Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng
Thời gian qua, ngành Văn hóa và chính quyền các địa phương triển khai nhiều biện pháp như phục dựng các lễ hội, nghi lễ truyền thống; truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ, tổ chức các hội thi, liên hoan về cồng chiêng, ngày hội văn hóa các DTTS nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.
Nhiều năm qua, Nghệ nhân ưu tú A Lang và các nghệ nhân khác duy trì lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho các em thiếu nhi ở các làng đồng bào DTTS xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà). Mỗi lớp học có từ 15 - 25 em theo học vào buổi tối cuối tuần hoặc trong những ngày hè. Tham gia lớp học, các em được các nghệ nhân truyền dạy những bài chiêng, kỹ thuật đánh chiêng và múa xoang trong các dịp lễ hỗi như bài chào đón khách, mừng lúa mới, mừng nhà rông mới và những bài hát giao duyên.
Cũng như ông A Lang, từ năm 2017 đến nay, già làng A Thui (thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) được sự tiếp sức, hỗ trợ của các cơ quan chức năng, đã thành lập Câu lạc bộ dân gian để truyền thụ văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Rơ Ngao (một nhánh của dân tộc Ba Na) cho thế hệ trẻ, trong đó có việc truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng và múa xoang. Dù ban đầu còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay, Câu lạc bộ đã hướng dẫn cho hơn 100 người, trong đó có hơn 70 người trẻ tại làng Kon Trang Long Loi hiểu biết và có thể biểu diễn các giai điệu cồng chiêng, múa xoang và một số nhạc cụ truyền thống khác của dân tộc.
|
Ông Phan Văn Hoàng - Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cồng chiêng, từ năm 2016 đến nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh mở được 150 lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các em học sinh DTTS. Các học viên được những nghệ nhân có kinh nghiệm truyền dạy những kiến thức, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng, múa xoang, chỉnh âm cồng chiêng.
“Việc mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trên địa bàn tỉnh. Các lớp truyền dạy cồng chiêng, múa xoang đã tạo sự lan tỏa, tính kế thừa trong lớp trẻ về bảo tồn, phát di sản văn hóa cồng chiêng; thể hiện ở việc ngày càng nhiều đội cồng chiêng, múa xoang nhí trong các làng đồng bào DTTS. Nhiều trường học duy trì đội cồng chiêng, góp phần đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa còng chiêng trong giai đoạn hiện nay” - ông Phan Văn Hoàng nhấn mạnh.
Qua khảo sát, tỉnh Kon Tum hiện có trên 200 di sản văn hóa phi vật thể đang còn duy trì trong các thôn làng. Đến nay, ngành VH,TT&DL đã lên danh mục 20 nghi lễ truyền thống và hệ thống các nghi lễ theo chu kỳ sinh hoạt của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Xơ Teng), 8 nghi lễ liên liên quan đến chu kỳ sản xuất của dân tộc Xơ Đăng (nhánh Mơ Nâm), 14 nghi lễ của dân tộc Ba Na, 8 nghi lễ của dân tộc Gia Rai; 10 nhạc cụ truyền thống dân tộc B’râu; nghiên cứu 2 kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc H’rê và dân tộc Xơ Đăng (nhóm Xơ Teng).
Toàn tỉnh hiện có 2.005 bộ cồng chiêng; trong đó huyện Đăk Glei có 100 bộ, Ngọc Hồi 65 bộ, Đăk Tô 60 bộ, Tu Mơ Rông 320 bộ, Đăk Hà 120 bộ, Sa Thầy 400 bộ, Kon Plông 550 bộ, Kon Rẫy 150 bộ, thành phố Kon Tum 240 bộ. Toàn tỉnh có 435 nhà rông, trong đó có 218 làng có nhà rông sử dụng vật liệu truyền thống, 217 nhà rông sử dụng vật liệu hiện đại, 54 làng chưa có nhà rông truyền thống. Có 3 nhà rông được xây dựng ở trung tâm của các huyện Sa Thầy, Tu Mơ Rông, Đăk Tô và 1 nhà rông ở trung tâm xã Ia Chim (thành phố Kon Tum).
|
Mặt khác, để giới thiệu, quảng bá với du khách về di sản văn hoá cồng chiêng, Bảo tàng tỉnh tổ chức sưu tầm và quản lý được 23.230 hiện vật. Trong đó, có 1.831 hiện vật xuất đi trưng bày lâu dài, 21.339 hiện vật hiện lưu giữ tại kho bảo quản (trong đó, kho hiện vật khảo cổ học và kim loại đồ đồng có 17.092 hiện vật; kho hiện vật đồ mây, tre, nứa, lá 1.859 hiện vật; kho hiện vật trang phục trang sức 1.337 hiện vật; kho hiện vật ghè, tài liệu cách mạng kháng chiến, tài liệu xây dựng đất nước 1.111 hiện vật) và có 1.831 hiện vật phục vụ công tác trưng bày cố định tại Bảo tàng phục vụ khách tham quan.
Để di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên có điều kiện phát triển, Phòng VHTT các địa phương quan tâm hỗ trợ về mọi mặt để các làng thành lập các đội văn nghệ, đội cồng chiêng và múa xoang. Đến nay, hầu hết các thôn, làng đồng bào DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh đều có đội nghệ nhân biết đánh cồng chiêng, múa xoang. Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 534 đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang; trong đó, huyện Tu Mơ Rông có 10 đội, Đăk Glei 154 đội, Đăk Hà 80 đội, Đăk Tô 3 đội, Kon Plông 72 đội, Kon Rẫy 44 đội, Sa Thầy 36 đội, Ngọc Hồi 38 đội và thành phố Kon Tum có 97 đội.
Cao Cường