Mở hướng khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV đã đề ra định hướng “huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”. Với hướng đi này, thời gian qua, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã có nhiều nỗ lực khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh để phát triển kinh tế.
Tiềm năng và thế mạnh
Nổi bật trong tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Kon Tum là lợi thế từ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y- địa điểm trung chuyển quan trọng trên trục hành lang kinh tế Đông Tây. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm giáp ranh với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (cách 30km) và Vương quốc Campuchia (cách 25km) - đây là con đường ngắn nhất, thuận lợi nhất nối các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ với các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, Nam Lào qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Đây là điều kiện hết sức thuận lợi để ngành Du lịch Kon Tum phát huy tối đa tiềm lực phát triển du lịch, đặc biệt là loại hình du lịch Carnaval đang trở nên phổ biến; mở rộng hành trình du lịch Con đường Di sản miền Trung và Tây Nguyên sang các tỉnh Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan và Campuchia.
Ngoài ra, Kon Tum có những khu du lịch hấp dẫn như Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng quốc gia Măng Đen (huyện Kon Plông), Vườn quốc gia Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy), Rừng đặc dụng Đăk Uy (huyện Đăk Hà), Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (huyện Đăk Glei)...
Kon Tum còn có các di tích lịch sử cách mạng như Di tích lịch sử Ngục Kon Tum, Di tích lịch sử Ngục Đăk Glei, Di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô - Tân Cảnh, Ngã ba Đông Dương, Đường mòn Hồ Chí Minh... với các dữ liệu lịch sử sinh động, hấp dẫn, hiện đang được tôn tạo sẽ giúp nhiều cho du khách muốn tìm hiểu về chiến trường Tây Nguyên, về truyền thống đấu tranh của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh KonTum.
Bên cạnh đó, Kon Tum còn có các công trình kiến trúc văn hoá độc đáo như Nhà thờ Gỗ, Chùa Bác Ái, Toà Giám mục Kon Tum...; các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số cùng với Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã góp phần nâng cao giá trị các sản phẩm du lịch, thu hút du khách đến với Kon Tum.
|
Tạo điểm nhấn trong phát triển du lịch, những năm qua, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh chú trọng phát triển những loại hình du lịch tham quan, nghiên cứu các hệ sinh thái điển hình, đa dạng sinh học ở Vườn quốc gia Chư Mom Ray, Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh, Khu du lịch sinh thái rừng đặc dụng Đăk Uy, vùng lòng hồ Yaly, Khu du lịch Đăk Bla, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Măng Đen và phát triển du lịch văn hóa cộng đồng như tham quan, nghiên cứu giá trị văn hóa hướng về cội nguồn tại các di sản văn hóa, nghệ thuật truyền thống, các lễ hội và sinh hoạt tâm linh của các dân tộc tại chỗ...
Khai thác tiềm năng để phát triển
Được sự đầu tư của một doanh nghiệp chuyên kinh doanh du lịch, những năm qua, gia đình anh A Bênh và chị Y Na (làng Kon K’Tu, xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) đã dựng lại hai dãy nhà sàn bằng tranh tre, vách nứa để đón du khách, nhất là khách Châu Âu đến tham quan thưởng ngoạn cảnh đẹp và nét văn hóa độc đáo ở làng như kiến trúc nhà rông, nhà sàn; cuộc sống sản xuất, sinh hoạt của bà con đồng bào Ba Na trong vùng và các món ăn dân dã truyền thống; đốt lửa vít rượu cần, hòa mình cùng nhịp điệu cồng chiêng...
Vợ chồng chị Y Na và anh A Bênh có sự phân công nhiệm vụ rõ ràng. Trong khi chồng đảm nhận việc tiếp đón, tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm, nghỉ ngơi cho khách; thì chị Y Na cần mẫn dệt, khâu những bộ váy áo thổ cẩm truyền thống và chuẩn bị những món ăn dân dã khi khách yêu cầu.
