Làm gì để du lịch cộng đồng thành phố Kon Tum “cất cánh”
Thành phố Kon Tum là địa bàn thuận lợi, lại đang sở hữu số làng du lịch cộng đồng nhiều nhất tỉnh, nhưng việc khai thác và phát triển loại hình du lịch này chưa được như kỳ vọng. Làm gì để du lịch cộng đồng thành phố Kon Tum phát triển xứng tầm và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương là vấn đề mà nhiều người đang trăn trở.
Bà Phan Thị Thu Hà – Trưởng Phòng Văn hóa- Thông tin thành phố Kon Tum chia sẻ: Thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố đã chỉ đạo, triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhằm khai thác, phát triển du lịch cộng đồng. Sau khi xây dựng thành công mô hình mẫu làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa), thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch xây dựng và phát triển các làng, điểm du lịch cộng đồng tại các khu vực có điều kiện, đẩy mạnh thu hút đầu tư, vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào cung ứng dịch vụ du lịch, dịch vụ lưu trú.
Hiện tại, trên địa bàn thành phố có 3 làng du lịch cộng đồng gồm Kon K’tu, Kon Jơ Dri (xã Đăk Rơ Wa), Kon Klor (phường Thắng Lợi) và điểm du lịch cộng đồng hộ ông A Biu (xã Ngọc Bay); 15 homestay có khả năng cung ứng chỗ ở các dịch vụ cho khoảng 300- 350 khách/đêm. Tại các làng du lịch cộng đồng, chính quyền cơ sở, người dân và các hộ kinh doanh đã đầu tư, cung ứng các dịch vụ như dệt thổ cẩm, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu lễ hội văn hóa truyền thống, ẩm thực. Các cấp, ngành chức năng tích cực phổ biến thông tin giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh du lịch của thành phố; xây dựng các tour, tuyến về du lịch cộng đồng ở trong và ngoài tỉnh. Nhờ đó, loại hình du lịch này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của khách du lịch.
|
Năm 2021, khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm tại các làng du lịch cộng đồng khoảng 63.000 lượt người; năm 2022 có khoảng 73.600 lượt người và 6 tháng đầu năm 2023 có khoảng 79.640 lượt người. Việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng trên địa bàn thành phố, góp phần giải quyết việc làm, sinh kế cho một bộ phận người dân, đóng góp vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, bà Phan Thị Thu Hà cũng thừa nhận, hoạt động khai thác du lịch cộng đồng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Các hộ dân chưa biết cách tổ chức hoạt động du lịch, sản phẩm du lịch còn đơn điệu, không gian phục vụ cho các hoạt động trải nghiệm nghề truyền thống, chế tác nhạc cụ dân tộc còn thiếu. Nghề dệt thủ công của người Ba Na được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhưng việc phát triển còn manh mún, nhỏ lẻ. Thành phố chưa có nhà dệt thổ cẩm tập trung để làm mô hình giới thiệu cho du khách đến tham quan, cũng như làm tư liệu hình ảnh quảng bá sản phẩm truyền thống…Bên cạnh đó, lực lượng phục vụ, hướng dẫn du lịch tại các làng, điểm du lịch cộng đồng còn thiếu và yếu về chuyên môn nên chưa đáp ứng được yêu cầu của du khách. Vệ sinh môi trường tại các làng, điểm du lịch cộng đồng chưa đảm bảo... Vì thế, lượng khách du lịch đến các điểm du lịch cộng đồng vẫn thấp, bình quân chỉ chiếm khoảng 20% trong tổng lượng khách du lịch đến địa phương.
Để đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, theo bà Phan Thị Thu Hà, thời gian tới, thành phố Kon Tum sẽ tập trung khai thác lợi thế nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân giữ gìn kiến trúc, cảnh quan du lịch; duy trì phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, thực hiện nếp sống văn minh, tôn trọng và thân thiện với khách du lịch. Đa dạng các hình thức quảng bá về cảnh quan, nét đẹp văn hóa của cộng đồng các DTTS trên địa bàn. Chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng các loại hình sản phẩm du lịch, trong đó, xác định du lịch văn hóa sinh thái, du lịch cộng đồng kết hợp homestay là loại hình chủ lực. Đồng thời, tiếp tục xây dựng thương hiệu sản phẩm dệt thổ cẩm và các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch, đặc biệt là lực lượng tại chỗ là người DTTS tại các điểm du lịch, phát huy vai trò của Ban quản lý du lịch cộng đồng cũng là giải pháp quan trọng sẽ được thành phố Kon Tum quan tâm thực hiện. Ngoài ra, địa phương cũng tiếp tục triển khai liên kết với đơn vị lữ hành, công ty du lịch trong và ngoài tỉnh để duy trì và từng bước mở rộng các tour du lịch trải nghiệm, du lịch sinh thái, tìm hiểu về đời sống, sinh hoạt, lao động sản xuất, văn hóa, ẩm thực của đồng bào DTTS tại chỗ đã được du khách yêu thích trong thời gian qua.
Để du lịch cộng đồng của thành phố thực sự phát triển cùng với nỗ lực của ngành chức năng cần có sự đồng thuận, tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân. Qua đó, vừa mang lại thu nhập cho người dân, các cộng đồng và đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Thiên Hương