Tích cực tập luyện cho ngày hội lớn của các dân tộc Tây Nguyên
Để Ngày hội VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023 thành công tốt đẹp, các đơn vị, địa phương, cộng đồng nghệ nhân trên địa bàn tỉnh đang tích cực, khẩn trương tập luyện để đem đến những tiết mục đặc sắc, hấp dẫn.
Nhiều ngày qua, cứ sáng sớm, 30 thành viên trong đội nghệ nhân của làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) lại chia nhau vào rừng kiếm nguyên vật liệu như tre, nứa, lồ ô và làm các vật dụng chuẩn bị cho tiết mục tái hiện Lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm tại đây. Được tham gia ngày hội lớn nên các thành viên trong đội ai cũng háo hức, hăng say làm việc, tập luyện.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn A Thái cho biết: “Theo tục lệ, mấy ngày qua bà con phải đẩy nhanh tiến độ thu hoạch lúa vụ mùa rồi mới triển khai được các công đoạn trong nghi lễ mở cửa kho lúa. Tôi cùng với bà con lên kế hoạch, họp bàn, phân công, chia tổ để làm hiệu quả các phần việc. Các thành viên trong đội rất vui vì đây là cơ hội được giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đến với bạn bè, du khách gần xa của 5 tỉnh Tây Nguyên”.
|
Theo già làng A Ren - người trực tiếp cùng với Trưởng thôn A Thái lên kế hoạch, hướng dẫn bà con triển khai tập luyện, hằng năm, vào khoảng tháng 11, 12 dương lịch, khi đã thu hoạch xong lúa rẫy chất đầy trong kho, người Rơ Măm tổ chức lễ mở cửa kho lúa để cầu khấn và tạ ơn các thần linh về một vụ mùa bội thu. Tham gia tiết mục tái hiện nghi lễ tại Ngày hội đúng vào thời điểm diễn ra Lễ hội nên càng thuận lợi, các vật dụng cơ bản có sẵn, bà con chỉ phải làm thêm một số vật dụng để “sân khấu hóa” như kho lúa, các vật thiêng cúng Yang, bếp lửa, dụng cụ.
Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội sẽ diễn ra nhiều nội dung đặc sắc, hấp dẫn liên quan đến các nghi thức, lễ hội, dân ca, dân vũ, dân nhạc, các môn thể thao truyền thống, sản phẩm văn hóa đặc sắc của vùng đất, con người Tây Nguyên. Để chuẩn bị cho Ngày hội, các đơn vị thuộc Sở VH, TT&DL đang triển khai tuyển chọn vận động viên, nghệ nhân tập luyện nhiều loại hình đặc sắc như: Thi đấu 5 môn thể thao quần chúng; chọn đội nghệ nhân tham gia liên hoan văn nghệ quần chúng và trình diễn trang phục; đội nghệ nhân tham gia tái hiện lễ hội; đội nghệ nhân trình diễn, giới thiệu văn hóa, ẩm thực.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bảo tàng - Thư viện tỉnh cho biết: “Cũng như nhiều đơn vị, địa phương khác, chúng tôi được giao nhiệm vụ tham gia một số tiết mục tại Ngày hội, trong đó, có việc tái hiện Lễ mở cửa kho lúa của người Rơ Măm tại làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) và trình diễn văn hóa, nhạc cụ, ẩm thực truyền thống của các nghệ nhân làng Đăk Răng (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi). Với nhiệm vụ được giao, chúng tôi chuẩn bị chu đáo từ khâu nhỏ nhất, lựa chọn những nghệ nhân ưu tú, những nét văn hóa đặc sắc để tập luyện, biểu diễn. Lần đầu tiên được tham gia ngày hội lớn, các đội nghệ nhân ở các địa phương rất phấn khởi, nêu cao tinh thần đoàn kết và nhiệt tình tập luyện”.
|
Nghệ nhân ưu tú Brol Vẻ (làng Đăk Răng, xã Đăk Dục) chia sẻ: “Những ngày qua, tôi cùng các nghệ nhân khác trong thôn lau chùi, sửa sang lại các nhạc cụ, chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết cho các tiết mục biểu diễn. Đối với tôi, Ngày hội có ý nghĩa rất lớn vì được giao lưu, truyền cảm hứng về nhạc cụ dân tộc với cộng đồng các nghệ nhân của 5 tỉnh Tây Nguyên”.
Sự chuẩn bị chu đáo của các đơn vị, địa phương, sự nhiệt huyết, hăng say tập luyện của các nghệ nhân, vận động viên sẽ góp phần cho Ngày hội thành công tốt đẹp, tạo dấu ấn với bạn bè, du khách gần xa về một Kon Tum mến khách, giàu bản sắc văn hóa.
Hoàng Thanh