Phụ nữ Yăng Roong giữ hồn chiêng
Khác với những địa phương khác trong tỉnh, hơn 2 năm nay, ở thôn 7 (thôn Yăng Roong), xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, việc biểu diễn cồng chiêng lại do những người phụ nữ thực hiện. Khoác trên vai những chiếc chiêng do cha ông để lại, những phụ nữ nơi đây đã và đang góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình.
Thôn Yăng Roong có 112 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) sinh sống bằng nghề cạo mủ cao su, trồng lúa, trồng mì…
Chị Y Thanh - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Yăng Roong, Đội trưởng đội múa xoang cồng chiêng của thôn chia sẻ: Trước đây, việc biểu diễn cồng chiêng vẫn được đàn ông trong thôn thực hiện. Tuy nhiên, nhận thức được việc cần phải bảo tồn và phát huy hơn nữa những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, các hội viên, phụ nữ của thôn đã đề xuất ý kiến với Chi bộ thôn để được học và biểu diễn cồng chiêng. Cuối năm 2016, Đội múa xoang cồng chiêng của phụ nữ thôn được thành lập với sự tham gia của 35 chị. Từ đó đến nay, hầu hết tại các dịp lễ lớn của thôn, việc biểu diễn cồng chiêng đều do các chị em thực hiện.
Thời gian đầu thành lập, tranh thủ lúc không lên rẫy, những thành viên tập trung tại nhà nghệ nhân cồng chiêng, cũng là Bí thư chi bộ thôn - ông A Bying để học cách đánh chiêng.
Chị Y Cứu – thành viên của Đội múa xoang cồng chiêng nhớ lại, việc học đánh chiêng rất khó, khó vì phải khoác trên vai những chiếc chiêng nặng, trong đó, những người đảm nhận những chiếc chiêng to và nặng nhất của bộ chiêng như chiêng Yong, chiêng Mông, chiêng Pép… là vất vả nhất. Bên cạnh đó, mỗi chiếc chiêng có cách đánh khác nhau, âm khác nhau, phải đánh đúng âm, đúng nhịp để cùng hòa âm với các chiêng khác.
“Thời gian đầu tập luyện, nhiều chị em cảm thấy rất khó khăn. Nhưng được sự động viên từ những nghệ nhân cồng chiêng trong thôn, cùng sự đồng lòng và quyết tâm từ chính các chị em, chúng tôi đã học được cách đánh bài Mừng nhà rông mới và Mừng nước giọt trong vòng 1 tháng” - chị Y Cứu nói.
|
Nghệ nhân A Bying chia sẻ, theo phong tục, việc biểu diễn cồng chiêng rất ít khi được truyền dạy lại cho phụ nữ, nhất là phụ nữ đã có gia đình. Việc các phụ nữ trong thôn tự nguyện cũng như cố gắng tìm hiểu, học hỏi cách đánh chiêng là điều mới mẻ và rất đáng mừng.
Nhân dịp khánh thành nhà rông văn hóa của thôn vào đầu năm 2017, Đội múa xoang cồng chiêng của phụ nữ thôn đã ra mắt và biểu diễn bài Mừng nhà rông mới kết hợp với múa xoang thành công. “Bà con nhân dân trong thôn ai nấy đều vui mừng và phấn khởi khi thấy chúng tôi biểu diễn đánh chiêng” - chị Y Thanh kể.
Từ đó đến nay, mỗi lần trong thôn có đám cưới, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, Ngày hội Bánh chưng xanh…, các thành viên lại tập trung luyện tập và biểu diễn. Chị Y Thanh cho hay, sắp tới, Đội sẽ tiếp tục học đánh bài “Mừng lúa mới” để chuẩn bị biểu diễn trong lễ mừng lúa mới của thôn vào tháng 9.
Ngoài việc biểu diễn trong thôn, Đội múa xoang cồng chiêng của phụ nữ thôn cũng tham gia biểu diễn tại hội diễn văn nghệ do Hội LHPN xã Đăk Cấm tổ chức nhân dịp kỷ niệm ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10/2018, biểu diễn tại Trung đoàn 28 nhân kỷ niệm 74 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2018) và ở nhiều nơi khác.
Chị Lê Thị Dưỡng – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Cấm cho biết: Hội thường xuyên chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong các buổi sinh hoạt của các cấp hội cơ sở. Từ kết quả mà Chi hội Phụ nữ thôn Yăng Roong đạt được, sắp tới, Hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp với Chi bộ, Chi hội Phụ nữ thôn Plei Rlưng (xã Đăk Cấm) để thành lập đội cồng chiêng múa xoang tại đây. Ngoài ra, tạo điều kiện để các đội cồng chiêng múa xoang của phụ nữ phát triển, Hội cũng sẽ quan tâm và giới thiệu để các đội có cơ hội biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội nhiều hơn.
Với việc thành lập đội cồng chiêng múa xoang và biểu diễn trong thời gian qua, những phụ nữ ở Yăng Roong đã góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Đức Thành