Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên: Ấn tượng Kon Tum
Tham dự Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai năm 2018, Đoàn nghệ nhân Kon Tum có 34 người. Với nhiều hoạt động sôi nổi cùng cộng đồng các dân tộc anh em Tây Nguyên, trong 3 ngày (30/11-2/12), các nghệ nhân Kon Tum đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè và du khách.
Tại lễ hội đường phố diễn ra chiều 30/11, mỗi đoàn nghệ nhân đã mang những nét đẹp văn hóa đặc sắc, thể hiện rõ nét về đời sống sinh hoạt của dân tộc mình. Nghệ nhân các đoàn mặc trang phục truyền thống, vừa diễu hành, trình diễn nhạc cụ và đi cà kheo, vừa diễn tấu cồng chiêng vừa nhảy điệu múa xoang trên đường khiến các du khách và người dân không thể rời mắt.
|
“Đây là lần đầu tiên tôi được chứng kiến một lễ hội đường phố với đa sắc màu văn hóa như thế này; đặc biệt là màn diễn tấu cồng chiêng với những phục trang lạ mắt của Đoàn nghệ nhân Kon Tum. Điều ấn tượng nhất trong tôi là các bài cồng chiêng mang âm hưởng của đại ngàn sâu thẳm, trong đó có tiếng chim hót líu rít, tiếng nước suối chảy rí rách, những điệu múa xoang của các cô gái Ba Na vừa uyển chuyển, vừa mềm dẻo theo tiếng vọng của núi rừng…” - bà Nguyễn Thị Mỹ Dung (quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh) hào hứng bày tỏ.
Lễ khai mạc Festival Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra vào tối 30/11 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết với sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo nhiều bộ ngành Trung ương và lãnh đạo các tỉnh khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Lễ khai mạc thu hút hàng nghìn người tham dự với nhiều chương trình nghệ thuật dân gian đặc sắc; từ trình tấu cồng chiêng, các màn ca vũ thể hiện đậm nét “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”; thể hiện sự đổi mới, hội nhập và phát triển của vùng đất Tây Nguyên…
Trong ngày 1/12, Đoàn nghệ nhân Kon Tum tham gia 3 sự kiện ở 2 địa điểm khác nhau. Nghệ nhân A Biu, 60 tuổi, dân tộc Ba Na (làng Plei Klĕch, xã Ngọc Bay, thành phố Kon Tum) trình diễn kỹ thuật chỉnh cồng chiêng; các nghệ nhân A Hùng, A Bắc, A Huynh, A Vên, A Eek, A Goang trình diễn nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian tại Bảo tàng Hồ Chí Minh – Chi nhánh tỉnh Gia Lai; Đội nghệ nhân dân tộc Ba Na (nhánh Rơ Ngao) làng Đăk Wơk (xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy) tái hiện Lễ cầu an của người Ba Na tại Công viên Đồng Xanh (thành phố Pleiku).
Gần 1 giờ chứng kiến các nghệ nhân làng Đăk Wơk tái hiện Lễ cầu an của người Ba Na, anh Trần Trung Dũng (phường Diên Hồng, thành phố Pleiku) chia sẻ: Nghi lễ này rất ấn tượng và có ý nghĩa rất đặc biệt. Bởi vì, cũng như người Kinh và các dân tộc anh em khác, con người luôn kính trọng, tôn sùng một đấng tối cao độ trì, phù hộ cho họ, người thân trong gia đình, cộng đồng luôn mạnh khỏe, ít bệnh tật, làm ăn giàu có, mùa màng bội thu, có cuộc sống sung túc…
Nói về ý nghĩa của nghi lễ cầu an, ông A Thút – Nghệ nhân Ưu tú, Đội trưởng Đội nghệ nhân làng Đăk Wơk cho biết: Lễ hội cầu an theo tiếng Ba Na – Rơ Ngao gọi là puh hơ drĭ. Ở đây từ puh nghĩa là xua đuổi, hơ drĭ mang ý nghĩa là mọi tà ma, dịch bệnh, sự dơ bẩn, cầu mong bình an… Puh hơ drĭ là xua đuổi mọi tà ma, dịch bệnh, điều xấu ra khỏi dân làng để cầu mong cho dân làng quanh năm được khỏe mạnh, ấm no, đoàn kết một lòng…
Theo ông A Thút, Lễ cầu an là lễ hội truyền thống có từ ngàn đời xưa ở cộng đồng làng người Ba Na – Rơ Ngao. Đây là lễ hội mang tính cộng đồng sâu sắc và là một trong những lễ hội đặc sắc của người Ba Na – Rơ Ngao liên quan đến cộng đồng làng. Lễ hội cầu an được tổ chức sau khi dân làng đã thu hoạch hết mùa màng trên rẫy. Tùy vào điều kiện kinh tế của dân làng mà cúng cho Yàng những lễ vật hiến sinh cho phù hợp, có thể là con trâu hay con bò, heo, dê, gà.
