Juje, leng lep, brui
Người đàn ông Gia Rai ở Bắc Tây Nguyên từ xưa đã được biết đến là giỏi cồng chiêng, chế tác và sử dụng nhạc cụ dân tộc, khéo tay đan lát. Riêng với đan lát, sự khéo léo, tài hoa không chỉ minh chứng bằng các sản phẩm đặc trưng như những chiếc gùi hay các vật dụng bằng tre nứa đẹp xinh, tinh tế; mà còn được thể hiện qua những hình nan hay vật dụng tuy rất đơn giản nhưng không kém phần độc đáo.
|
Một lần về với làng của người Gia Rai dưới chân núi Chư Mom Ray (huyện Sa Thầy) đúng lúc bà con đang tất bật chuẩn bị cho một lễ hội lớn. Trong khi các già làng có kinh nghiệm và một số trai trẻ khỏe mạnh tập trung đẽo gọt, tô vẽ các bộ phận chính của cây nêu thì hầu hết các bác, các anh em đều túm tụm chẻ cây le, lồ ô để làm juje.
Cầm trong tay cái rựa đã mòn lưỡi và một ống lồ ô nhỏ để học theo cách làm, tôi hỏi han, chuyện trò với ông A Nét và những người trong nhóm xẻ tre, chẻ lạt. Thì ra, juje là “cái rổ” bằng nan, dùng để đựng thức ăn (thịt, cá, rau, măng…) trong các lễ hội làng hay sự kiện của gia đình đồng bào địa phương.
Đan lát vốn là “nghề” của nam giới người Gia Rai, song không phải ai cũng có thể tạo ra những chiếc gùi, cái nong, cái trũ… tinh xảo. Riêng juje thì hầu như bất cứ người đàn ông nào cũng dễ dàng hoàn thành. Ai chưa biết, chỉ cần nhìn qua đã có thể làm theo. Ai đã từng thì tay nhanh thoăn thoắt.
Juje đơn giản, dễ làm bởi chỉ cần có vài ống lồ ô cỡ nhỏ, đường kính độ 2 đốt ngón tay, dài độ 3 - 4 gang tay. Dùng rựa, hoặc con dao sắc chẻ thân lồ ô (hay cây le) ra làm 8 phần thành 8 mảnh đều nhau. Lưu ý, phía dưới chừa lại chừng hai gang tay để làm đế “rổ”. Để tạo thành chiếc rổ đơn giản này, dùng thêm những chiếc nan dẹp đã được chẻ sẵn, kết quanh các mảnh đã xẻ trên thân lồ ô (cây le) theo vòng tròn hình cái phễu.
Dùng để đựng thức ăn nên trong lễ hội của cộng đồng hay gia đình, những chiếc juje thường được cắm chặt xuống đất, cạnh ghè rượu. Ở mỗi sự kiện, sau phần “lễ” trang trọng, dân làng lại quây quần đánh cồng chiêng, múa xoang, ăn uống vui vẻ.
|
Với đồng bào các DTTS Bắc Tây Nguyên, cây nêu tươi tắn và đẹp đẽ luôn là linh hồn của lễ hội. Người Gia Rai cũng vậy, song một người không thể làm nên vật thiêng này, mà phải nhờ sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Trong cây nêu, leng lep, brui là những bộ phận không thể thiếu. Cũng từ lồ ô, cây le, dây mây, leng lep, brui được đan, được kết, để trang trí đồng thời mang ý nghĩa biểu trưng trên thân nêu.
Leng lep là mảnh nan hình thoi (hay hình vuông) được đan từ những sợi nan lồ ô, mỗi cạnh chừng 10 cm. Nan được chẻ mỏng, nên chiếc leng lep khá nhẹ. Khi được gắn với sợi dây mây, nó đu đưa trước gió và thỏa sức bay bổng. Leng lep được trang trí trên cây nêu trong tất cả các lễ hội (dù của làng hay chỉ của riêng gia đình), tượng trưng cho khoảng trời, mặt đất; thể hiện sự tự do, khoáng đạt, sự gắn bó mỗi người với nhau và kết nối mỗi cá thể với đất trời, thần linh.
Cùng gắn trên thân cây nêu, song brui (bông nan) lại là một dạng hình khác. Ống le, lồ ô được đập thật dập rồi làm cho bung ra. Trong cuộc sống, mẹ Lúa (Yang Hri) có ý nghĩa thiêng liêng, được người Gia Rai đặc biệt tôn thờ. Theo đó, brui mang hình bông lúa, tượng trưng cho sự gửi gắm nhiều ý nghĩa. Brui được trang trí phổ biến trên những thân nêu thường là những bông nan cỡ nhỏ, song với những cây nêu để mừng lúa mới lại cần những bông nan lớn và dày hơn, nhiều tầng hơn.
Tuy bình thường, đơn giản, song juje, lenglep, brui rất gần gũi với mỗi người trong cộng đồng làng; gắn bó cùng sinh hoạt, cuộc sống của mỗi người từ khi còn bé cho đến lúc về già. Ai cũng nhận ra rằng nét đẹp cây nêu, nét đẹp lễ hội truyền thống của dân tộc mình luôn để lại ấn tượng, một phần nhờ chính sự đơn sơ, gần gũi ấy.
Thanh Như