Chị Y Na chia sẻ, khách du lịch nước ngoài rất gần gũi, thân thiện nhưng cũng không phải dễ tính. Ngay như bộ váy áo vốn đã được dệt bằng chất liệu thổ cẩm truyền thống, nhưng họ hoàn toàn không thích nếu dùng máy may để kết nối các phần thân, viền để thành sản phẩm hoàn chỉnh, mà chỉ hài lòng khi công đoạn này được làm bằng tay. Hiểu như vậy nên chị Y Na luôn cố gắng chăm chút tỉ mỉ từng đường kim, mũi chỉ để làm hài lòng du khách.
Làng Kon K’Tu hiện có trên 130 hộ dân với hơn 610 cư dân người Ba Na sinh sống từ bao đời nay. Được ưu đãi vị thế đẹp, vừa đứng bên núi, vừa ở cạnh sông và nhờ giữ được bản sắc văn hóa đặc sắc của người Ba Na nên Kon K’Tu được chọn là điểm đến của du khách trong hành trình ghé thăm Kon Tum.
Ban đầu là tự phát theo kiểu “Tây ba lô”, sau này, những chuyến “du lịch cộng đồng” về Kon K’Tu được tổ chức nhờ sự vào cuộc của các công ty du lịch lữ hành trên địa bàn tỉnh như Công ty Du lịch sinh thái Miền Cao, Công ty TNHH MTV Du lịch Kon Tum… đã thu hút nhiều du khách gần xa, đặc biệt là khách quốc tế đến đây nhiều hơn.
Anh A Bênh cho biết: Khách du lịch thường đi một nhóm đôi ba người, nhưng có lúc cả đoàn (chủ yếu là các bạn trẻ, sinh viên) đến hàng chục người. Họ lưu lại làng nếu thời gian ngắn thì từ sáng đến chiều, còn thời gian dài có khi từ 1- 2 đêm. Cũng có trường hợp ngoại lệ như cách đây 3 năm, cô sinh viên người Pháp tên là A-Mông-Tiêng đến sống ở làng cả năm trời, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với gia đình. Đặc biệt, cô gái này đã chịu khó học và dệt được cả những tấm thổ cẩm thật là xinh xắn. Tuy vậy, do khách du lịch đến không thường xuyên, nên thu nhập từ mỗi chuyến tham quan của khách cũng chỉ giúp gia đình đủ chi tiêu tằn tiện và cho mấy đứa con đi học…
“Việc phát triển những loại hình du lịch cộng đồng này không chỉ có ý nghĩa đối với ngành Du lịch địa phương mà còn mang tầm quan trọng trong việc nối kết các lễ hội, du lịch giữa tuyến du lịch Tây Nguyên với Con đường Di sản miền Trung như Huế, Hội An, Đà Nẵng…, tạo nên sức hấp dẫn kỳ lạ, điểm đến lý tưởng cho nhiều du khách trong và ngoài nước, bởi vùng đất này còn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn mà con người chưa khám phá hết” - ông Huỳnh Đức Tiến - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Kon Tum chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Kon Tum: Trong những năm qua, ngành Du lịch tỉnh đã có những bước phát triển vượt bậc, đặc biệt sau khi các tỉnh Tây Nguyên và các tỉnh duyên hải miền Trung triển khai thực hiện liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Lượng khách du lịch đến tỉnh Kon Tum tăng bình quân hàng năm trên 27%... Chỉ riêng năm 2018, tổng lượng khách du lịch đến Kon Tum đạt 448.304 lượt, tăng 30,38% so với năm 2017; trong đó lượng khách quốc tế đạt 181.672 lượt, tăng 45,51% so với năm ngoái; tổng doanh thu chuyên ngành ước đạt 253.661 triệu đồng, tăng19,11% so với năm 2017; tổng thu nhập xã hội từ du lịch ước đạt 866.422 triệu đồng, tăng 14,33% so với năm 2017.
Để khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, đến nay, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh đã từng bước quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và khai thác một số tuyến, điểm du lịch hấp dẫn trong số 68 điểm du lịch về văn hóa - di tích lịch sử, 10 điểm về di tích lịch sử cách mạng và 21 điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng.
Trong thời gian tới, ngành Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư, hợp tác, liên kết đầu tư phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Kon Tum khóa XV đã đề ra.
Thảo Nguyên