Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa
Bằng sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành có liên quan, công tác giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở huyện Đăk Hà trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Trong những chuyến đi công tác về các làng, tôi gặp những nghệ nhân am tường nhiều loại nhạc cụ truyền thống, thuộc các làn điệu dân ca, sống hết mình với nghệ thuật, với văn hóa truyền thống. Không kể người thành danh như nghệ sĩ A Đủ (xã Đăk La), nguyên Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh với nhiều ca khúc nổi tiếng như “Mùa xuân về”, “Hãy đợi anh”, “Hát gọi đêm trăng”, “Mưa nắng gió quê em”…; các nghệ nhân khác như A Thăk (Đăk Long), A Hải, A Plung (xã Đăk Pxi), A Nian (Ngok Réo), Y Khar (Đăk Mar), A Thui (thị trấn Đăk Hà)… cũng thuộc nhiều làn điệu dân ca, giỏi cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình.
Nặng lòng với những giá trị văn hóa truyền thống, A Thăk (dân tộc Ba Na, làng Ba Cheng, xã Đăk Long) tâm sự: Các giá trị văn hóa như nhà rông, cồng chiêng, đàn t’rưng, ting ning, k’lông pút, dân ca… là hồn cốt của dân tộc. Việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa là giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, của cộng đồng. Đam mê với các giá trị văn hóa truyền thống, mình truyền dạy để dân làng không quên cội nguồn, tiếp tục giữ gìn, truyền lại cho đời sau.
Qua nghe tiếng đàn t’rưng, ting ning do ông A Thăk diễn tấu, người nghe như về với cội nguồn; như thấy được tiếng lòng, ước vọng cao đẹp của người dân nơi đây.
|
Các nghệ sĩ, nghệ nhân hay những người am hiểu văn hóa truyền thống ở địa phương thường không được học nhiều, ít người có điều kiện nghiên cứu sâu mà phần lớn từ niềm đam mê. Chưa bao giờ học một nốt nhạc nào, nhưng A Plung (dân tộc Xơ Đăng, thôn Kon Pao Kơ La, xã Đăk Pxi) rành rõi các giai điệu cồng chiêng, t’rưng, k’lrông pút và có thể chơi 100 điệu ting ning. Khi nghe A Plung gảy đàn ting ning, tôi như nghe thấy dân làng đang vào hội, đang đánh cồng chiêng mời Giàng mừng nhà rông mới, mừng giọt nước...
Theo ông Trần Anh Dũng – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện Đăk Hà, nhận thức rõ vị trí, vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy di sản văn hóa dân tộc, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chỉ đạo tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là người DTTS ở địa phương giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa như khôi phục nhà rông truyền thống, cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, dân ca, hát kể sử thi, lễ hội, nghề truyền thống…
Qua đánh giá, trong giai đoạn 2018 – 2021, về nhà rông truyền thống, bên cạnh sự quan tâm đầu tư hỗ trợ của UBND huyện, các xã, thị trấn vận động nhân dân đóng góp công xây dựng gần 60 nhà rông truyền thống ở các thôn, làng đồng bào DTTS; huyện trao tặng hơn 10 bộ cồng chiêng (kể cả 1 bộ cồng chiêng do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng) cho các thôn; mở nhiều lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng cho thanh, thiếu niên và nhi đồng. Thông qua các ngày hội văn hóa, thể thao, liên hoan cồng chiêng, các hoạt động biểu diễn nhạc cụ truyền thống, trang phục truyền thống, hát dân ca, các môn thể thao bắn nỏ, đẩy gậy…, các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS ở địa phương được bảo tồn và phát huy.
Đồng thời, thông qua công tác vận động, tuyên truyền, khôi phục văn hóa, các lễ hội như mừng giọt nước, năm mới, nhà rông mới… ở các làng tiếp tục được duy trì. Trên địa bàn huyện, hiện có 78 nghệ nhân biết chế tác và sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống; 22 nghệ nhân biết hát kể sử thi. Phòng Văn hóa – Thông tin huyện (nay là Trung tâm Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Truyền thông huyện) phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phục dựng, ghi chép hình ảnh 20 lượt lễ hội của người Ba Na (nhóm Rơ Ngao) và người Xơ Đăng (nhóm Tơ Đra). Các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, rèn, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng… ở địa phương được nhiều người dân các làng giữ gìn và phát huy.
Có thể nói, việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào DTTS trên địa bàn huyện trong thời gian qua có những chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào việc xây dựng cuộc sống mới ở địa phương.
Tuy nhiên, những người am tường và các nghệ nhân đồng bào DTTS có những đóng góp trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống ngày càng lớn tuổi và ít đi; một số giá trị nghệ thuật không được ghi chép, truyền dạy (hát kể sử thi, hát dân ca) cho thế hệ trẻ… đang là vấn đề đặt ra.
Việc “Xây dựng văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm cho sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Đại hội XII của Đảng từng khẳng định vẫn còn nguyên giá trị, đòi hỏi các cấp ủy, chính quyền địa phương ở huyện tiếp tục quan tâm và có các giải pháp giữ gìn và phát huy trong thời gian đến.
Văn Nhiên