Nỗ lực giữ gìn giá trị của di sản cồng chiêng
Nhiều năm qua, các cấp chính quyền và các ngành chức năng của tỉnh quan tâm hỗ trợ, tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ trên địa bàn tham gia giữ gìn và phát huy di sản cồng chiêng. Nhờ đó, nhiều đội cồng chiêng lớn, nhỏ được thành lập, tích cực tham gia các ngày hội văn hóa, văn nghệ do địa phương tổ chức.
Tỉnh ta có 7 DTTS tại chỗ nên sở hữu nhiều giá trị văn hóa truyền thống quý báu, đặc biệt là di sản cồng chiêng. Các cộng đồng DTTS tại chỗ trên địa bàn có các bộ chiêng phổ biến dùng trong các sinh hoạt lễ hội và được các nhà nghiên cứu tạm thời chia thành 2 nhóm, gồm các bộ chiêng phục vụ cho hoạt động nghi lễ của cộng đồng (tạm gọi chiêng Lễ) và các bộ chiêng phục vụ cho các sinh hoạt văn hóa cộng đồng (tạm gọi chiêng Hội).
Trong đó, “chiêng Lễ” phổ biến như: chiêng S’teng của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Xơ Teng); cồng Guông của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Tơ Đrá); chiêng Nỉ của dân tộc Gié- Triêng; chiêng Tha của dân tộc Brâu; chiêng Hŏnh của dân tộc Ba Na, Gia Rai; chiêng Pom, chiêng Pát của dân tộc Gia Rai (nhánh A ráp)... Trong “phần Hội” của các lễ hội truyền thống sẽ dùng bộ cồng chiêng hội từ 11- 18 cái, mỗi cái được biên chế một người tương ứng với một âm vực trong bộ cồng chiêng.
|
Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản không gian văn hóa cồng chiêng tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021- 2025”, toàn tỉnh hiện có khoảng 2.500 bộ cồng chiêng với khoảng 30 loại khác nhau được bảo tồn, lưu giữ. Đồng thời, đã trang bị 137 bộ cồng chiêng, trống cho 137 thôn, làng DTTS tại chỗ không có cồng chiêng; có 409/503 thôn, làng DTTS tại chỗ bảo tồn, khôi phục được nhà rông truyền thống- một không gian quan trọng đối với văn hóa cồng chiêng.
Trong dịp đến thăm làng Tu Mơ Rông (xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông), chúng tôi được thưởng thức màn biểu diễn chiêng, múa xoang sôi động, hấp dẫn của đội nghệ nhân trẻ Xơ Đăng của làng với hơn 30 thành viên. Nhìn các em biểu diễn, tôi bị cuốn hút, say mê trong giai điệu trầm bổng, ngân vang; muốn lắc lư, nhún nhảy theo từng điệu xoang nhịp nhàng, uyển chuyển.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, nhiều thôn làng duy trì nhiều đội nghệ nhân dân gian, nghệ nhân trẻ để tập hợp những người có chung đam mê giữ gìn văn hóa truyền thống. Đặc biệt, với lớp nghệ nhân trẻ tham gia tập luyện cồng chiêng ngày càng nhiều đã chứng tỏ công tác tuyên truyền, vận động của các cấp chính quyền địa phương và các ngành chức năng ngày càng phát huy hiệu quả.
Tiêu biểu có thể kể đến như huyện Đăk Glei- địa phương đã dành nhiều nguồn lực để đầu tư các thiết chế văn hóa truyền thống.
|
Từ năm 2020 đến nay, huyện Đăk Glei bố trí trên 500 triệu đồng từ nguồn ngân sách tỉnh để hỗ trợ 10 bộ cồng chiêng cho các thôn làng chưa có cồng chiêng; bên cạnh đó bố trí nguồn lực tu sửa, xây dựng mới nhà Rông, hiện có 75/85 thôn làng người DTTS có nhà rông truyền thống (đạt trên 88%); phối hợp mở lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, phục dựng một số lễ hội truyền thống có nguy cơ mai một. Nhờ đó ý thức của đồng bào DTTS tại chỗ được nâng cao, nhiều thôn làng thành lập đội cồng chiêng xoang và tích cực tham gia các hội thi do các ngành, các cấp tổ chức.
Thành phố Kon Tum cũng là địa phương làm tốt công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng. Địa phương này thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ để các đội cồng chiêng, đội văn nghệ quần chúng có môi trường giao lưu, học hỏi. Qua đó tôn vinh, quảng bá nét đẹp văn hóa đặc sắc của cồng chiêng, múa xoang, thu hút khách du lịch trên địa bàn. Hiện thành phố Kon Tum có 107 đội văn nghệ quần chúng, 90 đội cồng chiêng múa xoang, trong đó có 28 đội cồng chiêng thanh thiếu niên; đồng thời có khoảng 204 bộ cồng chiêng các loại.
Để phát huy và bảo tồn các giá trị của cồng chiêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã chủ động phối hợp với các ngành chức năng tổ chức nhiều chương trình, hoạt động mang lại hiệu quả tích cực. Trong đó, tiêu biểu như việc đẩy mạnh truyền dạy cồng chiêng tại các trường học có tỷ lệ cao học sinh là người DTTS; tổ chức Hội thi cồng chiêng xoang cho học sinh các trường PTDTNT, PTDTBT định kỳ 2 năm/lần. Hoặc dự án “Tập huấn chỉnh âm cồng chiêng Kon Tum” lần đầu tiên được tổ chức trong năm 2023 đã đạt nhiều thành công, là tín hiệu vui cho chặng đường khôi phục văn hóa cồng chiêng và lực lượng nghệ nhân chỉnh chiêng của tỉnh. Các cuộc liên hoan cồng chiêng hàng năm được coi là một trong những yếu tố quan trọng trong công tác bảo tồn và gìn giữ, trong đó cấp huyện định kỳ 1 năm/lần tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc; cấp tỉnh định kỳ 2 năm/lần tổ chức Tuần Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách trong giữ gìn và phát huy giá trị cồng chiêng, quan tâm đến môi trường diễn xướng, tổ chức những lễ hội cồng chiêng, các cuộc thi nhằm vinh danh những nghệ nhân ưu tú, khôi phục và giữ gìn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Phấn đấu đến năm 2025, toàn tỉnh có 100% các làng DTTS có nhà Rông và cồng chiêng.
Hoàng Thanh