Quan tâm đầu tư phát triển văn hóa cơ sở
Trong các mục tiêu phát triển văn hóa, tỉnh ta luôn chú trọng đến việc đầu tư, phát triển văn hóa tại cơ sở. Bởi, đây là nền tảng làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ở địa phương và giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cốt lõi của các dân tộc đang sinh sống trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Bình- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: “Ngành Văn hóa đã đề xuất quy định cụ thể nội dung, chỉ tiêu đạt chuẩn các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trong lĩnh vực văn hóa; ngoài ra hướng dẫn thực hiện các nội dung liên quan của tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2022-2025; đặc biệt, chú trọng tiêu chí về xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước thôn (làng). Các nội dung, tiêu chí về văn hóa tại cơ sở được triển khai thiết thực, phù hợp với các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh đã góp phần động viên, huy động sức dân thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội”.
|
Trong phát triển văn hóa tại cơ sở, xác định mỗi gia đình là một “tế bào” để tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, ngành Văn hóa tập trung củng cố và nâng cao chất lượng xây dựng tiêu chí “Gia đình văn hóa”, nâng cao tính tự quản và ý thức trách nhiệm cộng đồng trong việc giữ vững danh hiệu “Làng văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa”. Qua đó, phát huy mạnh mẽ nội lực của nhân dân để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng văn hóa, xã hội.
Đến nay, toàn tỉnh có 100% thôn, làng, tổ dân phố đã tổ chức cho nhân dân đăng ký xây dựng “Gia đình văn hoá” và có 125.277/137.962 hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa (đạt 91%, tăng 14% so với năm 2018). Toàn tỉnh hiện có 714/756 khu dân cư đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa (đạt 94%, tăng 23% so với năm 2018).
Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa tiếp tục được chính quyền các cấp và ngành Văn hóa quan tâm đầu tư xây dựng, sửa chữa đảm bảo cho các hoạt động văn hóa tại cơ sở phát triển.
Đến nay, toàn tỉnh có 75% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa về cơ sở vật chất; 56/102 đơn vị cấp xã có nhà văn hóa (đạt 54,9%), trong đó có 67,8% số nhà văn hóa đạt chuẩn; 40/56 nhà văn hóa cấp xã có sân tập thể thao đơn giản đạt chuẩn; toàn tỉnh có tổng số 408 làng có nhà rông với tổng số nhà rông là 435 cái.
|
Công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất xây dựng thiết chế văn hóa ở cơ sở được các cấp chính quyền và các ngành chức năng quan tâm đúng mức, đảm bảo các quy định của Nhà nước với diện tích quy hoạch từ 200m2/ nhà văn hóa. Đến nay có tổng số 738/756 thôn, tổ dân phố đã hoàn thành quy hoạch (đạt gần 98%); trên 80% tổng số xã, phường, thị trấn hoàn thành quy hoạch, trong đó riêng vùng nông thôn có 100% xã đã hoàn thành quy hoạch với diện tích từ 300 m2, đảm bảo theo quy chuẩn và nhu cầu sử dụng; ngoài ra có 100% huyện, thành phố đã hoàn thành quy hoạch quỹ đất xây dựng các công trình văn hóa với diện tích trên 2.500 m2/nhà văn hóa.
Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể được tỉnh quan tâm đầu tư, góp phần gìn giữ văn hóa tại địa phương. Đến nay, nhiều loại hình lễ hội, phong tục, hương ước, nghề truyền thống được gìn giữ; ngoài ra toàn tỉnh hiện có khoảng 31 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 4 di tích cấp quốc gia; 20 di tích cấp tỉnh và 31 di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh.
Từ nay đến năm 2025, mục tiêu của tỉnh là tiếp tục đầu tư đồng bộ và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở gắn với việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Trong đó, phấn đấu đạt và vượt một số chỉ tiêu như tỷ lệ hộ gia đình đạt “Gia đình văn hóa” đạt khoảng 90%; thôn, làng, tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu “Khu dân cư văn hóa” đạt 93%; tỷ lệ cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn văn hóa đến năm 2025 đạt 84% và năm 2030 đạt tỷ lệ 89%; 100% xã đạt chuẩn 2 tiêu chí về văn hóa nông thôn mới; 21% phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 60% xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa đạt chuẩn.
Hoàng Thanh