Rúp Ca- Nét văn hóa độc đáo của người Giẻ Triêng
Sau khi hoàn thành việc rẫy và nước suối Đăk Mi xuống thấp, đồng bào Giẻ Triêng ở xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei lại cùng nhau đi Rúp Ca (bắt cá). Đây là một truyền thống văn hóa có từ lâu đời, thể hiện tính cộng đồng của đồng bào Giẻ Triêng nơi đây.
Xã Đăk Choong, (huyện Đăk Glei) nơi có hơn 90% đồng bào Giẻ Triêng sinh sống, có dòng suối Đăk Mi đi qua. Từ bao đời nay, đồng bào nơi đây đánh bắt cá từ dòng suối Đăk Mi để thêm nguồn thực phẩm cho gia đình. Anh A Lan ở thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong cho biết: Từ tháng 3 trở đi, khi bà con cơ bản hoàn thành công việc rẫy và nước suối Đăk Mi xuống thấp thì cả làng góp công, góp sức bắt cá.
Không sử dụng lưới hay kích điện, việc bắt cá của đồng bào Giẻ Triêng nơi đây có nét độc đáo riêng. Họ chặn từng đoạn suối và đắp bờ, ngăn đôi con nước để bắt cá. Anh A Trai ở thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong chia sẻ: Suối Đăk Mi có đặc trưng là lòng suối có rất nhiều đá lớn, nhỏ. Vì vậy, đàn ông trong làng sẽ dùng đá và bùn để đắp một đoạn bờ dài vài trăm mét ngăn đôi dòng suối. Khi ngăn xong rồi thì chặn một bên, dẫn dòng nước chảy sang một bên. Khi nước rút hết thì bà con cùng nhau bắt cá.
Trong lúc đàn ông đắp bờ ngăn dòng nước và một số ít làm đơm bắt cá, phụ nữ sẽ lên rừng tìm cây Long Kalau, Long Giam và củ Bum Klọ (đây là loại cây và củ mà người Giẻ Triêng hay gọi là cây thuốc cá). Những loại cây và củ này thường mọc ở gần suối. Cây thì chỉ lấy phần vỏ và củ, sau đó giã nát và thả xuống đoạn suối đã được ngăn dòng, với tác dụng làm cho cá cay mắt. Sau đó, cá sẽ từ trong các hốc đá ra ngoài và việc bắt cá dễ dàng hơn.
|
Mỗi lần chặn suối bắt cá thì cả làng cùng tham gia. Sau khoảng 2 - 3 ngày hoàn thành việc đắp bờ, ngăn dòng, dân làng cùng nhau bắt cá. Suối Đăk Mi có nhiều loại cá, nhưng nhiều nhất là cá trắng, cá niêng và cá bống. Anh A Chép - Trưởng thôn Kon Năng, xã Đăk Choong cho biết: mỗi đợt như vậy, bà con bắt được khoảng 100kg cá các loại. Riêng cá niêng thì bà con bán khoảng 300 nghìn đồng/kg để kiếm thêm thu nhập, còn cá trắng và các loại cá khác đem về làm món cá chua để dành sử dụng dần.
Việc bắt cá thể hiện được tinh thần cộng đồng rất cao của người Giẻ Triêng, hoạt động này được cả thôn tham gia và số lượng cá cũng được chia đồng đều cho từng gia đình trong thôn. Anh A Trai ở thôn Kon Riêng, xã Đăk Choong cho hay: Dân làng duy trì việc bắt cá truyền thống này, không ai được sử dụng kích điện để bắt cá. Có như vậy mới bảo vệ được nguồn lợi thủy sản, mình bắt thuận theo tự nhiên thì năm sau sẽ có cá để bắt tiếp, nếu kích điện và khai thác tận diệt thì những năm tiếp theo chắc sẽ không còn cá.
Đây là nét văn hóa độc đáo riêng của người Giẻ Triêng ở xã Đăk Choong. Chính quyền xã cũng tuyên truyền, vận động bà con gìn giữ phương thức bắt cá truyền thống này, tuyệt đối không được sử dụng kích điện làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản. Bà con cũng ý thức được việc đó - ông A Tương, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Choong chia sẻ.
Có dịp đến xã Đăk Choong đúng thời điểm đồng bào Giẻ Triêng đi Rúp Ca thì chúng ta sẽ được trải nghiệm một phương thức đánh bắt cá độc đáo và riêng biệt. Qua đó, giúp chúng ta hiểu thêm về những giá trị văn hóa đặc sắc mà đồng bào nơi đây đang lưu giữ.
Phạm Nguyên