Sẵn sàng cho Ngày hội của các dân tộc vùng Tây Nguyên
Từ ngày 29/11 đến ngày 1/12/2023, tỉnh Kon Tum vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) chọn là địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội VH, TT&DL các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I, năm 2023. Đây là cơ hội để ngành du lịch tỉnh nhà cất cánh trong thời gian tới. Nhân dịp này, phóng viên Báo Kon Tum có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở VH, TT&DL, Phó Trưởng Ban Tổ chức địa phương xung quanh vấn đề tổ chức Ngày hội.
|
PV: Thưa ông! Ngày hội được tỉnh ta đăng cai tổ chức lần đầu tiên là sự kiện văn hóa có quy mô lớn với nhiều nội dung đặc sắc, hấp dẫn, xin ông cho biết rõ hơn về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội? Lý do vì sao Bộ VH,TT&DL lựa chọn tỉnh ta để đăng cai tổ chức lần đầu tiên sự kiện quan trọng này?
Ông Nguyễn Văn Bình: Với chủ đề “Đại ngàn Tây Nguyên - Tinh hoa hội tụ”, Ngày hội diễn ra trong 3 ngày từ 29/11-1/12/2023, quy tụ khoảng 800 nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên của 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Đăk Lăk, Gia Lai, Đăk Nông, Lâm Đồng. Tại Ngày hội sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch đặc sắc, hấp dẫn như: Trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa truyền thống của địa phương; Trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống của địa phương; Liên hoan văn nghệ quần chúng và Trình diễn trang phục các dân tộc vùng Tây Nguyên; Triển lãm “Đặc trưng văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên trong cộng đồng văn hóa các dân tộc Việt Nam”; Trưng bày ảnh nghệ thuật về sắc màu văn hóa đặc sắc các dân tộc khu vực Tây Nguyên, đồng hành cùng sự phát triển của đất nước; thi đấu 5 môn thể thao gồm kéo co, đẩy gậy, bắn ná, leo cột mỡ và nhảy bao bố; hướng dẫn, hỗ trợ tổ chức các tour, tuyến du lịch tham quan nhằm quảng bá, giới thiệu về Ngày hội và vẻ đẹp của vùng đất, con người Tây Nguyên.
Về ý nghĩa, mục đích của Ngày hội thì nhiều, nhưng trọng tâm là tạo dựng không gian kết nối văn hoá, giới thiệu, quảng bá đến công chúng về văn hoá, không gian cồng chiêng, nét văn hoá nương rẫy truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Qua đó, còn góp phần tăng cường khối đại đoàn kết giữa các dân tộc, địa phương, thúc đẩy phát triển du lịch, phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Nguyên.
|
Tỉnh Kon Tum có sự hội tụ của nhiều nét văn hóa đặc trưng, những cảnh sắc, lễ hội độc đáo cùng người dân thân thiện, mến khách. Ý tưởng tổ chức Ngày hội đã được nung nấu từ lâu, có kế hoạch tổ chức từ năm 2020, tuy nhiên, do bùng phát đại dịch Covid-19 nên tạm gác lại. Lần này, với sự ủng hộ của Bộ VH,TT&DL, sự đồng thuận của các tỉnh và sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, công tác chuẩn bị cho Ngày hội cơ bản đã hoàn thành, sẵn sàng chào đón nghệ nhân các tỉnh và quý đại biểu đến tham dự. Đây là cơ hội lớn cho tỉnh nhà quảng bá, phát triển du lịch, nâng cao vị thế trong khu vực.
PV: Ông có thể cho biết việc tổ chức Ngày hội sẽ giúp tỉnh ta tận dụng cơ hội như thế nào để quảng bá tiềm năng, thế mạnh du lịch cũng như các giá trị văn hóa đặc sắc?
Ông Nguyễn Văn Bình: Như chúng ta đều biết, văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc, được coi như giá trị thương hiệu, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước. Bên cạnh đó, việc bảo tồn giá trị văn hóa không thể là “đóng gói cất kỹ”, mà phải giữ gìn, lan tỏa trong các hoạt động hằng ngày, qua đó xây dựng văn hóa và phát triển du lịch.
Trong những năm qua, việc phòng ngự trước đại dịch Covid-19 đã làm cho nhiều hoạt động và các dịch vụ văn hóa - du lịch trong cả nước và tỉnh Kon Tum đều bị khép lại, ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập của người dân, cũng như sự phát triển của xã hội. Để giành thị phần du lịch sau đại dịch Covid-19, thu hút lượng du khách chất lượng, tỉnh ta cần biết tận dụng, phát huy mọi lợi thế. Trong đó, vừa phải đa dạng hoá các sản phẩm du lịch, vừa phải có nhiều phương thức quảng bá, giới thiệu, đặc biệt chú trọng đến công tác truyền thông, tuyên truyền.
Sự kiện Ngày hội lần này là một trong những giải pháp, nhiệm vụ góp phần phát triển du lịch. Qua đó, tỉnh Kon Tum mong muốn sẽ là nơi kết nối và hội tụ những nét văn hóa truyền thống đặc sắc, hướng tới mục tiêu thúc đẩy liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trên cả nước, thúc đẩy hội nhập quốc tế. Qua đó, tạo điều kiện thu hút mạnh mẽ các nguồn lực đầu tư phát triển du lịch, nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng.
|
PV: Để Ngày hội diễn ra thành công, vậy, đến thời điểm này, tỉnh ta đã có sự chuẩn bị như thế nào cho việc tổ chức sự kiện quan trọng này ? Thưa ông!
Ông Nguyễn Văn Bình: Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Ngày hội đã đảm bảo các nhiệm vụ đề ra. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, quảng bá, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội; huy động lực lượng nghệ nhân, diễn viên quần chúng, vận động viên tham gia thi đấu các môn thể thao quần chúng, giới thiệu về ẩm thực; tập trung chỉnh trang đô thị, trang trí pano, bảng biểu, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp; đảm bảo an ninh trật tự, y tế, vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ, đặc biệt là khu vực trung tâm các tuyến đường lớn tại thành phố Kon Tum và khu vực tổ chức trước khi Lễ Khai mạc diễn ra.
Đêm khai mạc có sự hoà điệu giữa truyền thống và đương đại, sự góp mặt của các nghệ sĩ từ các tỉnh Tây Nguyên và các ca sĩ nổi tiếng khác. Đây sẽ là những món quà của Ngày hội gửi đến du khách và nhân dân trong tỉnh. Các huyện, thành phố cũng đã chuẩn bị mọi điều kiện, sẵn sàng tham gia thông qua các gian hàng giới thiệu các sản phẩm văn hoá, du lịch, sản phẩm OCOP của địa phương.
Có thể nói, đến thời điểm này, với sự nỗ lực của các cơ quan thành viên Ban Tổ chức, sự ủng hộ, đồng hành của các tầng lớp nhân dân, tỉnh Kon Tum đã sẵn sàng cho Ngày hội diễn ra thành công tốt đẹp.
PV: Xin cảm ơn ông!
Hoàng Thanh