“Truyền lửa đam mê” văn hóa cồng chiêng cho thế hệ trẻ
Thời gian qua, tỉnh ta triển khai thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm khuyến khích và hỗ trợ các hoạt động truyền dạy, đào tạo cồng chiêng cho lớp trẻ, góp phần gìn giữ vốn di sản văn hóa cồng chiêng.
Tại các thôn, làng đồng bào DTTS, số lượng các đội cồng chiêng thiếu niên, thanh niên ngày càng nhiều. Dưới sự chỉ dạy tận tình của các nghệ nhân, già làng, các đội chiêng “nhí” ngày càng thành thạo, điêu luyện trong từng nhịp chiêng, dần thay thế được lớp nghệ nhân lớn tuổi tại làng.
Về làng Kon Túc, xã Đăk Pne (huyện Kon Rẫy), chúng tôi gặp ông A Nhàn (62 tuổi) là một trong 3 nghệ nhân được mời dạy tại lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang năm 2023 tổ chức tại xã trong dịp hè vừa rồi.
|
Theo ông A Nhàn, từ khi có lớp học, các em nhỏ tại làng Kon Túc hăng say tập luyện cồng chiêng hơn hẳn, không khí luyện tập cồng chiêng lại làng cũng rộn ràng, sôi nổi hơn, thu hút cả những người lớn tuổi tham gia đánh chiêng, chơi chiêng.
Nghệ nhân A Nhàn vui vẻ “khoe” với chúng tôi rằng: Lớp học vừa rồi chỉ diễn ra trong 15 ngày nhưng ngày nào cũng rất đông vui, nhộn nhịp. Ngoài các em nhỏ tập chiêng còn có cả người lớn trong làng Kon Túc đến xem và cổ vũ. Từ ngày được chính quyền địa phương hỗ trợ mở lớp học, cơ sở vật chất tập luyện, tôi cảm thấy rất vui vì được truyền dạy kiến thức cho chính con em của mình trong làng. Qua đó, giúp các em có môi trường tập luyện bài bản, nắm được các kỹ năng cơ bản trong diễn tấu cồng chiêng, múa xoang”.
Em A Dương (11 tuổi) tham gia lớp học cho biết: “Em rất thích đánh chiêng nhưng trước đây chỉ được xem người già trong làng biểu diễn rồi bắt chước theo. Giờ đây được tham gia lớp học, em có thêm những người bạn và động lực để luyện tập đánh chiêng hơn nữa. Em sẽ cố gắng tập luyện để cùng các bạn của mình nhanh chóng thành thạo các kỹ năng cơ bản về biểu diễn chiêng để tham gia nhiều cuộc thi, ngày hội do địa phương tổ chức”.
Để giữ gìn văn hóa cồng chiêng, tại nhiều địa phương, những người cao tuổi, già làng, nghệ nhân tâm huyết cũng có những cách làm hay để khơi dậy tình yêu, đam mê đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Nghệ nhân A Phái (58 tuổi) ở thôn Kon Tơ Neh, xã Đăk Tờ Re (huyện Kon Rẫy) cho chúng tôi biết, vào năm 2020, dưới sự vận động và hỗ trợ của chính quyền địa phương, ông cùng với các nghệ nhân tại thôn bàn việc thành lập đội chiêng trẻ em gồm 13 thành viên. Ban đầu, việc tập hợp và duy trì tập luyện cho các em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ các nghệ nhân, già làng kiên trì, vận động, các em giờ đây đã hăng say tập luyện. Tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS huyện Kon Rẫy lần thứ I - 2022, Đoàn nghệ nhân xã Đăk Tờ Re đạt giải Nhất, trong đó có sự góp mặt của nhiều “tay chiêng” trẻ thôn Kon Tơ Neh.
|
Em A Kim (15 tuổi) hiện là Đội trưởng Đội chiêng thiếu niên tại thôn Kon Tơ Neh bộc bạch: Được các già làng, nghệ nhân trong thôn chỉ bảo, chúng em càng ngày càng yêu thích nghệ thuật biểu diễn cồng chiêng và hăng say tập luyện. Hiện giờ đội chiêng của chúng em đã tập thành thạo nhiều bài chiêng và được tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương.
Ông Phạm Viết Thạch- Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: “Từ năm 2017 đến nay, huyện Kon Rẫy đã phối hợp tổ chức được 16 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho 400 học viên là thanh thiếu niên DTTS, trong đó có 3 lớp được mở tại các trường học và 13 lớp mở tại các thôn, làng trên địa bàn. Thời gian mở mỗi lớp từ 15-20 ngày, sau khi hoàn thành nội dung chương trình tại các lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang này, hầu hết học viên đều đã biết chơi các bài chiêng cơ bản và múa các điệu xoang, trở thành những “hạt giống” lan tỏa niềm đam mê với văn hóa cồng chiêng, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản cồng chiêng tại địa bàn”.
Theo thống kê, trong giai đoạn 2021- 2023, toàn tỉnh đã tổ chức 143 lớp truyền dạy cồng chiêng, xoang và trang bị 137 bộ cồng chiêng, xoang cho các thôn/làng đồng bào DTTS. Qua đó, nâng tổng số thôn, làng có cồng chiêng trên toàn tỉnh là 503 thôn, làng với gần 2.300 bộ cồng chiêng.
Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Những năm qua, chính quyền các cấp và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch rất quan tâm chỉ đạo triển khai các hoạt động trao truyền, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ trong lớp trẻ, nhất là cồng chiêng, nhằm tạo sự kế thừa và lan tỏa trong cộng đồng. Ngành Văn hóa, Thể Thao và Du lịch tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức hiệu quả các lớp học, hoạt động truyền dạy cồng chiêng, qua đó tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị không gian văn hóa cồng chiêng trên địa bàn.
Hoàng Thanh