Tu Mơ Rông: Nỗ lực để du lịch “cất cánh”
Phát huy lợi thế riêng có, huyện Tu Mơ Rông đã, đang huy động các nguồn lực và chủ động, linh hoạt triển khai các giải pháp để thúc đẩy phát triển du lịch, mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho người dân.
Huyện Tu Mơ Rông xác định phát triển dược liệu gắn với du lịch là hướng đi đột phá để phát triển kinh tế-xã hội với trục xoay là rừng, sâm Ngọc Linh, dược liệu gắn với du lịch.
Để hiện thực hóa mục tiêu đó, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã sáng kiến xin tỉnh tổ chức Phiên chợ sâm Ngọc Linh gắn với phát triển du lịch để thu hút khách du lịch. Đồng thời, chủ động hợp tác, liên kết với các đơn vị lữ lành, Hiệp hội du lịch tỉnh kết nối, tổ chức các tour và kêu gọi, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vào đầu tư, phát triển du lịch trên địa bàn.
|
Huyện cũng dành nguồn lực từ nguồn đầu tư công, Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2021-2025 và các nguồn vốn hợp pháp khác để nâng cấp, đầu tư cơ sở hạ tầng đến các điểm du lịch trên địa bàn huyện như: Khu du lịch thác Siu Puông; Khu du lịch thác Tea Prông; Làng Pu Tá, xã Măng Ri, Khu căn cứ Tỉnh ủy, Ruộng bậc thang... Tăng cường thu hút các nguồn lực từ các nhà đầu tư để đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển du lịch. Khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, chất lượng cao. Huy động nguồn lực từ người dân để phát triển du lịch cộng đồng, homestays, farmstay...
Nhờ đó, du lịch Tu Mơ Rông đã phát triển mạnh mẽ. Năm 2023, con số 10.000 khách du lịch đến với Tu Mơ Rông tuy không lớn về số lượng nhưng đó là kết quả nỗ lực của địa phương trong việc biến tiềm năng thiên nhiên ban tặng vốn đang “ngủ quên” và cây đặc sản địa phương thành sản phẩm du lịch độc đáo, được khách nồng nhiệt đón nhận. Đặc biệt, điều quan trọng nhất, khách đến Tu Mơ Rông tiêu tiền thông qua việc mua những sản phẩm dược liệu có giá trị của dân, thậm chí còn mở nhà máy chế biến. Vì thế, người dân hưởng lợi nhiều từ chính sách phát triển du lịch này.
|
Ông Nguyễn Ngọc Chỉnh (chủ quán ăn trên địa bàn huyện) cho biết, ngoài phục vụ khách địa phương, thời gian qua, nhờ chính sách thu hút, phát triển du lịch, cơ sở của ông được hưởng lợi nhiều thông qua việc khách ngoại tỉnh, nước ngoài đến địa bàn. Thời gian tới, ông sẽ nghiên cứu đa dạng hóa món ăn, bổ sung thêm các món liên quan đến dược liệu như sâm dây để phục vụ khách được tốt hơn.
Ngoài ra, người trồng dược liệu nơi đây cũng đang “hốt bạc” nhờ khách du lịch đến địa bàn. Chị Nguyễn Thị Anh Nữ (xã Măng Ri) chia sẻ: Năm 2023 là năm bội thu của gia đình. Vườn sâm của gia đình đã đón khoảng 5.000 khách đến từ các tỉnh, thành như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Huế. Ngoài việc tham quan, khách đã mua khoảng 20 kg sâm Ngọc Linh, 6 tạ sâm dây khô, hàng chục tấn sâm dây tươi. Tổng thu từ việc bán các sản phẩm dược liệu cho khách du lịch là khoảng 3 tỷ đồng.
Theo ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, thành quả du lịch của huyện nói trên có sự hỗ trợ rất lớn của lãnh đạo tỉnh. Những năm qua, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm, đồng hành thông qua việc gỡ khó các chính sách đầu tư, định hướng các chiến lược phát triển du lịch theo từng giai đoạn. Trong buổi tri ân vị khách thứ 10.000 đến địa bàn, các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp có mặt tặng quà động viên khách du lịch. Đây là sự cỗ vũ rất lớn cho huyện.
Cũng theo ông Võ Trung Mạnh, thời gian tới, huyện bám vào định hướng của lãnh đạo tỉnh, tiếp tục chính sách bảo vệ rừng, trồng dược liệu kết hợp du lịch. Để du lịch Tu Mơ Rông bứt phá, trở thành thương hiệu du lịch của cả nước, huyện sẽ tập trung xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch độc đáo, riêng có “trải nghiệm, tham quan vườn sâm Ngọc Linh” để tăng sức hút với du khách, qua đó, mang lại lợi ích cho người đồng bào Xơ Đăng. “Để hiện thực hóa điều đó, huyện mong muốn đầu tư mở rộng Quốc lộ 40B, Tỉnh lộ 672, Tỉnh lộ 678, đường Ngọc Hoàng - Măng Bút để kết nối Tu Mơ Rông với các điểm du lịch sinh thái Măng Đen, Ngục Tố Hữu, suối nước nóng Đăk Tô, ngã 3 biên giới, trở thành chuỗi du lịch lớn của tỉnh, khu vực”- ông Mạnh nói.
Phúc Nguyên