Ngày xuân vọng tiếng chiêng cồng
Khi lúa đã vào kho, gió cuốn ào ào trên các triền đồi, những cánh rừng cứ xanh biếc lên, cũng là khi mùa xuân về, làng Kon Kơ La (xã Đăk Psi, huyện Đăk Hà) lại nao nức nhịp chiêng ngân. Lúc réo rắt, thủ thỉ như lời tâm tình, lúc sôi nổi, náo nức, tiếng chiêng như mời gọi, giục giã bước chân khách chơi xuân tìm đến.
1. Đúng đêm mùng 1 Tết Mậu Tuất 2018, tôi cùng Chủ tịch UBND xã Đăk Psi Nguyễn Phúc Đoan ngồi bên bếp lửa giữa nhà rông làng Kon Kơ La thả hồn theo tiếng chiêng của già A Plung thánh thót, ngân vang và trong trẻo lạ lùng. Ánh lửa hồng bập bùng soi bóng người chập chờn trên vách. Đêm xuân như ngừng lại.
Gió xuân không ngừng thổi về từ phía cánh rừng cao su, dịu dàng, mơn man. Già A Plung ôm chiếc chiêng cũng cũ kỹ, già nua như mình vào ngực. Nhìn mái tóc bạc rung rung, khuôn mặt như tạc bằng đá đang đắm chìm vào ký ức, tôi nhận ra, chỉ khi ở bên chiêng mới lộ ra hết nét tài hoa vốn có của người đàn ông Xơ Đăng.
Lúc này, trước mắt tôi, ông già hơn 70 tuổi thoắt trở lại thời tráng niên kiêu hãnh nơi núi rừng Đăk Psi. Ông dùng bàn tay thô ráp đấm nhẹ vào lòng chiêng. Kỳ lạ thay, dường như giữa ông và hồn chiêng có sợi dây gắn kết vô hình, chỉ chờ ông chạm vào là thức tỉnh, tiếng chiêng bật lên, lúc nỉ non, khi du dương, lúc trầm buồn, khi réo rắt dội vào vách nhà rông, quẩn quanh những mái nhà ám khói, ngược về phía đại ngàn.
|
Tiếng của già A Plung thoảng trong tiếng gió lùa qua vách nứa: Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn liền với đời sống của dân làng, từ lúc đứa bé sinh ra được chào đón bởi tiếng chiêng vui mừng, náo nức; đến khi lớn lên, dựng vợ gả chồng, tiếng chiêng thủ thỉ nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thuỷ chung; rồi khi trở về với cỏ cây, đất, nước lại được tiễn biệt bằng nhịp chiêng chậm rãi, nỉ non.
Như bao chàng trai Xơ Đăng khác, với già A Plung, tiếng chiêng đã ngấm vào máu thịt từ ngày còn thơ bé. Ngày ấy đàn ông, con trai trong làng đều biết đánh chiêng, giống như đàn bà, con gái phải biết đi xoang.
Đêm đêm, dưới mái nhà rông, người già nhiệt tình chỉ dạy, người trẻ hăng say học tập những bài chiêng, như Mừng nhà rông, Mừng lúa mới, Mừng cưới... Học chiêng khó lắm, bởi không có bài bản cụ thể, ký âm đàng hoàng, mà phải nghe bằng tai, nắn từng nhịp.
Chiêng cũng có hồn, khi ta vui, chiêng rộn rã, âm vang; khi ta buồn, chiêng nỉ non, an ủi; khi ta mệt, chiêng tha thiết, vuốt ve. Nên học chiêng là phải học bằng tim mình, phải nối được với hồn chiêng, nếu không, cũng chỉ là gõ chiêng mà thôi.
Cuộc sống thay đổi nhiều theo thời gian, nhưng trong tâm thức, trong dòng máu của mỗi người đàn ông Xơ Đăng nói riêng và các dân tộc Tây Nguyên nói chung vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần có người chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và ngân nga.
Trước đây, cũng như bao làng Xơ Đăng khác, dân làng Kon Kơ La không ăn Tết Nguyên đán, cồng chiêng chỉ sử dụng trong mùa “ăn năm uống tháng”, trong những lễ trọng của đời người hay khi mừng lúa mới, cúng máng nước. Rồi cuộc sống ngày một ấm no, trong dòng chảy cởi mở và hòa nhập của văn hóa, dần dần người Xơ Đăng cũng ăn Tết Nguyên đán. Bắt nhịp với sự đổi thay ấy, làng Kon Kơ La đón Tết cổ truyền trong niềm vui.
|
Từ trước Tết, nhà nào cũng chuẩn bị vài ba ghè rượu, mua bánh mứt, chung nhau mổ heo, bắt cá suối để tiếp khách. Trong 3 ngày Tết, dân làng đến thăm nhà nhau, đi thăm các gia đình bạn bè, anh em ở làng khác, cùng nhau cầu chúc một năm mới tốt lành... Đến ngày mùng 4 Tết là chuyện vui chơi, ăn uống sẽ dừng lại, làng tổ chức ra quân đầu năm, lấy khí thế cho một năm mới.
Nhưng buồn một nỗi, ngày Tết cổ truyền lại vắng tiếng chiêng cồng. Bà con đã ăn Tết, nhưng chiêng thì vẫn chưa ngân lên, vì theo phong tục ngàn đời nay, chiêng chỉ dành cho lễ hội. Với người già, những ngày xuân tươi đẹp vẫn còn thiếu đi hồn cốt của nó, ấy là chiêng.
Những đêm xuân, ngồi bên bếp lửa, già A Plung cứ mơ màng nghĩ đến một ngày, ông dẫn đội chiêng của làng đi đến từng nhà, tấu lên những âm thanh của núi rừng mừng xuân mới, chúc chủ nhà luôn mạnh khỏe, may mắn, trâu bò, heo gà đầy chuồng; trên ruộng, trên rẫy, cây lúa trĩu bông, cây bắp chắc hạt, chim rừng không phá phách.
Càng nóng ruột hơn, khi đám thanh niên qua vùng Đăk Hà (Tu Mơ Rông) hay Đăk Kôi (Kon Rẫy), gần hơn là Ngọc Réo, Đăk Hring cùng huyện chơi tết về đều kể chuyện bà con ở nơi ấy đều đã tấu chiêng trong ngày tết, vui lắm.
Vì vậy, đúng đêm mùng 1 Tết Mậu Tuất, khi nghe Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan đề nghị, già A Plung rất sẵn lòng đem chiêng ra chơi một bài.
Trong đêm xuân nồng nàn ấy, một thanh âm đặc biệt cất lên từ nhà rông, gọi những đôi mắt tìm kiếm, kéo những đôi chân bước ra khỏi nhà. Đó là tiếng chiêng âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; là tiếng chiêng mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng.
2. Năm nay, khi mà Tết đã cận kề, tôi bỗng nhận được điện thoại của già A Plung mời về làng chơi.
Từ xa, tiếng chiêng ngân vang náo nức dẫn lối cho tôi đến thẳng nhà rông của làng. Điều bất ngờ đầu tiên là nhà rông cũ kỹ, xập xệ năm nào đã được cất mới, cao lớn, đẹp đẽ. “Bà con làm cả tháng trời đấy, chưa kể chuẩn bị nguyên vật liệu suốt năm ròng, sàn không còn lót bằng tre nứa nữa mà lót ván chắc chắn và đẹp. Dân làng rất tự hào vì nhà rông được làm theo đúng truyền thống của dân tộc mình”- già A Plung nói khi đón tôi.
Bất ngờ tiếp theo là trên khoảng sân rộng, dân làng vây kín, say sưa dõi theo đội chiêng của làng đang trình diễn một cách hứng khởi bài chiêng Ăn tết ở làng. Trên sàn nhà rông, rượu ghè xếp thành hàng, đã mở nắp, thơm ngào ngạt. Dưới ánh nắng chiều, núi rừng rộn rã bởi nhịp chiêng khiến lòng người mê say.
