Người mê chiêng ở Măng Ri
Vì mê chiêng, anh A Đang (36 tuổi), ở thôn Đăk Dơn, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông đã tự học và biết đánh cồng chiêng, chỉnh chiêng từ bé. Nhiều năm qua, A Đang là “đầu tàu" của đội cồng chiêng trong xã, và là người tích cực dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ.
Như đã hẹn trước, anh A Đang không lên rẫy mà ngồi đợi chúng tôi tại nhà. Trong căn nhà vách ván sạch sẽ, bộ cồng chiêng cùng những đồ dùng công nghệ là những tài sản có giá trị, được anh A Đang giữ gìn, lau dọn sạch sẽ.
Trao nhau cái bắt tay thật chặt, mời chúng tôi ly chè xanh chuẩn bị từ trước, anh A Đang kể: Từ nhỏ, tôi đã rất thích đánh cồng chiêng, nhưng ba tôi lại không biết đánh, do đó tôi phải tự học từ các bác, các chú, các anh trong làng.
Anh A Đang nhớ lại, ngày xưa, lúc còn bé, mỗi khi làng mở hội, anh theo cha mình đến xem. Càng xem các nghệ nhân trong làng đánh cồng chiêng A Đang càng bị cuốn hút. Tiếng chiêng, nhịp xoang như thôi thúc đôi tay của A Đang học đánh.
|
Mỗi khi lễ hội kết thúc, những bộ chiêng sẽ được treo cất trong nhà rông. Những người mê cồng chiêng sẽ tụ tập lại, lân la đến những chiếc cồng, chiếc chiêng rồi tự đánh.
Nhiều người lớn nghe tiếng chiêng vang ra cũng đến nhà rông, họ tận tình chỉ dạy cho những người trẻ, để nối dài sợi dây giữ gìn truyền thống đánh cồng chiêng của làng. Trong đám trẻ, A Đang tuy nhỏ tuổi nhất nhưng nhanh nhẹn, thông minh, nhanh chóng học được cách đánh chiêng.
Lên 11 tuổi, A Đang đã có thể đánh thành thạo cồng chiêng và trở thành một “nghệ nhân” nhí của đội chiêng trong làng. A Đang vẫn còn nhớ như in bài hát đầu tiên mà anh biểu diễn có tên là “Già Y Biu”, kể về một người phụ nữ Xơ Đăng yêu thích đánh cồng chiêng. Bà Y Biu dành trọn cuộc đời để gìn giữ nhịp chiêng. Trước khi qua đời, bà đã viết bài hát này với mong muốn con cháu sau này giữ gìn tiếng chiêng, nhịp xoang, giữ gìn hồn cốt của dân tộc.
A Đang xem câu từ trong bài hát “Già Y Biu” như lời dặn dò, nhắn nhủ bản thân không ngừng nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Khi trở thành cậu thanh niên và lập gia đình, dù gánh nặng cơm, áo luôn đặt trên vai của A Đang, nhưng anh vẫn không bỏ quên đam mê của mình.
Hễ trong làng sắp sửa có hội hay xã có thông báo cần đội chiêng biểu diễn, A Đang sắp xếp việc trên rẫy, hăng hái tham gia tập luyện. Và cứ thế, chơi chiêng nhiều năm, khả năng cảm âm của A Đang ngày càng tốt, trở thành người thợ chỉnh chiêng nhanh và chuẩn của xã Măng Ri.
Với những am hiểu, tài năng của bản thân, năm 2017, cùng với việc tham gia đội chiêng biểu diễn tại các sự kiện, lễ hội lớn, anh A Đang còn vinh dự được xã mời dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ. Những học viên tham gia lớp học đa số là học sinh, có niềm đam mê với cồng chiêng.
|
Anh A Đang tâm sự: Tôi còn trẻ cần phải học hỏi rất nhiều, nhưng được xã tin tưởng giao cho nhiệm vụ truyền dạy kỹ năng đánh cồng chiêng cho những bạn trẻ trong xã, tôi rất vui. Bởi đây là mong muốn của tôi từ trước giờ, mong có thêm nhiều người trẻ đam mê với bản sắc văn hóa dân tộc, để những nét đẹp này được sống mãi giữa cộng đồng.
Sau lớp học ấy, tài năng chơi chiêng, chỉnh chiêng của A Đang được nhiều người biết đến hơn. Anh tiếp tục được giảng dạy thêm nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng ở xã, cùng với đội chiêng học đánh thêm nhiều bài hát để đi biểu diễn. Hàng chục người trẻ trên địa bàn xã Măng Ri đã được anh A Đang truyền dạy kỹ năng cồng chiêng, bọn nhỏ mong muốn sau này có được kỹ năng chỉnh chiêng, đánh chiêng chuyên nghiệp như “nghệ nhân” A Đang, được tham gia biểu diễn tại các lễ hội cho mọi người cùng xem.
Anh Nguyễn Minh Trí – Phó Chủ tịch UBND xã Măng Ri cho biết: Trong xã, anh A Đang được xem như nghệ nhân đánh cồng chiêng trẻ, chuyên nghiệp. Nhiều năm qua, với tài năng của mình, anh A Đang đã cùng đội chiêng tham gia biểu diễn tại nhiều lễ hội, chương trình lớn. A Đang rất gần gũi, nhiệt tình, sẵn sàng tham gia các lớp truyền dạy cồng chiêng do các cấp, các ngành tổ chức, là nguồn cảm hứng cho thế hệ trẻ tiếp bước giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Văn Tùng