Phát triển du lịch bền vững
Kon Tum ở đâu trên bản đồ du lịch? Người bạn mới quen chuyên cung cấp các dịch vụ lữ hành đã hỏi tôi một câu “cắc cớ’ như vậy, khi tôi đang “thuyết trình” về những bước phát triển của du lịch Kon Tum.
Đây không phải là lần đầu tiên tôi nhận được câu hỏi dạng như vậy. Và tất nhiên, tôi có cách trả lời khá đơn giản mà thuyết phục.
Hãy lên gõ thử trên công cụ tìm kiếm Google search 4 từ “du lịch Kon Tum” mà xem- tôi đề nghị.
Và đừng bất ngờ, khi có tới 29,6 triệu kết quả chỉ trong 0,81 giây, nó đủ để khẳng định sức hút của Kon Tum, cũng cho thấy Kon Tum đang trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch.
Xét về lợi thế tài nguyên thiên nhiên và cảnh quan, Kon Tum hội tụ hệ sinh thái rừng- núi- sông - hồ độc đáo, có thể đáp ứng nhu cầu của du khách với loạt sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch kết hợp hội nghị, team building (MICE), du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp, nông thôn đa dạng, độc đáo, hấp dẫn.
Du lịch còn hưởng lợi từ kho tàng văn hóa giàu bản sắc, được các DTTS tại chỗ lưu truyền bao đời (như cồng chiêng, ẩm thực, nghề thủ công).
|
Đi cùng là ưu thế về vị trí địa lý trong việc kết nối tour, tuyến với các đô thị lớn, như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và mở rộng hợp tác quốc tế với các nước tiểu vùng sông Mekông.
Những số liệu thống kê gần đây cho thấy, du lịch Kon Tum đã và đang có bước phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt là sự hồi phục đáng kinh ngạc sau đại dịch Covid-19.
Theo số liệu từ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh, năm 2022 thu hút được khoảng 1.100.000 lượt khách du lịch vào tỉnh, đạt 122,22% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và tăng hơn 3 lần so với năm 2021.
Đây thật sự là những con số ấn tượng, bởi từ năm 2020, ảnh hưởng của Covid-19 tới du lịch tỉnh ta đã rất nặng nề. Thống kê cho thấy, năm 2020, tổng lượng khách giảm 54,22% so với năm 2019; năm 2021, lượng khách du lịch tiếp tục giảm mạnh, chỉ đạt xấp xỉ 50% với năm 2020.
7 tháng đầu năm 2023, tổng lượt khách đến tỉnh đạt 1.047.200 lượt, tăng 120,37% so với cùng kỳ; tổng doanh thu chuyên ngành đạt 410 tỷ đồng, tăng 182,07% so với cùng kỳ; công suất phòng đạt 65%, tăng 155% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, nghiên cứu về du lịch Kon Tum, có thể nhận thấy rằng tính bền vững trong phát triển du lịch còn hạn chế. Nghĩa là việc phát triển các hoạt động du lịch có lúc, có nơi chưa tính toán đầy đủ các tác động kinh tế, xã hội và môi trường hiện tại và tương lai.
Hoặc khi đầu tư du lịch, các chủ đầu tư chỉ chú trọng đến mặt đáp ứng nhu cầu du khách mà chưa đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường sinh thái và các yêu cầu của cộng đồng địa phương.
|
Đơn cử như làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon Pring (thị trấn Măng Đen, Kon Plông), hàng rào gỗ xinh xắn bao quanh nhà rông hài hòa với không gian văn hóa của làng đã bị dỡ bỏ, thay vào đó là một hàng rào bê tông lạnh ngắt, sừng sững ngăn cách nhà rông với phần còn lại của làng.
Rất may là sau đó, chính quyền và cơ quan chức năng của địa phương đã tiếp thu ý kiến phản ánh và cho sửa chữa kịp thời. Nhưng nó cũng phản ánh một thực tế là cách làm du lịch ở ta còn mang hơi hướng tự phát, thiếu chuyên nghiệp.
“Điểm trừ” thứ hai là “du lịch lòng máng” còn khá phổ biến. Tức du khách đến chơi, tham quan rồi đi nơi khác… tiêu tiền, đồng nghĩa rằng du lịch không thẩm thấu vào đời sống và kinh tế của người dân địa phương.
Nguyên nhân của tình trạng trên là thiếu các loại hình vui chơi, mua sắm, trong khi ở hầu hết điểm du lịch lại “na ná” nhau về dịch vụ cơ bản, với trải nghiệm lễ hội, văn hóa cồng chiêng, ngắm vẻ đẹp núi rừng, sau đó là đốt lửa trại, ăn gà nướng, cơm lam, uống rượu cần.
