Tín hiệu vui trong bảo tồn văn hóa truyền thống
Vừa qua, nghề dệt thủ công truyền thống dân tộc Ba Na của tỉnh tại các huyện: Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Như vậy, đến nay tỉnh ta có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Sử thi Ba Na, Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) và Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na. Đây là những kết quả đáng mừng, động lực để tỉnh nhà tiếp tục trên con đường bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống.
Bà Đậu Ngọc Hoài Thu - Trưởng phòng Quản lý văn hóa và Gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: “Với những chính sách hợp lý, đồng bộ cùng những chương trình, hoạt động thiết thực được triển khai, những năm gần đây, nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống trên địa bàn tỉnh đã được duy trì, bảo tồn và phục dựng, thu được nhiều thành tích đáng ghi nhận. Việc công nhận nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lần này có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở, tư liệu khoa học để đánh giá thực trạng, triển khai các hoạt động bảo tồn về trang phục truyền thống, nghề dệt thủ công truyền thống không chỉ của đồng bào Ba Na mà còn của những đồng bào DTTS khác trên địa bàn”.
Theo bà Thu, nghề dệt thủ công truyền thống đã có từ lâu, tồn tại cùng với quá trình phát triển của tộc người Ba Na và các DTTS khác sinh sống tại địa phương. Hiện nay, nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na tỉnh Kon Tum còn duy trì và phát triển mạnh, tạo thành những nhóm, tổ hợp tác dệt tạo ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị, góp phần phát triển kinh tế gia đình và phát triển du lịch tại địa phương.
|
Nghề dệt thủ công truyền thống đã tạo ra những sản phẩm phục vụ trực tiếp cho đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân như trang phục mặc ngày thường, khi đi rẫy, săn bắn, che chắn bảo vệ cơ thể khi thời tiết thay đổi. Mỗi bộ trang phục đều mang những ý nghĩa riêng và thông qua đó “ngầm” cho biết được người sử dụng trang phục đó thuộc dân tộc nào thông qua màu sắc, đường nét, hoa văn trên sản phẩm dệt của trang phục (thổ cẩm), cũng như sự tinh tế, khéo léo của người làm ra sản phẩm, ngoài ra nó còn thể hiện “địa vị xã hội” của người sử dụng trang phục đó trong cộng đồng- nhất là với dân tộc Ba Na (thể hiện qua sự phối màu sắc trên trang phục). Trang phục truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh ta chứa đựng trong đó “chỉ dấu văn hóa” của từng DTTS tại chỗ, và là một chuẩn mực quan trọng để đánh giá vẻ đẹp và giá trị của người phụ nữ.
Riêng với các sản phẩm dệt của người Ba Na, bên cạnh những nét văn hóa độc đáo riêng có mang tính truyền thống, các sản phẩm dệt hiện nay đã có nhiều sự sáng tạo với những hoa văn, màu sắc mới được kết hợp khéo léo, vì vậy nó không những không làm mất đi những giá trị truyền thống mà còn tạo ra sự phù hợp với xu thế, thị hiếu hiện đại, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm. Những sản phẩm của nghề dệt truyền thống ngày nay còn đem đến lợi ích kinh tế, nâng cao thu nhập khi đồng bào dân tộc Ba Na tiến hành trao đổi, buôn bán như sản phẩm hàng hóa trên thị trường.
Nghệ nhân Y Hướt (dân tộc Ba Na, sinh năm 1948) ở làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) vẫn duy trì nghề dệt thổ cẩm như một niềm đam mê với mong muốn góp phần gìn giữ và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của người Ba Na.
Bà cho biết: “Sản phẩm thổ cẩm của người Ba Na có những hoa văn trang trí với màu sắc và ý nghĩa văn hóa riêng biệt so với các dân tộc khác. Với các gam màu chủ đạo như đỏ, vàng, đen phối cùng nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm dệt truyền thống của người Ba Na thể hiện mong ước của con người được hòa quyện với thần linh, đất trời để được bao bọc, chở che”.
Cũng với mong muốn góp phần bảo tồn nghề dệt truyền thống, Tổ hợp tác dệt thổ cẩm ở xã Ia Chim (thành phố Kon Tum) được thành lập từ tháng 10/2020, hiện nay Tổ hợp tác này đã thu hút 30 thành viên tham gia, trong đó có nhiều thành viên là những nghệ nhân. Các thành viên trong Tổ hợp tác không chỉ cùng nhau nghiên cứu, làm ra những sản phẩm hàng hóa có giá trị mà còn tổ chức truyền dạy nghề cho nhiều chị em phụ nữ tại địa phương, góp phần bảo tồn nét đẹp nghề dệt tại đây.
Nghệ nhân Y Yưn- thành viên của Tổ hợp tác ở thôn Plei Lay (xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) cho biết: “Khi tham gia Tổ hợp tác, ngoài việc dễ dàng bán các sản phẩm của mình làm ra, tôi còn có cơ hội được đứng lớp truyền nghề cho nhiều chị em, các cháu nhỏ trong làng. Đó cũng là niềm vui mỗi ngày của tôi khi thấy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình được bảo tồn và phát huy”.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Cùng với nghề dệt thủ công truyền thống của các DTTS trên địa bàn, những năm qua, ngành chức năng của tỉnh đã có nhiều hoạt động điều tra, khảo sát và phục dựng lại các phong tục, tập quán của các DTTS trên địa bàn như các lễ hội, trang phục, nhà rông truyền thống; di sản không gian văn hóa cồng chiêng; sử thi, ngữ văn dân gian của dân tộc Ba Na. Tỉnh hiện đang hoàn thiện hồ sơ để đề nghị công nhận Lễ ăn than của người Giẻ Triêng và Nghề dệt truyền thống của người Gia Rai là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong thời gian tới”.
Hoàng Thanh