Nồng nàn hát đúm
Hát đúm là một trong những loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc đóng vai trò quan trọng và không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Mường ở thôn Hào Phú, xã Đăk Kan, huyện Ngọc Hồi.
Trong đời sống tinh thần của người Mường, hát dân ca là một hình thức sinh hoạt không thể thiếu. Dân ca của người Mường cũng có nhiều loại như hát đúm, hát sắc bùa, hát ru. Trong đó, hát đúm là loại hình sinh hoạt văn hóa bình dị nhất, vì ai cũng có thể hát được, hát không cần nhạc đệm mà chủ yếu dựa vào tài ứng khẩu của người hát.
Nghệ nhân Đinh Văn Thiệu - người am hiểu về hát đúm của người Mường cho biết, lúc nhỏ, ông thường được bố mẹ cõng trên lưng và hát ru bằng lời hát đúm. Giai điệu bài hát ngấm dần vào tiềm thức, đến khi lớn lên, bố mẹ lại dạy cho cách hát, cách luyến láy nhịp điệu.
|
Theo ông Thiệu, hát đúm còn được gọi là hát hội, hát đối. Nội dung hát đúm rất đa dạng và phong phú, gắn với những phong tục văn hóa lâu đời của đồng bào dân tộc Mường ở tỉnh Hòa Bình, từ chuyện chào hỏi, tình yêu đôi lứa, mùa màng, phong tục tập quán, chúc tụng nhau dịp tết đến ca ngợi quê hương, đất nước. Khi chuyển vào xã Đăk Kan sinh sống, ông vẫn ngày đêm miệt mài bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật của dân tộc.
“Nét đặc sắc của hát đúm thể hiện sự hiểu biết sâu rộng của hai bên tham gia. Người hát tự đặt lời bài hát hoặc vận dụng từ vốn kho tàng dân ca của dân tộc mình. Qua việc đối đáp giữa hai bên nam - nữ, thể hiện được khả năng ứng xử nhanh nhẹn, vốn hiểu biết về nhiều mặt, đây là “kênh” để trai gái ướm lời, thử lòng nhau, tìm hiểu nhau. Đó cũng chính là lý do khiến hát đúm được trai gái người Mường rất yêu thích. Một số lời ca còn phản ánh nội dung nghi lễ, chứa đựng sắc thái riêng, độc đáo của dân tộc Mường”- ông Thiệu cho hay.
Còn theo ông Bùi Quốc Hùng- người có uy tín của thôn Hào Phú, hát đúm là hình thức hát nói mang tính cộng đồng, cộng cảm, lối hát giao duyên càng nghe càng say mê, bởi vậy hát đúm như lời ướm gửi, hẹn ước của trai gái người Mường trao cho nhau bằng sự đối đáp tinh tế, đằm thắm. Ngày xưa, mỗi dịp hội làng người Mường thường tổ chức lễ hội hát giao duyên giữa trai và gái. Trong lễ hội hai bên vừa hát, vừa ném quả còn (còn gọi là quả đúm) cho nhau, nên gọi luôn lối hát này là hát đúm.
“Nội dung hát đúm thường rất phong phú, giàu chất thơ, các câu hát thường mượn cảnh vật thiên nhiên để ví von trao gửi tâm tình, nên làn điệu hát đúm thường nhẹ nhàng, bay bổng, trữ tình. Tại các lễ hội, câu hát mở đầu là hát chào, hát mừng khi gặp nhau, tiếp theo là các phần hát giao hẹn, hát hỏi, hát đố, hát mời, hát họa, hát huê tình, chinh phu, chinh phụ, hát cưới, hát lính, hát thư và kết thúc là hát ra về”- ông Hùng chia sẻ.
|
Nhiều năm qua, với mong muốn lưu giữ những làn điệu dân ca của dân tộc Mường, thôn Hào Phú đã tổ chức nhiều buổi sinh hoạt giao lưu hát đúm giữa các thôn trong xã. Khi tham gia, hai đội sẽ cử ra một người đại diện để hát đúm, phía sau sẽ có người hỗ trợ về thông tin, câu chuyện. Khi hát có nhạc bát âm, hai bên trai gái đối đáp. Bên nào không đối đáp được là thua. Đây cũng là hình thức thử tài văn chương, kiến thức của nhau, ướm lời yêu đương, tìm hiểu bằng nghệ thuật, do đó, người hát cũng phải thuộc tục ngữ, ca dao của dân tộc.
Cũng trong thời gian qua, nghệ nhân Đinh Văn Thiệu cùng nhiều nghệ nhân khác ở thôn Hào Phú đã tổ chức các lớp dạy hát dân ca kết hợp cồng chiêng Mường miễn phí cho hơn 50 người tại thôn Hòa Bình, thôn Hào Phú.
Dù mới 14 tuổi nhưng em Xa Bùi Hà Anh (thôn Hòa Bình, xã Đăk Kan) đã thuộc rất nhiều bài hát đúm và thường tham gia trong những dịp hội làng hay các cuộc thi. Em chia sẻ: “Em học hát đúm từ 10 tuổi. Mẹ của em bảo, muốn hát được hay thì mình phải có cảm xúc và biết yêu những gì thân thuộc nhất. Các bài hát đúm mộc mạc và giản dị như chính cuộc sống nên học ca từ rất dễ và nhớ lâu. Bên cạnh đó, em còn tham gia lớp hát dân ca của thôn và được nghệ nhân Đinh Văn Thiệu hướng dẫn tận tình về cách hát, luyến láy nhịp điệu. Cho nên kỹ thuật hát đúm của em ngày càng hoàn thiện hơn”.
Ông Bùi Quang Triệu - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Kan cho biết, những câu hát đúm từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Mường ở thôn Hào Phú nói riêng và xã Đăk Kan nói chung. Ðây là sản phẩm tinh thần, là niềm vui, niềm tự hào và quan trọng hơn hết, nó là “sợi dây” để gắn kết cộng đồng người Mường. Nhiều năm qua, cùng với các đội cồng chiêng, đội hòa tấu nhạc cụ dân tộc thì hát dân ca cũng thường xuyên được xã tổ chức giao lưu giữa các thôn với nhau. Từ đó, tạo cơ hội cho đồng bào người Mường ở xã giao lưu, học hỏi, khơi dậy niềm tự hào về văn hóa truyền thống.
Nay Săt