Thêm “luồng gió mới” cho du lịch Đăk Rơ Wa
Theo Quyết định số 02/QĐ-UBND, ngày 6/1/2023 của UBND tỉnh, làng Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) chính thức được công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Điều này như thêm “luồng gió mới” để xã tiếp tục khai thác và phát huy hiệu quả ngành “kinh tế xanh”, góp phần cải thiện thu nhập cho người dân, đưa kinh tế- xã hội của địa phương phát triển.
Ông Đào Văn Hậu- Chủ tịch UBND xã Đăk Rơ Wa, cho biết: Đăk Rơ Wa được thiên nhiên ưu đãi với dòng sông Đăk Bla bao quanh, thiên nhiên hữu tình; người dân nơi đây còn lưu giữ nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống đặc sắc. Xác định rõ tiềm năng, lợi thế về văn hóa, cảnh quan thiên nhiên, xã đã đề ra chủ trương phát triển du lịch cộng đồng và tích cực khai thác để đưa du lịch cộng đồng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
|
Theo đó, thời gian qua, chính quyền xã Đăk Rơ Wa và thành phố Kon Tum chủ động phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp dạy đánh cồng chiêng, múa xoang; lớp chế biến rượu ghè; lớp chế biến món ăn; đầu tư hạ tầng cơ sở, tạo cảnh quan xanh, sạch đẹp để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch. Người dân các làng tích cực tham gia giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, duy trì và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, thân thiện với du khách. UBND thành phố Kon Tum tổ chức nhiều hoạt động quảng bá hình ảnh, thu hút khách du lịch đến Đăk Rơ Wa.
Nhờ đó, tháng 7/2020, làng du lịch cộng đồng đầu tiên của xã- Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu chính thức được ra mắt, đánh dấu bước phát triển mới của du lịch xã Đăk Rơ Wa và trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong hành trình ghé thăm thành phố Kon Tum. Tiếp nối làng Kon K’tu, mới đây, làng Kon Jơ Dri tiếp tục được UBND tỉnh công nhận là điểm du lịch cộng đồng. Vậy là, đến nay, xã Đăk Rơ Wa đã có 2 làng du lịch cộng đồng; mở ra cơ hội để du lịch cộng đồng ở Đăk Rơ Wa tiếp tục “cất cánh”, thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương, thu hút đầu tư, kết nối du lịch bền vững.
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, cùng với Kon K’tu, làng Kon Jơ Dri được đánh giá là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, bởi địa thế nằm bên bờ sông Đăk Bla thơ mộng, ở đây cảnh quan thiên nhiên hài hòa, địa hình đồi núi, rừng cây nối liền với nương rẫy của người dân, hội tụ đủ các yếu tố cảnh quan chung của vùng đất Tây Nguyên. Làng hiện có khoảng 20% ngôi nhà sàn mang kiến trúc truyền thống còn được lưu giữ.
|
Những năm qua, ngoài việc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa đa dạng trong trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao cuộc sống, đồng bào Ba Na ở làng Kon Jơ Dri vẫn luôn quan tâm đến việc khôi phục, bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc như cồng chiêng, múa xoang, dệt thổ cẩm, làm rượu ghè, không gian giọt nước, những lễ hội truyền thống, các món ăn ngon và được kết nối với không gian du lịch cộng đồng làng Kon K’tu. Tất cả đã tạo nên điểm nhấn về du lịch của xã Đăk Rơ Wa thu hút không ít khách du lịch phương Tây đến tham quan trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, phong tục, văn hóa của dân tộc Ba Na với hình thức “du lịch homestay”.
Để tiếp tục đưa du lịch cộng đồng của xã Đăk Rơ Wa phát triển, theo ông Đào Văn Hậu, thời gian tới, xã Đăk Rơ Wa tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, các doanh nghiệp và cộng đồng dân cư về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của du lịch cộng đồng đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Khuyến khích, động viên người dân duy trì và phát triển các giá trị văn hóa, ngành nghề truyền thống của đồng bào Ba Na để thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu nét đẹp văn hóa, đời sống đồng bào tại chỗ. Tổ chức, hướng dẫn người dân làm du lịch theo hướng gắn kết du lịch cộng đồng với du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp; trong đó cần ưu tiên và chú trọng phát triển mô hình du lịch vườn theo hướng nhân rộng các vườn cây ăn trái VIETGAP để tạo sự liên kết bền vững giữa phát triển nông nghiệp xanh và dịch vụ, du lịch; đồng thời, nâng cao chất lượng các dịch vụ du lịch như ẩm thực, chế biến rượu cần, dệt thổ cẩm. Ngoài ra, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý dịch vụ du lịch, quảng bá, giới thiệu sản phẩm; các thông tin liên quan đến hoạt động du lịch như: thời tiết, kinh phí theo tour, lộ trình đến các điểm du lịch, đặc điểm nơi đến để du khách chủ động trong công tác chuẩn bị, đảm bảo tốt việc tham gia hoạt động trải nghiệm tại địa phương.
Việc đánh thức tiềm năng, khai thác và phát triển du lịch cộng đồng không chỉ là hướng mở để Đăk Rơ Wa phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân mà còn góp phần tạo điều kiện, động lực để bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.
Thiên Hương