Gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên
Một trong những giá trị văn hóa quý báu của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói riêng và đồng bào DTTS ở Tây Nguyên nói chung là không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại). Vinh dự và tự hào với giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, các cấp, các ngành và đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh cũng như vùng Tây Nguyên suốt nhiều năm qua đã không ngừng nỗ lực gìn giữ, phát huy.
1.Có dịp được thưởng thức đội cồng chiêng, đội múa xoang của làng Đăk Wơk, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy trình diễn ngay tại không gian nhà rông của làng, tôi như cảm nhận được niềm say mê, niềm tự hào và nỗ lực gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống từ các nghệ nhân “chân đất” lan tỏa. Sở dĩ gọi là nghệ nhân “chân đất” vì tất cả các thành viên trong đội đều là nông dân. Hằng ngày (trừ những ngày trong làng có lễ hội) họ đều lên rẫy làm lúa, làm mì từ sớm đến chiều tối mới về. Thế nhưng, như mạch nguồn sự sống nối liền giữa quá khứ, hiện tại với tương lai, mỗi thành viên trong đội đã trở thành những nghệ sĩ tài hoa, đưa những nhịp cồng chiêng đi trình diễn gần 20 nước trên thế giới.
Được thành lập từ năm 1995, đội cồng chiêng làng Đăk Wơk đã tập hợp những con người có chung niềm đam mê lại với nhau đến nay đã gần 20 năm. Ban ngày ruộng rẫy, tối về những đôi tay cầm cuốc, cầm xẻng ấy lại dẻo dai, điêu luyện, thả hồn vào từng nhịp chiêng trầm hùng.
|
Và trong lần đến thăm làng Đăk Wơk, chúng tôi may mắn được thưởng thức âm vang cồng chiêng và điệu xoang dặt dìu bài “Rủ nhau đi hái rau rừng”. Trong nhịp cồng chiêng âm vang, điệu xoang dặt dìu, bản nhạc tấu cồng chiêng đậm đà văn hóa dân tộc, không gian văn hóa nhà rông của làng, những người dân của làng trong không gian ấy phút chốc trở thành người nhệ sĩ…, tất cả yếu tố kết hợp đã tạo nên dấu ấn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên mà những ai đã có dịp thưởng thức đều khó quên.
Không chỉ ở làng Đăk Wơk, vào mùa lễ hội, nếu có dịp về các thôn làng trên địa bàn tỉnh, tiếng cồng chiêng luôn ngân vang như dặt dìu mời gọi. Mỗi lần vậy tôi càng cảm nhận rõ giá trị, ý nghĩa văn hóa, đặc trưng, tính cộng đồng của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Những giá trị đó không chỉ có ý nghĩa to lớn trong việc kết nối cộng đồng, làm phong phú thêm đời sống tinh thần mà còn góp phần tích cực trong phát triển kinh tế-xã hội ở vùng đồng bào DTTS, tạo nên tổng thể văn hóa thống nhất, đa dạng của nền văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
2.Là một bộ phận quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa của đồng bào DTTS Tây Nguyên, không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên bao gồm các bộ phận cấu thành như: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, những lễ hội có sử dụng cồng chiêng, những địa điểm tổ chức các lê hội đó. Tất cả cùng hòa quyện, chung nhịp điệu, âm hưởng của núi rừng Tây Nguyên, chung tấm lòng chân tình, chất phác của người Tây Nguyên mà rộn rã, vang xa.
|
Cũng như các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, thời gian qua, tỉnh ta đã có nhiều chủ trương, giải pháp và triển khai nhiều hoạt động nhằm bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Ở các thôn, làng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với cuộc sống quần cư và nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc còn lưu giữ trên 23 lễ hội truyền thống của các thành phần tại chỗ trên cơ sở nguyên gốc, nguyên bản do già làng và đồng bào tự thực hiện để vừa khôi phục lại môi trường văn hoá dân gian truyền thống vừa phát huy được giá trị các di sản phi vật thể; phục dựng nhà rông truyền thống; thành lập mới các đội cồng chiêng, xoang. Các cấp, các ngành phối hợp mở các lớp truyền dạy cồng chiêng; trao tặng các bộ cồng chiêng cho các thôn làng chưa có cồng chiêng. Ngành Giáo dục đưa các giá trị văn hóa các DTTS trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là văn hóa cồng chiêng vào tài liệu bộ môn Giáo dục địa phương để giảng dạy cho học sinh. Ngành Văn hóa, ngành Giáo dục, các địa phương tổ chức liên hoan cồng chiêng thu hút đông đảo người dân, học sinh tham gia, góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện, biểu diễn và nâng cao ý thức, nhận thức bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa.
Với nhiều nỗ lực, đến nay, đã có 2.500 bộ cồng chiêng được các DTTS trên địa bàn tỉnh lưu giữ; nhiều bài chiêng cổ được ký âm, lưu giữ trọn vẹn; thành lập được 379 đội cồng chiêng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh giao lưu văn hóa đang diễn ra sâu rộng trên mọi mặt của đời sống đồng bào DTTS, vấn đề bảo tổn và phát huy các giá trị văn hóa của các đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh nói chung và không gian văn hóa cồng chiêng nói riêng có những thách thức. Tình trạng chảy máu cồng chiêng dẫn đến suy giảm về số lượng. Trong khi lớp người già ở các thôn làng hiểu biết văn hóa cồng chiêng ít dần đi thì lớp trẻ lại thiếu đam mê học hỏi, chưa đủ sức kế tục gìn giữ, phát huy.
Quan tâm bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên chính là quan tâm bảo tồn, phát huy đồng bộ các bộ phận cấu thành. Trong bối cảnh giao lưu văn hóa diễn ra sâu rộng như hiện nay, để làm được điều này rất cần được các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp triển khai hiệu quả.
Nguyên Phúc