Hội thảo khoa học “Thông qua hồ sơ Di tích lịch sử Điểm cao 875 và Chiến dịch Đăk Tô năm 1967”
Ngày 26/11, tại Bảo tàng - Thư viện tỉnh, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo khoa học “Thông qua hồ sơ Di tích lịch sử Điểm cao 875 và Chiến dịch Đăk Tô năm 1967”.
|
Trận đánh ở Điểm cao 875 là trận đánh then chốt kết thúc thắng lợi Chiến dịch Đăk Tô năm 1967. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong nghệ thuật đánh trận của ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hoàn chỉnh hình thức chiến thuật vận động tiến công kết hợp chốt, khẳng định vai trò của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng và Tây Nguyên nói chung.
Vị trí Điểm cao 875 thuộc địa phận thôn Đăk Vang, xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Phần lớn diện tích khu vực Điểm cao 875 hiện nay được người dân trồng điều và mì. Qua khảo sát, hiện còn nhiều hầm trú ẩn, hố bom, hầm chiến đấu cá nhân, hệ thống giao thông hào... ở trên đỉnh và xung quanh triền đồi Điểm cao 875. Trải qua thời gian 54 năm, hiện tại trong quần thể của khu di tích lịch sử Điểm cao 875 không còn hiện vật nào cũng như các công trình xây dựng khác tồn tại, hầu hết đã trở thành phế tích, chỉ còn là địa điểm ghi dấu sự kiện lịch sử.
|
|
Trước thực trạng trên, Hội thảo “Thông qua Hồ sơ Di tích lịch sử Điểm cao 875 và Chiến dịch Đăk Tô năm 1967” là dịp để các đại biểu là nhân chứng lịch sử và các nhà quản lý văn hóa trong tỉnh làm rõ vai trò, vị trí và ý nghĩa lịch sử của Điểm cao 875 và Chiến dịch Đăk Tô năm 1967 tại xã Sa Loong, huyện Ngọc Hồi. Trên cơ sở đó, sẽ hoàn thiện hồ sơ khoa học trình UBND tỉnh ra Quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Di tích lịch sử Điểm cao 875 và Chiến dịch Đăk Tô năm 1967.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lên phương án bảo vệ di tích gốc cho một số vị trí của di tích Điểm cao 875 và các cụm điểm cao trong Chiến dịch Đăk Tô năm 1976 (được thể hiện trong biên bản khoanh vùng khu vực bảo vệ di tích và sơ đồ vị trí di tích); giải quyết, đền bù phần diện tích đất của người dân trồng mì, điều để lấy lại diện tích đất cho di tích; phối hợp với các ngành chức năng liên quan để tổ chức khảo sát, khai quật, khôi phục lại hệ thống hầm hào, hầm ngầm (nếu có); thành lập Tổ quản lý di tích Điểm cao 875 tại địa phương; sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh thì tiếp tục xây dựng hồ sơ để đề nghị các cấp có thẩm quyền xét duyệt đưa vào hệ thống di tích cấp quốc gia.
Tất Thành