Tình yêu quê hương qua những vần thơ
Tham dự nhiều đêm thơ Tết Nguyên tiêu do Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Kon Tum tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng hàng năm, tôi đã “bắt gặp” tình yêu quê hương, đất nước, con người vùng cực bắc Tây Nguyên qua những vần thơ của những người “xem thơ như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống hàng ngày”. Họ là những người già có, trẻ có, chuyên nghiệp có, không chuyên cũng có, nhưng ở trong họ đều lan tỏa một “tình yêu dạt dào” đối với thơ ca.
Có lẽ, trong các loại hình văn học, thơ giữ vị trí đặc biệt bởi “Điều thúc đẩy nhà thơ sáng tạo chính là ham muốn hiểu về mình. Nhà thơ là người thợ lặn luôn sục tìm ở nơi sâu kín nhất của tâm thức mình những vật liệu cao quý và sẽ kết tinh lại khi bàn tay anh ta mang chúng ra ánh sáng” - như lời Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phan Văn Hoàng đã từng chia sẻ.
Như vậy, tự bộc lộ, đưa những suy tư, tình cảm, ấn tượng thầm kín của mình ra ánh sáng, cho nó có một hình dáng, một hình tượng, đó là nhu cầu nội tại của sáng tạo. Nếu như gọi đó là mục đích, là lợi ích, thì mục đích, lợi ích này cũng rất đặc biệt, không phải là lợi ích theo nghĩa thông thường. Cái đẹp, cái thanh cao của thơ là ở đó. Cái giá trị của thơ vừa kỳ ảo vừa rất thực là như vậy.
|
Lục tìm trong sử sách, vào ngày Rằm tháng Giêng Mậu Tý - 1948, giữa lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở đỉnh điểm quyết liệt, Bác Hồ đã làm bài thơ Nguyên tiêu đầy lãng mạn và thấm đẫm thế sự, nhân tình cùng nỗi lòng với dân, với nước của Người. Vì vậy, năm 2003, Ban Tư tưởng - Văn hoá Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo Trung ương) đã chỉ đạo Hội Nhà văn Việt Nam lấy Rằm Nguyên tiêu làm ngày Thơ Việt Nam.
Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVII năm 2019 có chủ đề “Sông núi trên vai” hướng về biên cương Tổ quốc. Tại đây, mọi người sẽ cùng nhau đọc thơ, ngâm vịnh thơ, tôn vinh thơ, bởi thơ là phương tiện đẹp nhất để con người tiếp cận đến sự hoàn mỹ.
Theo Ban tổ chức, trong đêm thơ này sẽ có nhiều tác giả, tác phẩm được trình bày; có thể đó là những nhà thơ đã thành danh, trải nghiệm và cũng có những nhà thơ mới vào đời, có em đang là học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Nhưng tất cả ở họ đều đọng lại những tình cảm thiết tha, dùng thơ để bộc bạch tâm can, dùng thơ vẽ lên một bức tranh chân thật của đời sống quá khứ và hiện tại hôm nay.
Những tác giả sẽ xuất hiện trong đêm Thơ Nguyên tiêu năm nay dự kiến như Tạ Văn Sỹ, Lại Hữu Kim, Vũ Hùng, Nguyễn Tấn Hỷ, Hoàng Lê Ân, Lê Văn Thiềng, Hoàng Đăng Du, Tạ Nguyệt Hương, Phan Đức Luận, Từ Dạ Linh, Đào Quốc Sủng, Vũ Việt Thắng, Đào Văn Cứu, Nguyễn Văn Ngọ, Nhật Hạ…
Trong đó, Hữu Kim là tác giả của 4 tập thơ đã xuất bản như: “Gọi người”, “Những chiều mây không trôi”, “Lời ru thời bình”, “Cánh rừng và ngọn khói”; nhà thơ Vũ Hùng đã có 5 tập thơ và trường ca được xuất bản với đủ các thể loại và đề tài, đặc biệt là đề tài về miền núi và dân tộc; nhà thơ – nhà văn – nhà báo Lê Văn Thiềng là tác giả của nhiều tác phẩm văn xuôi và tập thơ viết về đề tài Tây Nguyên như: “Nơi thâm u của rừng”, “Người đi về cõi sử thi”, “Bình minh Cheo Reo”…
Có thể đó là nhà thơ Đào Quốc Sủng. Anh là một thầy giáo, có nhiều năm dạy học tại huyện Đăk Hà. Anh đã xuất bản tập thơ “Gió nhẹ vuốt thời gian”. Những bài thơ của anh là những cảm xúc thăng hoa bất chợt mà tác giả đã bất ngờ, hay vô tình bắt chộp được trong mọi thời khắc của cuộc sống thường ngày ở quanh mình. Do vậy, thơ Đào Quốc Sủng thường mang đến một cảm giác cũng rất… “bất ngờ” như chính khi tác giả bất ngờ gặp được thi hứng ấy.
Có thể đó là Vũ Quốc Thắng, cũng là một nhà giáo công tác lâu năm ở huyện Ngọc Hồi. Anh là tác giả của 2 tập thơ “Cỏ” và “Có một nỗi buồn” (đã được xuất bản), tạo được sự chú ý trong công chúng yêu thơ. Trong đó, bài thơ “Cầu yêu” chính là tổng hợp những quan sát, trải nghiệm chân thực của hồn thơ đầy nhạy cảm và sắc bén về vùng đất tam biên mình đang sống.
Có thể đó là sự xuất hiện của bé Nhật Hạ (học sinh lớp 6 tại thành phố Kon Tum). Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Hạ đã biểu lộ thiên hướng và năng khiếu thơ văn rất tốt. Một số bài thơ, đoản văn của Nhật Hạ được các Tạp chí Văn nghệ Kon Tum, Văn hóa Kon Tum đăng tải, được bạn đọc chú ý. Tiêu biểu như bài thơ “Mẹ yêu” được Nhật Hạ viết để tri ân người mẹ yêu dấu của mình nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. Bài thơ được thầy Trần Kim Trọng Nghĩa và cô Trương Thị Thu Nguyệt – hai giáo viên dạy nhạc Trường Tiểu học thực hành sư phạm Ngụy Như Kon Tum (khi Hạ học ở trường này) phổ thành bài hát “Mẹ yêu” rất dễ thương.
Hy vọng rằng, đêm Thơ Nguyên tiêu năm nay sẽ là cầu nối tâm hồn để các nhà thơ, các bạn yêu thơ, tất cả quý khán giả gần xa xích lại gần nhau hơn. Đây cũng là một hoạt động truyền thống nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá của toàn dân, động viên các nhà thơ chuyên và không chuyên cùng toàn thể quần chúng, nhân dân trong toàn tỉnh nuôi dưỡng tâm hồn thơ để vui sống với đời, cống hiến cho đời, làm cho cuộc sống của chúng ta ngày càng tươi đẹp, thi vị hơn. Chúc đêm Thơ năm nay diễn ra đầy cảm xúc và ấn tượng; chúc thơ vùng đất Bắc Tây Nguyên ngày càng thơ mộng, lung linh hơn, xứng đáng là dòng thơ của một vùng đất giàu truyền thống yêu nước và nhân văn, có nhiều đóng góp cho nền thơ ca của đất nước.
Thảo Nguyên