Phát triển du lịch sau đại dịch Covid-19
Đại dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó ngành Du lịch bị ảnh hưởng một cách nặng nề. Vậy tỉnh Kon Tum cần làm gì để du lịch phục hồi, phát triển sau đại dịch Covid-19?
Theo Tổng cục Thống kê, dịch Covid-19 tác động xấu tới tình hình du lịch 7 tháng đầu năm 2021 trên cả nước. Tất cả các chỉ số về khách quốc tế, dịch vụ lữ hành, lưu trú đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 7 tháng năm 2021, khách quốc tế đến nước ta đạt 95,7 nghìn lượt người, giảm 97,5% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch ở hầu hết các địa phương gần như tê liệt. Doanh thu của các doanh nghiệp du lịch lữ hành giảm mạnh, chỉ đạt 243,6 nghìn tỷ đồng, giảm 11,8%; doanh thu ngành hàng dịch vụ ăn uống và lưu trú đạt 4,3 nghìn tỷ đồng, giảm 58,8%. Nhiều doanh nghiệp lữ hành, doanh nghiệp kinh doanh lưu trú, ăn uống phải tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng.
Trao đổi với chúng tôi, bà Lê Thị Tiến - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến du lịch (Sở Văn hoá- Thể thao và Du lịch) cho biết: Để hoạt động du lịch được phục hồi sau dịch Covid-19, ngay từ bây giờ, các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội du lịch cần phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc. Chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa. Tăng cường công tác truyền thông, lựa chọn hình ảnh đẹp, quảng bá dưới nhiều hình thức ấn phẩm du lịch điện tử, ấn phẩm du lịch truyền thống (giấy in), lắp đặt pano trong quảng bá xúc tiến, giới thiệu điểm đến, khu du lịch, di tích lịch sử, tham quan nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, danh lam thắng cảnh như Nhà thờ gỗ, cầu treo Kon Klor, Khu di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Vườn di sản ASEAN tại Kon Tum, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen, vùng lòng hồ thủy điện Ya Ly... Phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền sớm cho ra các sản phẩm du lịch mới, điểm tham quan hấp dẫn, hình thức du lịch khám phá và trải nghiệm, thu hút khách du lịch.
|
Để thu hút du khách đến du lịch Kon Tum ngày càng nhiều hơn, các ngành phải xây dựng được hình ảnh thương hiệu riêng cho du lịch Kon Tum. Chủ động tìm kiếm và khai thác các thị trường du lịch lớn và tiềm năng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ cần được nâng cao. Các điểm du lịch như Măng Đen (huyện Kon Plông), Kon Trang Long Loi (huyện Đăk Hà); Khu di tích quốc gia đặc biệt - Tượng đài chiến thắng Đak Tô Tân Cảnh (huyện Đăk Tô); Làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu (thành phố Kon Tum)... cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, tạo không gian xanh-sạch-đẹp để giữ nét đẹp riêng. Phối hợp với các cơ quan báo chí của Trung ương và địa phương tăng cường tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu hình ảnh du lịch Kon Tum với bạn bè, du khách trong nước và nước ngoài để thu hút du khách.
Theo bà Lê Thị Tiến, các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch cần được mở rộng cả về phạm vi và quy mô; trong đó cần tham gia các chương trình, sự kiện thương mại - văn hóa - du lịch lớn như Hội chợ du lịch quốc tế Hà Nội -Việt Nam (VITM), Hội chợ du lịch quốc tế TP.HCM (ITE); tổ chức hội nghị xúc tiến, giới thiệu điểm đến du lịch Kon Tum tại các thị trường trọng điểm như Hà Nội, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; liên kết các tuyến, điểm đến với các đường bay của các tỉnh và các chương trình xúc tiến của Tổng cục Du lịch; tham gia liên kết các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch của Tổng cục Du lịch tại các chương trình, sự kiện xúc tiến du lịch để giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch Kon Tum đến với đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Tập trung phát triển marketing điện tử phục vụ xúc tiến quảng bá du lịch; phát triển website du lịch Kon Tum (http://kontumtourism.com.vn) trở thành địa chỉ chuyên cung cấp, hỗ trợ thông tin du lịch. Liên kết với website của các tỉnh, thành phố lận cận như Đà Nẵng, Phú Yên, Bình Định, Gia Lai, Đăk Lăk, Lâm Đồng; website của Tổng cục Du lịch và các địa phương khác trong nước để đặt logo hoặc banner tạo đường dẫn kết nối về website du lịch của tỉnh nhằm tối ưu hóa việc chuyển tải thông tin điểm đến du lịch Kon Tum đến các thị trường du lịch trọng điểm trong nước. Nghiên cứu và phát triển khả năng quảng bá trên các trang mạng xã hội và các hình thức quảng bá khác qua mạng internet; phát triển các tiện ích quảng bá du lịch cho các thiết bị cầm tay như điện thoại di động thông minh, máy tính bảng…
Thảo Nguyên