Phát triển sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng
Du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái là một trong 6 nhóm sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tuy nhiên, số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh thuộc lĩnh vực này vẫn còn khá khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của tỉnh.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 2 sản phẩm thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là sản phẩm Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu của Tổ hợp tác dịch vụ du lịch làng Kon K’tu , xã Đăk Rơ Wa và Điểm du lịch A Biu của hộ kinh doanh A Biu, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum.
Để xây dựng sản phẩm OCOP du lịch, tại 2 điểm du lịch này, các chủ thể đã chú trọng đầu tư, đảm bảo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, tổ chức các hoạt động tham quan ngắm cảnh, trải nghiệm cuộc sống lao động, sinh hoạt của người dân trong làng, các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống địa phương để phục vụ nhu cầu của du khách.
|
Việc được công nhận là sản phẩm OCOP đã góp phần thu hút du khách, mang lại lợi ích thiết thực cho các chủ thể và cộng đồng dân cư. Đồng thời, thông qua phát triển du lịch, đã tạo động lực để người dân nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo vệ tài nguyên, môi trường, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương.
Thời gian qua, Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu thu hút được khá đông khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng và tham gia trải nghiệm các hoạt động thường ngày của người dân như đan lát, dệt thổ cẩm, múa xoang, cồng chiêng, thưởng thức ẩm thực của đồng bào Ba Na. Nhờ đó, người dân trong làng có thêm việc làm, tăng thu nhập và động lực để gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc.
Điểm du lịch A Biu cũng là một trong nơi đến hấp dẫn với không chỉ với khách du lịch mà cả các nhà nghiên cứu, thực tập sinh ngành văn hóa. Nhờ phát triển du lịch, Điểm du lịch này đã góp phần tạo thêm việc làm cho hơn 30 người dân trong làng Plei Klếch (xã Ngọc Bay), nâng cao thu nhập từ việc cung ứng dịch vụ du lịch. Qua đó, cũng khuyến khích người dân bảo vệ, khai thác giá trị văn hóa địa phương.
Có thể nói, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đồng bào các DTTS đặc sắc và vẫn được gìn giữ đã tạo nên bức tranh sinh hoạt cộng đồng đa dạng, phong phú, đây là tiềm năng lớn để các địa phương trong tỉnh phát triển du lịch cộng đồng, trải nghiệm văn hóa, khám phá thiên nhiên. Đến nay, trên địa bàn tỉnh bước đầu hình thành và có một số điểm du lịch cộng đồng được UBND tỉnh công nhận như: Làng Kon K’tu, làng Kon Jơ Dri, (xã Ðăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum), làng Kon Bring (xã Ðăk Long, huyện Kon Plông), làng Kon Trang Long Loi (thị trấn Ðăk Hà, huyện Ðăk Hà), làng Ðăk Răng (xã Ðăk Xú, huyện Ngọc Hồi.
|
Tuy nhiên, so với nguồn tài nguyên du lịch nông thôn và “nguồn nguyên liệu” bản địa dồi dào, số địa điểm, dịch vụ du lịch được xây dựng theo tiêu chuẩn sản phẩm OCOP còn khá khiêm tốn.
Có thể thấy, để một sản phẩm OCOP du lịch ra đời và tồn tại cần tổng hòa của nhiều yếu tố như thuận lợi về địa lý du lịch, có yếu tố mới mẻ, sáng tạo thu hút du khách, kinh nghiệm trong quản trị, tiếp cận thị trường. Thế nhưng, trên thực tế, nhiều điểm du lịch của tỉnh chưa đảm bảo các yếu tố này, trong đó, yếu tố hạ tầng có thể nói là một trong những điểm yếu, bởi hầu hết hạ tầng tại các điểm du lịch chưa đồng bộ. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch vẫn còn đơn điệu và manh mún, nhân lực làm du lịch chưa chuyên nghiệp, việc tổ chức các tour, tuyến thiếu bài bản. Sự liên kết giữa chính quyền địa phương-cộng đồng-doanh nghiệp thiếu tính ổn định, chặt chẽ.
Nghị quyết số 12-NQ/TU (ngày 18/5/2023) của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 xác định phát triển ngành du lịch của tỉnh trở thành ngành kinh tế dịch vụ chuyên nghiệp, giàu bản sắc, có sức cạnh tranh ngày càng cao trong cả nước, kết nối và thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác cùng phát triển, có đóng góp quan trọng và sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Việc xây dựng sản phẩm OCOP về du lịch cộng đồng có thể nói là một trong những giải pháp quan trọng góp phần đưa du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bài bản, bền vững. Để làm được điều này, đòi hỏi nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành chức năng và hơn hết là sự chủ động và quyết tâm của các chủ thể làm du lịch.
Thiên Hương