“Tinh tinh tang… tinh tinh tang…”. Nhịp chiêng lúc réo rắt mơ màng, khi bổng trầm hối hả. Thỉnh thoảng tiếng vỗ tay lại rộ lên khi những chàng trai đồng loạt giơ chiêng lên cao, 2 chân nhún nhảy, rồi quay vòng điệu nghệ.
Phải tập gấp rút lên thôi, vì giáp Tết, đội chiêng của làng còn phải tham gia Ngày hội chiêng xoang do xã tổ chức nữa, già A Plung à. Có tiếng ai đó giục giã. Già A Plung hấp háy con mắt, nói to: Cũng thành thạo rồi đấy.
|
Để đội chiêng của làng có thể chơi thành thạo bài chiêng Ăn tết ở làng này, suốt cả tháng qua, cứ chiều chiều, khi ông mặt trời mệt mỏi ghé xuống đỉnh núi, chuẩn bị nghỉ ngơi, thì già A Plung lại tập hợp những ai mê chiêng trong làng, không kể già trẻ, tới nhà rông để tập.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”, chuỗi âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, đan xen trầm bổng của bài chiêng Ăn tết ở làng vừa dứt, già A Plung cũng bứt ra khỏi giai điệu rộn rã. Già phấn khởi rủ rỉ: Tiếng chiêng âm vang hồn đất mẹ, vía trời cha; tiếng chiêng mang hồn núi, hồn sông, hồn suối, hồn rừng, mang hơi thở của làng. Vì thế mà người Xơ Đăng nói “chiêng giữ hồn người, người giữ hồn chiêng”.
Điều mà già A Plung vui nhất là Tết này, cồng chiêng đã vang vọng núi rừng, xua đi những rủi ro trong cuộc sống, rước về cho dân làng những điều tốt lành trong năm. Đây cũng là dịp bà con cảm tạ thần sông, thần núi đã phù trợ cho một năm làm ăn mạnh cái tay, no cái bụng, buôn làng bình yên.
Vậy là đã thỏa tâm nguyện rồi. Nếu trong ngày Tết, ngày lễ mà không có cồng chiêng thì dù có ăn nhiều heo, ăn nhiều bò thì cũng giảm vui đi nhiều- người già trong làng bảo nhau như vậy.
Không riêng gì làng Kon Kơ La, vào những ngày xuân này, núi rừng Đăk Psi âm vang giai điệu cồng chiêng, từ Kon Pao Kram, Linh La, Kon Đú, Long Đuân bên này cho đến Kon Rơ Wang, Kon Pao bên kia sông. Theo Chủ tịch xã Nguyễn Phúc Đoan, đến nay 100% số làng trong xã đều đã có đủ cồng chiêng, có đội chiêng xoang.
|
Và như bất cứ lễ hội nào khác, cứ có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là sẽ có xoang. Lửa được đốt lên khi màn đêm buông xuống. Bên ngọn lửa, vòng người say sưa múa hát trong tiếng cồng chiêng ngân vang. Những cô gái, những chàng trai ban ngày còn mải mê việc rẫy, việc vườn thì trong ánh lửa bập bùng lại trở thành những vũ công thực sự, lãng mạn và bay bổng. Vòng xoang gắn chặt tình người, tình đất, làm đắm say, mê hoặc lòng người.
Không gian vỡ oà trong nhịp chiêng ngân, trong nhịp xoang khát cháy. Lửa và hồn chiêng quấn quyện những đôi tay trong hương rượu ghè thơm nồng mênh mang, chếnh choáng. Vòng xoang “nở” rộng, nhịp chiêng ngân dài giữa núi rừng mừng mùa xuân mới.
Mặc đêm cứ bất tận… Lửa bập bùng, men rượu cần nồng nàn và vòng xoang mùa xuân thêm dài, thêm rộng, nhịp chiêng cũng chênh chao.
Tôi rời làng trong chếnh choáng men nồng, đi giữa rừng cao su xào xạc thay lá. Những thân cây mốc thếch vươn cành khẳng khiu, trơ trụi, nhưng bên trong đang cuộn chảy một sức sống sung mãn, chỉ cần tiếng chiêng ngân ngày xuân ngân lên là bung lên mầm nụ mới.
Thành Hưng