Người “giữ lửa” nghề đan lát
Dù đã 86 tuổi, nhưng khi rảnh rỗi hoặc có khách đặt hàng, ông A Đê (ở thôn Kei Joi, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) lại tỉ mỉ đan các vật dụng như gùi, nia, rổ bằng tre, lồ ô để bán cho khách.
Theo ông A Đê, từ khi sinh ra và lớn lên đã thấy ông, bà, cha, mẹ của mình tự đan lát những vật dụng cho sinh hoạt thường ngày, rồi nhìn và bắt chước. Dần dần, tự mày mò, ông A Đê biết đan những chiếc gùi, rổ, rá đơn giản rồi đến những dụng cụ phức tạp hơn.
Hơn 70 năm nay, hầu hết các đồ dùng đan lát trong nhà hoặc trong vùng đều do ông làm nên. Mỗi đồ dùng đan lát có chức năng sử dụng khác nhau. Chẳng hạn cái nia thường dùng phơi nông sản; rổ, rá chủ yếu đựng rau, phục vụ nấu nướng; giỏ dùng đánh bắt cá, tôm, cua.
|
Đồ đan lát muốn sử dụng lâu bền, ngoài việc chọn lựa nguyên liệu, bà con thường gác trên giàn bếp một thời gian trước khi đưa vào sử dụng. Một thời gian sau, khói bếp làm cho sản phẩm không bị mốc, mối mọt và có màu vàng nâu, tăng độ bền.
Theo ông A Đê, trong các đồ dùng, khó đan nhất là gùi. Trong đó, khâu khó nhất khi đan gùi là bo độ cong ở phía dưới đáy. Ngoài sự khéo léo, kỹ lưỡng, khi lựa chọn nguyên liệu, người thợ đan lát phải biết chọn cây tre, cây lồ ô vừa đủ để khi uốn có độ dẻo. Nếu tre hoặc lồ ô quá già, khi uốn sẽ dễ gãy và quá non thì không bền.
Ông A Đê cho biết: “Từ xưa tới nay, người Xơ Đăng hầu như nhà nào cũng có vài cái gùi. Gùi thường được bà con đem đi rẫy, dùng để đựng các loại nông sản. Mỗi cái gùi thường phải đựng được tầm 20-50 kg, nên phải chọn những cây tre, lồ ô qua một mùa mưa, tức hơn một năm là tốt nhất. Bên cạnh gùi dùng đi rẫy, bà con Xơ Đăng nơi đây còn dùng gùi để đi chợ, đựng vải thổ cẩm. Những loại gùi này thường nhỏ hơn, nhưng đòi hỏi phải đan tinh xảo và trang trí hoa văn đẹp mắt”.
Trước đây, người Xơ Đăng thường dùng lá và củ cây rừng để nhuộm tre, lồ ô làm màu trang trí gùi cho đẹp. Ngày nay, nhuộm màu đòi hỏi kỳ công, nên có thể sử dụng sơn để trang trí. “Đan xong một cái gùi phải mất 5-7 ngày, giá bán hiện nay khoảng 400.000-500.000 đồng/gùi; còn rổ, rá, nia thì làm trong 2-3 ngày, giá bán từ 100.000-300.000 đồng/cái. Nhờ tận dụng thời gian đan lát, tôi cũng có thêm thu nhập”- ông A Đê cho hay.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại với những vật dụng bằng nhựa, nhôm, inox thì nghề đan lát truyền thống của địa phương đang dần bị mai một. Điều này đã làm ông A Đê luôn trăn trở và tìm mọi cách để giữ gìn nghề đan lát truyền thống.
Theo ông A Đê, đan lát là nghề truyền thống tốt đẹp của người Xơ Đăng, giữ lại nghề là giữ lại truyền thống, cội nguồn tổ tiên. Vậy nên, hàng chục năm qua, dù đan lát là một nghề tốn nhiều thời gian, thu nhập thấp, nhưng ông chưa một ngày ngơi nghỉ, vẫn miệt mài gìn giữ nghề xưa của tổ tiên.
|
Không những thế, ông còn tìm mọi cách, đi đến các gia đình trong thôn tìm những người trẻ tuổi có đam mê để trao truyền nghề đan lát. Ông A Đê tỏ ra vui mừng, khi biết được các bạn trẻ ở thôn mình vẫn có nhiều người đam mê nghề đan lát. Điển hình như anh A Khiên (ở thôn Kei Joi), chỉ mới 28 tuổi nhưng đã thuần thục đan gùi, rổ, nia. Anh A Khiên chia sẻ: “Được sự chỉ bảo tỉ mỉ của ông A Đê, tôi đã đan thuần thục các vật dụng cho gia đình dùng thường ngày. Tôi rất mong được các cấp chính quyền hỗ trợ, duy trì nghề đan lát để người trẻ như chúng tôi phát huy hơn nữa những giá trị tốt đẹp của người Xơ Đăng”.
Ông A Simon - Trưởng thôn Kei Joi cho biết, nhiều lần về thăm nhà ông A Đê, thấy ông tuổi đã cao mà vẫn ngày đêm miệt mài với nghề đan lát, muốn khuyên ông nghỉ ngơi để bảo đảm sức khỏe mà không được. Bởi lẽ, với ông nghề đan lát đã là niềm đam mê ăn sâu vào máu thịt nên ông quyết tâm giữ gìn cho mai sau.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung tuyên truyền, khuyến khích mỗi gia đình ở thôn có một người biết đan lát vật dụng truyền thống của người Xơ Đăng. Từ đó, giúp đồng bào Xơ Đăng ở thôn giữ được bản sắc dân tộc và có thêm thu nhập để cải thiện đời sống”- ông A Simon cho biết
thêm.
Nay Săt