Từ đó dẫn đến tổng thu du lịch tại tỉnh vẫn còn ở mức thấp, đóng góp khiêm tốn vào GRDP. Như năm 2022, có khoảng 1,1 triệu lượt khách đến tỉnh; tổng doanh thu từ dịch vụ du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2021; trong khi GRDP ước tính đạt 17.626,81 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tâm lý “du lịch mùa vụ” còn khá nặng nề. Bằng chứng là nhiều điểm du lịch lúc thì quá tải, lúc thì quá vắng khách. Như ở Măng Đen, hiện tượng “cháy” nơi lưu trú xảy ra khi có các sự kiện văn hóa, hoặc thời điểm cuối năm, lễ tết, ngày thường thì khá vắng vẻ.
Để thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, nhiều ý kiến cho rằng, cần giải quyết hàng loạt các vấn đề. Trước hết là cần ưu tiên nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp với sở thích, nhu cầu của du khách nội một cách nghiêm túc, bài bản.
Chú trọng khắc phục các “điểm trừ” như hạ tầng du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng phục vụ chưa cao; sản phẩm du lịch còn trùng lặp, chưa đa dạng, phong phú. Thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ hơn của cộng đồng và người dân tại chỗ.
Cần xác định liên kết trong phát triển du lịch là vấn đề sống còn, khắc phục tình trạng “đèn nhà ai nấy rạng” ở các điểm du lịch.
Ví dụ, ở thành phố Kon Tum có một số làng, điểm du lịch cộng đồng, nhưng ở đâu cũng cơm lam, gà nướng, trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, đời sống thường nhật của đồng bào DTTS. Nên chỉ cần đi một nơi là biết tất cả, các điểm khác không cần đến nữa.
Điều này sẽ được giải quyết nếu giữa các làng, điểm du lịch có sự liên kết và có sự “nhường nhịn” và “phân công” nhau, không “nhồi” mọi điểm đặc sắc vào một địa điểm.
Nếu trong một tour, du khách được dẫn đến địa điểm đầu tiên là làng văn hóa du lịch cộng đồng Kon K’tu, tại đây sẽ được trải nghiệm đời sống thường nhật của đồng bào Ba Na, với những nét nổi bật là hoạt động chèo thuyền đánh cá, lên rẫy, tối về nướng cá bên sông Đăk Bla.
Sau đó sẽ du khách sẽ được đưa đến điểm tiếp theo, với đặc sản cơm lam, gà nướng, thưởng thức và hòa điệu chiêng xoang.
Bên cạnh đó, tiếp tục quan tâm hỗ trợ các làng du lịch cộng đồng phát huy những giá trị riêng, những sản phẩm mang tính khác biệt. Đây chính là những yếu tố có vai trò quan trọng hàng đầu đối với quyết định lựa chọn của du khách, cho dù giá sản phẩm cao hơn.
Tính khác biệt này thường được thể hiện với những đặc tính độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện về tài nguyên du lịch cho một vùng, điểm đến với những dịch vụ không chỉ thỏa mãn nhu cầu, mong đợi của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi sự sáng tạo.
Như thế mạnh của làng du lịch Kon Pring là du lịch sinh thái, khám phá rừng; làng Kon K’tu là hòa nhập đời sống, chèo thuyền trên sông Đăk Bla. Khi được khai thác tốt, sẽ tạo sức hút với du khách hơn là cả hai đều có những dịch vụ “na ná” nhau.
Tất nhiên, muốn làm được điều này cần phát huy vai trò điều tiết của chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp du lịch hợp tác ứng dụng công nghệ số, du lịch thông minh vào liên kết phát triển du lịch, nhất là số hóa, chia sẻ dữ liệu về du lịch nhằm đem lại hiệu quả trong quản lý nhà nước về du lịch và tiện ích đối với du khách.
Các địa phương cùng nhau cải thiện môi trường du lịch, đẩy mạnh liên kết trong việc phát triển quy hoạch, kết nối hạ tầng; phát huy giá trị di sản văn hóa của mỗi địa phương.
Xây dựng danh mục các sản phẩm có giá trị chung, tránh trùng lắp để tạo thành chuỗi dịch vụ trong bộ sản phẩm liên kết các địa phương trong tỉnh. Bộ sản phẩm cần đảm bảo cân bằng giữa tính đặc thù và phổ biến, đảm bảo mỗi địa phương có một sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng làm điểm nhấn trong tổng thể thương hiệu du lịch của tỉnh.
Thành Hưng