Độc đáo k’ni
Giỏi cồng chiêng, thạo ting ning, tơ rưng, tự mày mò chế tác và diễn tấu đàn đá; Nghệ nhân ưu tú A Huynh ở làng Chốt, thị trấn Sa Thầy còn khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, thú vị khi làm chủ cây đàn k’ni nhỏ bé mà độc đáo.
Hiền lành, chân chất, A Huynh không hề “giấu nghề” khi có người quan tâm tìm hiểu về cồng chiêng và những nhạc cụ truyền thống mà anh có thể chế tác và diễn xướng.
Không như tơ rưng, ting ning… mà các DTTS ở Tây Nguyên đều có, k’ni được xem là nhạc cụ đặc trưng và độc đáo của dân tộc Gia Rai. K’ni còn được gọi là “bro ‘mom”, nghĩa là “đàn miệng”.
Để giới thiệu về k’ni, A Huynh cầm đàn, ngồi bệt trên nền nhà… Giây lát, không gian nhỏ, ấm cúng đã vang lên những tiếng o ò ò é e… của một điệu dân ca.
K’ni chỉ có một dây, nhưng nét độc đáo rất riêng là việc chơi đàn và khả năng tạo ra âm thanh không chỉ liên quan đến đôi tay, mà còn từ cái miệng.
Thân đàn được cấu tạo đơn giản từ một ống lồ ô “vừa tuổi”, đường kính bằng đốt ngón tay, dài chừng 70cm. Trên đó có sáu lỗ được đục thẳng hàng, cách nhau chừng 1cm và dùng mảnh gỗ trít kín lại, tương ứng với 6 nốt nhạc, song vẫn đảm bảo khi đánh đàn lên, có đủ 7 âm cơ bản, như những âm thanh cơ bản của bộ chiêng.
Phần trên và dưới của thân đàn k’ni được gắn với một đế gỗ nhỏ để mắc dây đàn. Dây đàn duy nhất nằm dọc theo thân đàn. Trước đây, dây đàn k’ni được làm bằng dây mây, sợi cây se lại, nhưng sau này, đơn giản hơn chỉ là sợi kẽm, lõi dây điện tận dụng. Dụng cụ để kéo đàn là một thanh tre mỏng, dài chừng 40cm.
Ở phần cuối thân đàn, nơi tiếp giáp với giá đỡ nhỏ, có một sợi chