Tết mừng lúa mới của người Ka Dong
Hàng năm, khi mùa đông lùi dần, tiết trời dần trở nên ấm áp báo hiệu mùa xuân lại về, lúa trên rẫy đã thu họach xong, phơi khô và đưa hết vào kho, người Ka Dong lại cùng nhau chuẩn bị ăn Tết mừng lúa mới để tạ ơn các vị thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng no ấm. Đây cũng là dịp các thành viên trong mỗi gia đình và cả cộng đồng được ăn uống, nhảy múa, vui chơi sau một mùa nương rẫy gian lao, khó nhọc.
Thời gian ăn Tết của mỗi làng không trùng nhau, nhưng nằm trong khoảng từ cuối tháng 12 đến đầu tháng Giêng âm lịch. Người Ka Dong tin rằng đâu đâu quanh họ cũng có những vị thần (Yàng) như: Thần lửa (Yàng Pui), Thần núi (Yàng Kong), Thần Lúa (Mó Pế), Thần Đất (Kará Tơní), Thần Mặt Trời (Kará Mặt hy), Thần Nước (Kará Mo huýt),... Họ tin rằng chính các vị thần này đã phù trợ, chở che, đùm bọc họ vượt qua mọi hiểm nguy, hoạn nạn, nghèo đói, bệnh tật để người tồn tại và phát triển giống nòi.
Để bước vào lễ hội, việc chuẩn bị cho lễ hội được cả làng tổ chức rất công phu và chu đáo. Già làng sẽ là người tụ họp tất cả bà con về nhà rông họp bàn, phân công nhiệm vụ cho từng người.
Trước tiên, già làng giao nhiệm vụ cho những người đàn ông trong làng đi tìm bắt con dúi. Khi đã có được dúi, nghi lễ đầu tiên được gọi là đập dúi, già làng sẽ đập chết con dúi, sau đó lấy phân con dúi tha vào tay và gùi với mong muốn sự no đủ sẽ đến với từng gia đình trong làng.
|
Khác với người Ba Na, Jẻ Triêng hay người Brâu thường chọn gà hoặc trâu để làm vật cúng Yàng thì người Ka Dong lại chọn con dúi để làm vật cúng tế, bởi theo quan niệm của người Ka Dong, dúi là con vật tinh khôn, chúng thường chọn những bụi le, bụi nứa to để kiếm ăn, con dúi càng to thể hiện mùa màng, cuộc sống của người dân càng no đủ.
Để thực hiện nghi lễ tuốt lúa, già làng đã tìm một rẫy lúa có địa hình đẹp, cây lúa to, khỏe để làm lễ, đây được gọi là rẫy thiêng. Sau đó, già làng sẽ phân công cho những người phụ nữ mang theo gùi, hoa bí và phân con dúi lên rẫy thu hoạch lúa. Tại những rẫy lúa, trước khi bắt tay vào thu hoạch, những người phụ nữ sẽ lấy lá lúa, hoa bí và phân con dúi thả vào gùi của mình để cầu mong cho thần lúa sẽ về đầy kho của nhà mình. Họ cẩn thận chọn những bông lúa dài, trĩu hạt, chắc mẩy để làm giống cho mùa sau và số lúa này cất riêng không để lẫn các gùi lúa khác. Phần còn lại trên rẫy sẽ được tuốt và làm sạch, nó được dùng trong dịp lễ mừng năm mới sẽ được tổ chức long trọng cho cả làng khi vụ mùa đã hoàn tất.
Sau khi kết thúc việc thu hoạch lúa, cả làng sẽ cùng nhau lên rừng. Mỗi người sẽ có công việc riêng của mình. Những đôi nam nữ trẻ sẽ đi chặt mây đắng, những người đàn ông sẽ đi kiếm chim chuột, những người phụ nữ già sẽ ngồi ca hát, vỗ đinh tút. Điều này thể hiện công việc mùa màng đã kết thúc, bà con đã được mùa no ấm. Với những bài hát như mừng chiến thắng hay hát về công ơn cha mẹ, đã được những người phụ nữ thể hiện rất xúc động với lòng biết ơn các bậc sinh thành đã có công nuôi dưỡng dạy bảo con cái nên người.
Như vậy, các công việc chuẩn bị cho buổi lễ mừng lúa mới của người Ka Dong được xem như đã hoàn tất.
