Giữ đà tăng tốc cho du lịch
Những gì diễn ra trong thời gian qua cho thấy, du lịch tỉnh ta không chỉ phục hồi mạnh mẽ mà đã có bước tăng tốc ấn tượng. Vấn đề đặt ra là cần làm gì để giữ đà tăng tốc một cách bền vững?
Trên nhiều diễn đàn du lịch, Kon Tum được đánh giá là một trong những địa phương có nguồn tài nguyên du lịch tự nhiên khá phong phú, hấp dẫn, với các loại hình có thể khai thác như du lịch tham quan, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái.
Bên cạnh đó là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn phong phú, đa dạng không kém, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể truyền thống đặc sắc, hấp dẫn.
Trải qua thời gian dài “ảm đạm” vì đại dịch Covid- 19, từ tháng 3/2022, ngành Du lịch tỉnh bắt tay vào hành trình phục hồi. Trọng tâm là xác định đúng tiềm năng và sức hút riêng có; khai thác thế mạnh truyền thông; đổi mới trong tạo dựng sản phẩm và cải thiện chất lượng dịch vụ.
|
Việc chủ động đi trước và xác định đúng hướng đi đã đem lại thành công cho ngành Du lịch tỉnh ngay giai đoạn phục hồi, với khoảng 1.100.000 lượt khách du lịch vào tỉnh, đạt 122,22% kế hoạch, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Tổng doanh thu từ du lịch ước đạt 265 tỷ đồng, vượt 6% kế hoạch và tăng hơn 3 lần so với năm 2021.
Đó là bằng chứng cho thấy, nhờ nắm bắt cơ hội chuẩn xác và khai thác hiệu quả lợi thế vốn có, ngành “công nghiệp xanh” của Kon Tum đã nhanh chóng phục hồi sau “cú đánh” của dịch Covid-19.
Các chuyên gia đánh giá, nếu như năm 2022, ngành Du lịch ở trong giai đoạn phục hồi, thì những gì diễn ra trong 9 tháng đầu năm 2023 cho thấy, du lịch tỉnh ta đã bước vào giai đoạn tăng tốc mạnh mẽ, đầy ấn tượng.
Báo cáo của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch thể hiện, trong 9 tháng có khoảng 1.162.450 lượt du khách vào tỉnh, đạt 89,42% kế hoạch và tăng 20,21% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu đạt khoảng 479 tỷ đồng, đạt 149,53% kế hoạch và tăng 86,91% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, không hề chủ quan khi cho rằng, việc hoàn thành mục tiêu đón 1,3 triệu lượt khách du lịch trong năm nay là hoàn toàn khả thi.
|
Phải khẳng định rằng, có được thành công trên là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, với giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho du lịch phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó là sự chủ động, vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương, sự đồng hành, sát cánh của doanh nghiệp.
Nhằm thúc đẩy tăng tốc, quyết liệt hành động để tạo ra đột phá trong phát triển du lịch theo hướng trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, bền vững, ngày 9/10, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 3412/KH-UBND về đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch.
Kế hoạch đề ra mục tiêu đến năm 2025, thu hút 2,5 triệu lượt khách du lịch; số ngày lưu trú trung bình của khách du lịch tại tỉnh từ 2 ngày trở lên. Tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 10% GRDP của tỉnh.
Đến năm 2030 phấn đấu đón trên 3,5 triệu lượt khách du lịch; tỷ trọng gia tăng các ngành dịch vụ du lịch chiếm khoảng 15% GRDP của tỉnh.
Không chỉ cho thấy sự quan tâm, đồng hành một cách trách nhiệm, quyết liệt của tỉnh đối với phát triển du lịch, Kế hoạch số 3412/KH-UBND còn được đánh giá là bước đi quan trọng để triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 18/5/2022 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch tỉnh Kon Tum đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Những dự báo về tương lai của ngành Du lịch, cả trong ngắn hạn và dài hạn, đều đưa ra những kết quả rất tích cực.
Tuy nhiên, trong đó, vẫn có những khuyến cáo về một số vấn đề ngành Du lịch phải đối mặt và phải tìm được cách giải quyết hiệu quả.
Bao gồm hành lang pháp lý cho thu hút đầu tư, phát triển du lịch vẫn còn những rào cản; sản phẩm du lịch còn thiếu sự đa dạng, chưa thật sự đặc trưng, độc đáo, chưa phát huy tốt giá trị tài nguyên thiên nhiên và nhân văn vốn có. Tình trạng “đèn nhà ai nhà nấy rạng” chưa được khắc phục.
Các dịch vụ như lưu trú, thương mại vận tải chưa tạo thành hệ sinh thái kinh tế kết nối, chia sẻ. Hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch còn hạn chế, thiếu trọng tâm, trọng điểm. Chuyển đổi số trong du lịch chưa theo kịp đối với yêu cầu phát triển của ngành; thiếu nguồn nhân lực được đào tạo, có chất lượng cao.
Chính những người làm du lịch cũng nhận thức được rằng, cơ hội đang ở phía trước. Vấn đề đặt ra là cần tận dụng cơ hội này như thế nào để thật sự mang lại hiệu quả.
Đó là cả một quá trình, cần sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm và quyết tâm của chính quyền, ngành chức năng, doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, chính quyền và ngành chức năng cần đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm; tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh du lịch.
Về phía doanh nghiệp và người dân làm du lịch, cần chú trọng phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Thúc đẩy chuyển đổi số, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch.
Đẩy mạnh liên kết trong du lịch để tạo ra những sản phẩm du lịch đặc sắc, giá cả cạnh tranh. Thay đổi cách thức quản lý chuyên nghiệp, sâu sát hơn, nhất là khi ở một số nơi thường xuyên xảy ra tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường, nhiều rác thải.
Bên cạnh đó, cần tập trung đầu tư phát triển kinh tế đêm và có chiến lược định vị thương hiệu du lịch Kon Tum theo hướng hấp dẫn, độc đáo, mới mẻ hơn.
Hồng Lam