Hòa vọng lời ca, khúc nhạc dân gian
Nhờ Nghệ nhân ưu tú Y Khar góp sức mà ngôi làng nhỏ Kon Klốc (xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) duy trì được âm vang của cồng chiêng, điệu xoang, cùng tiếng tơ rưng, ting ning và những khúc dân ca cùng hòa vọng, lan tỏa đến mọi người.
“Mẹ ơi, cho con đi cùng anh ấy/Con muốn cùng anh ấy đuổi con khỉ/Mẹ ơi cho con đi với anh ấy/Con muốn cùng anh ấy đi săn bắn, bảo vệ nương rẫy, hoa màu của gia đình khỏi bị heo rừng phá…”.
Đó là lời dịch một khúc dân ca Tơ Đrá (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng) quen thuộc của người làng Kon Klốc. Lời ca, điệu nhạc đã ngấm trong lòng tự bao giờ để mỗi khi cất lên, chị Y Khar vẫn lâng lâng xao xuyến. Dân ca, ấy chính là một phần nét đẹp góp phần làm nên “thương hiệu” của Nghệ nhân ưu tú đầu tiên của làng Kon Klốc được vinh danh.
Chị Y Khar (sinh năm 1964) ở vùng Kon Klốc, trước thuộc xã Đăk Psi (huyện Đăk Tô), nay là xã Đăk Mar (huyện Đăk Hà). Chiến tranh lưu lạc, năm 1970, cô bé Y Khar theo cha mẹ sang sống ở vùng ven Ban Mê Thuột, nay thuộc tỉnh Đăk Lăk.
Cha đẻ là nghệ nhân nổi tiếng khắp vùng, nên từ bé, Y Khar đã được sống trong lời ca, tiếng nhạc. Y Khar cũng đã bộc lộ chất giọng thanh trong, đôi tay dẻo, nhịp chân khéo... Tuy vậy, người có công phát hiện, bồi dưỡng khiếu văn nghệ của cô học trò nhỏ Y Khar chính là Nghệ nhân ưu tú A Đủ - nhạc sĩ, nguyên Phó trưởng đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, tháng 5/1975, cô bé Y Khar là học sinh Trường Tiểu học Chư Kti (Ban Mê Thuột). Nhờ sự chỉ bảo, hướng dẫn tập luyện của thầy giáo A Đủ, Y Khar đã góp phần làm nên thành công vang dội của chương trình văn nghệ đậm đà bản sắc dân tộc, lần đầu tiên được liên đội của trường tổ chức mừng đất nước thống nhất. Cái duyên mộc mạc của cô bé mang hai dòng máu Xơ Đăng và Ba Na từ đó luôn được khuyến khích thể hiện trong trường học.
Tháng 7/1979, gia đình rời Đăk Lăk, trở về làng cũ Kon Klốc sinh sống. Tuy nhiên, do địa phương chưa có trường cấp 2, cha mẹ mới chân ướt chân ráo về lại quê cũ, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên cô bé từng là cán bộ liên đội dày dạn kinh nghiệm đành ngậm ngùi gác lại ước mơ sách vở. Và rồi, cái duyên tình cờ cũng đã đưa Y Khar đến Đoàn nghệ thuật Đam San của tỉnh Gia Lai- Kon Tum (cũ). Sau 5 năm gắn bó cùng anh chị em trong vai trò diễn viên, Y Khar về lại địa phương, lập gia đình riêng.
Ngày ấy, Kon Klốc vẫn là khu dân cư ở nơi xa xôi, hẻo lánh; cuộc sống khó nghèo, thiếu thốn. Năm 1998, cả làng còn không giữ nổi một bộ cồng chiêng vốn được coi là hồn thiêng quý giá. Cũng vì nhọc nhằn mưu sinh, nên có những thời điểm, người làng lãng quên cả tiếng nhạc lời ca truyền thống của ông bà để lại. Cô gái Y Khar một thời hát hay múa đẹp có lẽ cũng thế, nếu không được tiếp lửa từ chính người cha thân yêu động viên, thôi thúc.
Còn nhớ, trước khi bất ngờ từ giã cõi đời, cha đã gọi Y Khar đến và bảo, cồng chiêng làng mình không còn, sau này con cố gắng làm sao tìm lại, cho tiếng núi rừng ngân lại như xưa. Thời gian sau, cha mất, chị một mình lặng lẽ bắt tay vào công việc tìm kiếm, sưu tầm, tập luyện cồng chiêng, múa xoang và dân ca. Những kiến thức cơ bản bổ ích mà cha truyền lại được chị tìm hiểu, hệ thống lại và trao đổi, học hỏi một cách cụ thể, kỹ càng hơn từ già Pôm - nghệ nhân cao tuổi vừa am hiểu cồng chiêng, vừa giỏi chế tác nhạc cụ dân tộc và cô ruột Y Puh - người giỏi dân ca của làng.
Từ chủ yếu biết múa xoang và hát dân ca, Y Khar đã tập luyện và thành thạo đánh cồng chiêng, chế tác và sử dụng đàn tơ rưng. Tất cả “thế mạnh” này giúp chị có thể tổ chức tập luyện hiệu quả và sắp xếp, dàn dựng, biểu diễn thành công các chương trình văn nghệ dân gian.
Chịu khó học hỏi từ hai nghệ nhân lão làng, cộng với “vốn liếng” có sẵn, Y Kha nhanh chóng trưởng thành, khẳng định vai trò là “đầu tàu” gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong cộng đồng. Riêng dân ca Tơ Đrá, đã có hơn 10 bài được chị sưu tầm, biểu diễn và truyền dạy, tập luyện cho thanh thiếu niên trong làng.
|
Phong trào bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc từng bước đi vào cuộc sống đã đưa Kon Klốc từ chỗ không còn lấy một bộ cồng chiêng trở thành điểm sáng giữ gìn bản sắc dân tộc. Các lớp nghệ nhân thuộc nhiều lứa tuổi khác nhau từng bước được hình thành. Theo đó, các lễ hội truyền thống như mừng lúa mới, sửa máng nước, mừng nhà rông mới, mừng năm mới... của làng dần được khôi phục. Không chỉ tham gia các sự kiện văn hóa của huyện, đội cồng chiêng các lứa tuổi của Kon Klốc còn được chọn tham gia các sự kiện văn hóa trong và ngoài tỉnh.
Trong đợt Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú vào tháng 3 năm nay, dân làng phấn khởi đón nhận tin vui có thêm 3 nghệ nhân ưu tú vinh dự được công nhận là nghệ nhân A Veng, A Lang và A Huy. Trong đó, nghệ nhân trẻ A Huy nhờ chính Nghệ nhân ưu tú Y Khar tận tình dìu dắt, hướng dẫn, tạo nguồn kế cận. Đóng góp của chị trong quá trình gìn giữ và phát huy di sản văn hóa, giá trị truyền thống luôn được ghi nhận với tất cả niềm trân trọng và tự hào là vốn quý của đồng bào Xơ Đăng nhánh Tơ Đrá.
NGHĨA HÀ