Trong thời gian chuẩn bị trước khi tổ chức lễ cầu an, dân làng tiến hành phát dọn đường đi sạch sẽ, sửa sang nhà rông, bến nước, dọn vệ sinh sạch sẽ trong thôn làng, đóng góp của cải vật chất để sắm vật hiến sinh cúng Yàng; chế tác các đạo cụ như mặt nạ người và trang phục con thú dữ, hình nộm của con chim phượng hoàng…
Trong ngày lễ chính thức, già làng lựa chọn những nam thanh nữ tú, hiền lành nhất để đảm trách những công việc chính khi làm lễ, như: một chàng trai khỏe mạnh mặc trang phục lông thú, đeo mặt nạ người và cầm giáo; một chàng trai khác khoác tấm chăn lên người, đầu đội hình nộm chim phượng hoàng; hai cô gái có nhiệm vụ cầm lá cây đót…
Sau khi già làng làm lễ xong, dân làng bắt đầu hòa nhập vào không khí phần hội uống rượu mừng. Những tiếng hò reo, mời mọc, chúc tụng nhau cùng với những điệu múa xoang uyển chuyển của các cô gái Ba Na – Rơ Ngao hòa quyện với nhịp cồng chiêng hào hùng của các chàng trai càng tăng thêm sự nhộn nhịp, sôi động của lễ hội. Phần hội vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi sức tàn rượu nhạt, ai nấy đều về nghỉ ngơi để sẵn sàng đón nhận một ngày mới tốt đẹp.
|
Tiếp nối các chương trình hoạt động, tối 1/12 tại Quảng trường Đại Đoàn Kết, Đoàn nghệ nhân Kon Tum cùng với hơn 500 nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên đã mang đến người xem những sắc màu văn hóa đặc sắc về văn nghệ, nghệ thuật dân gian đặc trưng riêng của dân tộc mình, gắn với cuộc sống hàng ngày như các tiết mục hát dân ca của người Gia Rai, diễn xướng sử thi của người Ba Na (tỉnh Gia Lai); diễn tấu cồng chiêng, hát ru, múa dân gian của đoàn nghệ nhân Kon Tum; múa Lơgar Tap Tung (Đại đoàn kết), Dăm Dra Tơnia Gơu (trai gái hỏi nhau) của đoàn nghệ nhân Lâm Đồng…
Các tiết mục văn nghệ dân gian được biểu diễn trên nền những nhạc cụ gắn liền với đời sống của cộng đồng các cư dân Tây Nguyên như cồng chiêng, đàn t’rưng,… mang đến cho du khách sự gần gũi, thân thiện, mến khách của đồng bào các dân tộc thiểu số khu vực Tây Nguyên.
Có thể nói, tại Festival văn hóa cồng chiêng lần này, Đoàn nghệ nhân Kon Tum đã đóng góp một phần không nhỏ cho sự thành công của Liên hoan. Nhiều người dân địa phương và du khách đều có những nhận xét khá ấn tượng về bản sắc văn hóa dân tộc mà đoàn nghệ nhân Kon Tum thể hiện.
Quang Định