Huyện Kon Rẫy: Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc
Huyện Kon Rẫy hiện có trên 25 nghìn người với trên 65% dân số là đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là Ba Na (nhánh Jơ Lâng) và Xơ Đăng (nhánh Tơ Đrá). Hiện nay, những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện còn lưu giữ rất phong phú, trong đó phải kể đến các lễ hội, nhà rông, cồng chiêng, múa xoang…
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về bảo tồn các giá trị văn hóa, xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, trong những năm qua, UBND huyện Kon Rẫy đã quan tâm sâu sát đến công tác bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc tại chỗ. Đặc biệt, ngày 31/12/2015, UBND huyện đã ban hành Quyết định số 873/QĐ-UBND phê duyệt Đề án Phát triển du lịch gắn với việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc huyện Kon Rẫy giai đoạn 2015-2020, đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp nhằm đem lại hiệu quả thiết thực.
Ông Trần Đình Trung - Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Kon Rẫy cho biết: Hàng năm, UBND huyện đều chỉ đạo đơn vị rà soát, thu thập và thống kê số lượng cồng chiêng, nhà rông, các lễ hội truyền thống của các DTTS trên địa bàn huyện. Theo đó, tính đến thời điểm hiện nay, toàn huyện có 140 bộ cồng chiêng, 43 khu dân cư DTTS đều có đội cồng chiêng; có 45 nhà rông/43 thôn, làng đồng bào DTTS (thôn 2, xã Đăk Kôi và thôn 1, xã Đăk Tơ Lung, mỗi thôn có 2 nhà rông), trong đó có 2 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu vừa truyền thống, vừa hiện đại và 43 nhà rông được xây dựng bằng vật liệu truyền thống là gỗ, tranh, tre...
Việc khôi phục và tổ chức các lễ hội truyền thống luôn được huyện quan tâm chú trọng. Các lễ hội ở các xã, thị trấn được tổ chức theo mùa, theo tháng và được thể hiện tùy thuộc vào mỗi dân tộc và cách tổ chức của mỗi làng. Hiện nay, các lễ hội được duy trì thường xuyên, đúng định kỳ như lễ hội ăn con dúi, cúng máng nước, mừng lúa mới...
Hàng năm, UBND huyện còn chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện tổ chức Ngày hội Văn hóa -Thể thao các dân tộc cấp huyện với nội dung phong phú như: Hát dân ca, trình diễn trang phục dân tộc, đi cà kheo, bắn nỏ, đẩy gậy, biểu diễn cồng chiêng và múa xoang, diễn tấu các nhạc cụ dân tộc... Trên cơ sở đó, UBND huyện thành lập các đoàn nghệ nhân của huyện tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian quy mô khác nhau do các ngành chức năng của tỉnh tổ chức. Qua đó, đã giúp cho người dân, đặc biệt là các nghệ nhân của các DTTS trên địa bàn ngày càng nâng cao nhận thức, tích cực giao lưu, học tập các giải pháp bảo tồn văn hóa để tuyên truyền, vận động bà con dân tộc mình gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống.
|
UBND huyện còn tiến hành kiểm tra, khảo sát và có kế hoạch đầu tư khôi phục các nghề truyền thống, đặc biệt là nghề dệt thổ cẩm ở các làng Kon Tuh và Kon Bđẻ của xã Đăk Ruồng; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, khích lệ, tôn vinh các nghệ nhân đan lát, tạc tượng, làm gốm, làm rượu cần… giữ nghề và truyền nghề.
Từ năm 2015 đến nay, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin huyện phối hợp với UBND các xã, thị trấn tiến hành 2 đợt rà soát, lập hồ sơ cho các nghệ nhân tiêu biểu trên địa bàn để đề nghị Chủ tịch nước xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Cụ thể, đợt I, năm 2015, huyện có 3 nghệ nhân được công nhận danh hiệu này và đợt II, hiện đã lập hồ sơ đề nghị công nhận 28 nghệ nhân.
Bên cạnh đó, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện còn tổ chức mở được 4 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 240 thanh thiếu niên trên địa bàn các xã, thị trấn.
|
Ông Trần Đình Trung cho biết, để làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trên địa bàn, cấp ủy, chính quyền huyện Kon Rẫy đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể của huyện và các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa, đặc biệt là việc duy trì các lễ hội truyền thống.
Nguyên Hà