Vào buổi sáng hôm sau, tất cả già trẻ trai gái trong làng sẽ tề tựu đông đủ tại trước nhà rông của làng, đàn ông thì làm thịt các con thú săn được, đàn bà thì giã gạo nấu cơm lam và các món canh để tế lễ thần linh. Khi chế biến xong, tất cả các đồ ăn sẽ được mang vào nhà rông. Nhưng trước khi diễn ra các nghi lễ cúng tế trong nhà rông, nhất định những người già trong làng phải làm lễ đuổi tà ma. Sẽ có 4 người đàn ông được phân công làm nhiệm vụ này. Người Ka Dong cho rằng, trong một năm làm việc có những xui xẻo, ốm đau bệnh tật, vì vậy để bắt đầu một năm mới an lành, yên vui, người ta làm lễ để xua đuổi tà ma hết khỏi làng, để nó không theo ai sang năm mới nữa.
Sau khi tiến hành xong lễ đuổi tà ma, cả làng sẽ vào nhà rông để thực hiện các nghi lễ chính thức, lúc này các lễ vật để cúng tế thần linh được bày ra rất đầy đủ. Ở chính giữa của nhà rông được đặt những ché rượu cần ngon nhất, to nhất, xung quanh là lễ vật cúng Yàng gồm: đầu heo, gà, cơm lam, thịt dúi nướng, đọt mây... Với những ý nghĩa cầu cho một năm mới đủ đầy sẽ đến với dân làng
Già làng sẽ là người thực hiện cúng tế thần linh, sau khi xem xét lại một lượt các lễ vật xong, với sự thành kính già làng đọc lời khấn: “Ơ Yàng, người tạo ra lúa gạo và các loại cây trồng, hôm nay chúng tôi muốn tạ ơn Yàng đã ban cho chúng tôi lúa gạo để ăn, chúng tôi mời Yàng xuống chứng kiến những lễ vật chúng tôi đã chuẩn bị dâng cúng Yàng, mong Yàng nhận lấy…”
Trong lúc diễn ra nghi lễ, già làng sẽ thực hiện nghi lễ xem cẳng gà. Việc xem cẳng gà là để dự đoán xem năm mới với dân làng sẽ ra sao. Theo quan niệm, nếu cẳng gà thẳng sẽ báo hiệu một năm mới may mắn tốt đẹp sẽ đến với bà con dân làng, nếu cẳng gà không thẳng, bị vẹo sẽ là điềm báo những điều không hay. Và năm nay, theo kết quả xem cẳng gà của già làng, bà con sẽ gặp được nhiều điều tốt đẹp trong năm mới. Lúc này, cả làng sẽ cùng vỗ tay vui mừng. Đây được xem như là nghi lễ cuối cùng trong Lễ hội mừng lúa mới của người Ka Dong.
Kết thúc việc cúng tế, già làng hút cạn một ống rượu cần, mở đầu cho cả làng cùng bước vào phần hội. Trên nhà rông, những ché rượu cần được châm nước đầy, thức ăn đã được mọi người bày ra. Cứ thế dập dìu trong tiếng chiêng trống, cả làng cùng nhau tự nhiên ăn uống, chuyện trò thỏa thích, cùng thưởng thức các tiết mục đặc sắc của phần hội như đánh cồng chiêng, hát giao duyên.
Một điều không thể không kể tới đó là ẩm thực truyền thống trong lễ mừng lúa mới cuả người Ka Dong. Mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa, đặc trưng riêng nhưng lại rất gần gũi với đời sống hàng ngày của bà con
Trong tiếng cồng chiêng trầm bổng, ngân nga như mời gọi trẻ già, trai gái với những bộ váy áo thổ cẩm đẹp nhất, nắm tay nhau bước vào vòng múa xoang. Nữ váy ống dài đến gót chân, nam đóng khố, choàng tấm dồ chéo ngang qua ngực. Không chỉ múa, bà con còn hát đối đáp nam nữ. Những người già đánh cồng chiêng đi vòng quanh, tiếng chiêng cồng như kể lại câu chuyện ngàn xưa. Trai gái ưng nhau rồi thì rủ bạn ra bờ suối hay lên chòi rẫy nhà mình tình tự. Bao nhiêu ché rượu hết vơi lại đầy, cho đến khi nhạt đi lại được thay ché khác. Cứ thế cho đến khi nào những đồ ăn được đem ra ăn hết, các ché rượu đã cạn, đêm đã về khuya hội mới tan.
Chia tay trong tiếng cồng chiêng cũng là lời ước hẹn dịp này năm sau lại về đây hội tụ, cầu cho mùa màng bội thu sẽ luôn đến với bà con.
LÊ NGA