân gian và những điều đáng quan tâm
Trong kho tàng văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS tỉnh Kon Tum, tượng gỗ dân gian góp phần làm nên nét đẹp đặc sắc. Không chỉ gửi gắm tâm tư, tình cảm và chuyển tải tâm linh, tín ngưỡng của con người; tượng gỗ còn góp phần hình thành một trong số nghề thủ công truyền thống độc đáo. Cùng với nỗ lực giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa cổ truyền hiện nay, còn không ít vấn đề đáng quan tâm đối với việc bảo tồn loại hình nghệ thuật dân gian này.
Cũng như cồng chiêng - xoang, sử thi, dân ca, các nghề truyền thống…, tượng gỗ dân gian ra đời từ thực tế lao động sản xuất và sinh hoạt lâu đời của đồng bào các DTTS địa phương.
Với nguyên liệu chính là cây gỗ và dụng cụ thô sơ như rìu, rựa, đục…, những người thợ có cảm quan đặc biệt, óc tưởng tượng phong phú và đôi tay tài hoa tạo nên những bức tượng gỗ thô mộc nhưng vô cùng độc đáo.
Tượng gỗ dân gian đa dạng từ hình người nam, nữ, già, trẻ trong các vóc dáng đi, đứng, mang gùi, đánh chiêng, uống rượu, địu con, gùi củi, giã gạo… đến các con vật như con voi, con khỉ, con mèo, con chó…và cả đồ dùng, vật dụng thường ngày.
Nguyên gốc tượng gỗ dân gian của người Gia Rai được nghệ nhân A Huynh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy cho biết chính là tượng nhà mồ, mà đặc trưng là tạc hình đàn ông ngồi buồn, suy tư.
|
Không chỉ gắn liền với tục làm nhà mồ, lễ bỏ mả thuở xưa của một số dân tộc, tượng gỗ dân gian còn được dùng để trang trí ở nhà rông và dùng trong một số hoạt động mang tính nghi lễ của cộng đồng.
Theo Nghệ nhân ưu tú A Gông ở làng Kon Du, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng ở vùng Đông Trường Sơn) không có phong tục làm tượng nhà mồ, song tượng gỗ lại được trưng bày trang trọng trong hai lễ hội dân gian quy mô lớn và mang ý nghĩa đặc biệt với cộng đồng. Đó là lễ ăn lúa mới và lễ mừng chuồng trâu. Trong lễ ăn lúa mới, tượng gỗ được trưng bày ở sân nhà rông, nơi diễn ra lễ hội của bà con. Trong lễ mừng chuồng trâu, tượng gỗ được đặt ở hai bên cửa ra vào chuồng mới dựng.
Là một trong số nghề truyền thống đặc thù nên không phải ai cũng có thể làm quen và gắn bó với đẽo tượng gỗ. Đặc biệt, mỗi người tạc tượng gỗ dân gian chính là một nghệ nhân mang phong cách riêng biệt. Dấu ấn của họ được tạo nên bằng chính những “tác phẩm” của mình.
42 tuổi, hơn 20 năm gắn bó với tượng gỗ, điều nghệ nhân A Bắc ở làng Kon Klor, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum tâm đắc để gửi hồn mình vào mỗi bức tượng là tạc khuôn mặt người. Từ những đường nét, bộ phận trên khuôn mặt, mỗi bức tượng đều có biểu cảm riêng biệt, khác nhau. Từ gương mặt tượng gỗ, cũng nhận rõ đó là người dân tộc nào.
Để góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị của tượng gỗ dân gian trong cộng đồng, những năm qua, các thế hệ nghệ nhân tạc tượng đã được quan tâm tạo nguồn và gây dựng ở nhiều thôn, làng đồng bào DTTS trong tỉnh.
Ở quy mô cấp tỉnh, đã 4 lần Liên hoan Tạc tượng gỗ dân gian được tổ chức. Trong đó, chưa kể Liên hoan Tạc tượng gỗ dân gian được tổ chức vào tháng 4/2015 nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, đáng chú ý là Liên hoan Tạc tượng gỗ dân gian của tỉnh lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 trong phạm vi Tuần Văn hóa- Du lịch tỉnh Kon Tum lần thứ nhất. Liên hoan bước đầu đã trở thành hoạt động không thể thiếu trong sự kiện Tuần Văn hóa-Du lịch của tỉnh định kỳ hai năm được tổ chức một lần. Và tiếp nối Liên hoan Tạc tượng gỗ vào tháng 3/2016 là liên hoan diễn ra trong các ngày từ 14 đến 17/12 /2018.
Mặc dù đã được quan tâm gìn giữ và duy trì, song đến nay, vì nhiều lý do, việc chế tác tượng gỗ dân gian ở tỉnh Kon Tum nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung vẫn đứng trước không ít khó khăn, ảnh hưởng đến khả năng duy trì nghề truyền thống này.
Có thể nhận thấy, số nghệ nhân tạc tượng gỗ người DTTS trên địa bàn tỉnh hiện không chỉ ít, mà xu hướng “già hóa” đang ngày càng gia tăng. Ngay như ở làng du lịch cộng đồng Kon Ktu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum, nghệ nhân A Hùng (54 tuổi) rất nhiệt tình song vẫn chưa tìm được “học trò” để truyền nghề.
Không chỉ khó khăn về nhân lực kế cận, thực tế nguồn nguyên liệu để chế tác tượng gỗ cũng là vấn đề đặt ra với không ít nghệ nhân tâm huyết. Tại các sự kiện văn hóa, thuận lợi cho các nghệ nhân tham gia đẽo tượng là có gỗ cây được chuẩn bị sẵn nhờ sự can thiệp, tạo điều kiện của ngành chức năng. Riêng gỗ để chế tác ở nhà thì các nghệ nhân tự tìm nguồn, phổ biến là tìm kiếm thân gỗ cũ trong vườn, ngoài rẫy, hoặc mua lại của người dân và các cơ sở chế biến hàng mộc gia dụng. Vì vậy, trong bối cảnh thân cây khúc gỗ ngày càng khó tìm, để chủ động “giữ nghề”, nguyên liệu là bài toán không dễ với nghệ nhân.
Trao đổi với nghệ nhân A Bắc ở làng Kon Klor (phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum), anh cho hay: Bây giờ cây rừng hiếm, nên có thể thay thế bằng một số loại gỗ trồng như cao su, hay bời lời. Thân cây cao su có nhiều kích cỡ, chất lượng gỗ cũng đa dạng hơn. Cây bời lời thì chủ yếu tạc tượng thô sơ và cỡ nhỏ.
Cùng với chất liệu dân gian, nguồn lực con người chính là yếu tố quyết định hiệu quả bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Đó cũng chính là vấn đề đáng quan tâm đối với hoạt động gìn giữ và duy trì tạc tượng gỗ dân gian trong quá trình xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Thanh Như