Đưa tượng gỗ dân gian đến gần với cộng đồng
Người Ba Na ở thành phố Kon Tum xưa quan niệm rằng, tượng gỗ phải gắn liền với nhà mồ. Tuy nhiên, trong cuộc sống hiện đại, sự độc đáo từ nghệ thuật điêu khắc tượng gỗ dân gian không chỉ coi là biểu tượng tâm linh, mà còn dùng tượng vào việc trưng bày, trang trí tại các quán cà phê, khu du lịch, làng du lịch.
Trước kia để tận mắt chiêm ngưỡng những tinh hoa của tượng gỗ dân gian du khách phải đến tận các thôn, làng vùng đồng bào DTTS. Ngày nay, do ảnh hưởng của nhiều yếu tố hiện đại, vượt ra phạm vi thôn làng, tượng gỗ ngày càng được sưu tập, trưng bày, được trang trí trong các không gian mở để du khách dễ dàng tiếp cận với loại hình giá trị truyền thống độc đáo này.
|
Có thể kể đến quán cà phê Adam và Eva ở đường Phan Chu Trinh, phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) với gần 20 bức tượng gỗ dân gian của dân tộc Ba Na được trưng bày trong khuôn viên quán. Theo ông Võ Văn Giáp - chủ quán cà phê Adam và Eva, năm 2009, ông đã thiết kế quán cà phê mang đậm nét văn hóa Tây Nguyên, trong đó, tượng gỗ của người Ba Na được ông trưng bày nhiều nhất. Đặc biệt, các tượng gỗ được lấy từ các nghệ nhân tạc tượng làng Kon Klor (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) nên sản phẩm tượng có tính thẩm mỹ cao, thể hiện sự khéo léo, sáng tạo của nghệ nhân. Các nghệ nhân đã biến những khúc gỗ thành tượng, với rất nhiều cung bậc cảm xúc, sắc thái từ sự sâu thẳm của chia ly, nuối tiếc, sự đăm chiêu, trầm mặc với thời gian, đến hỉ nộ ái ố trong cuộc sống.
“Tôi mang tượng gỗ dân gian của người Ba Na ra cộng đồng nhằm mục đích quảng bá, giới thiệu văn hóa dân tộc. Điều đáng mừng, du khách đến đây ai cũng thích thú với những bức tượng gỗ mộc mạc này, nhiều người ngỏ ý mua tượng để đưa về làm kỷ niệm”- ông Giáp chia sẻ.
|
Tương tự, nhiều bức tượng gỗ cũng được trưng bày và trang trí tại Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum). Điển hình như homestay Juna’s của chị Y Bơm trưng bày nhiều bức tượng gỗ dân gian. Chị Y Bơm cho hay rất nhiều du khách đến tham quan tỏ vẻ yêu thích, bởi tượng gỗ dân gian có những điều đặc biệt mang tính tâm linh, càng tìm hiểu càng thú vị.
“Bây giờ lễ bỏ mả người ta cũng không còn làm nhiều, hoặc có làm cũng không làm lớn như ngày xưa và người tạc tượng cũng ngày càng ít đi. Nếu không quảng bá rộng rãi cho nhiều người biết đến, e rằng nét văn hóa độc đáo này sẽ mất đi”- chị Y Bơm cho biết thêm.
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều yếu tố hiện đại ảnh hưởng và tác động đến ý nghĩa của tượng khiến việc sáng tạo cũng biến đổi theo. Bên cạnh những giá trị truyền thống thì chức năng “làm đẹp, làm vui” xuất hiện ngày càng nhiều và được cộng đồng chấp nhận. Tượng gỗ ngày càng được nhiều cá nhân sưu tập, trưng bày, được trang trí trong các khu vui chơi, giải trí công cộng; thậm chí được sưu tầm, buôn bán như tài sản với những tượng có thời gian tồn tại lâu năm. Thay vì chỉ gợi hình sơ lược như trước kia, các nghệ nhân đã đi vào đặc tả. Ngày nay, nghệ nhân có thể làm hàng loạt tượng gỗ để bán khi có cá nhân, đơn vị đặt hàng.
Với mong muốn giữ gìn, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc để làm du lịch, ông A Hùng ở làng Kon K’tu, xã Đăk Rơ Wa (thành phố Kon Tum) đã tạc tượng cho nhiều khu du lịch, làng du lịch cộng đồng, quán cà phê tại thành phố Kon Tum để phục vụ phát triển du lịch. Đặc biệt, ông A Hùng đang nhiệt tình chỉ dạy cho nhiều bạn trẻ trong gia đình, thanh niên trong làng những kỹ thuật cơ bản tạc tượng.
Ông A Hùng cho hay: Tạc tượng không chỉ giúp tôi có thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình, mà còn góp phần quan trọng trong việc phát triển du lịch trên địa bàn thành phố Kon Tum. Nhiều du khách đến Làng du lịch cộng đồng Kon K’tu rất thích thú tìm hiểu về ý nghĩa của tượng gỗ dân gian. Thậm chí, nhiều người còn đặt nghệ tạc tượng để mang về trang trí, trưng bày trong nhà và sân vườn.
Có thể thấy những nghệ nhân tạc tượng vẫn đang miệt mài truyền nghề cho người trẻ, lớp trước nối lớp sau giữ nghề tạc tượng gỗ. Tin chắc rằng với những nỗ lực tự thân và sự hỗ trợ từ nhiều phía, tượng gỗ dân gian của người Ba Na ngày càng đến gần với cộng đồng, vượt ra phạm vi thôn, làng để du khách biết đến. Qua đó, tượng gỗ dân gian sẽ trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo hấp dẫn du khách, đồng thời giúp nghệ nhân có thêm việc làm, gìn giữ nghề truyền thống, góp phần nâng tầm giá trị di sản văn hóa địa phương.
Nay Săt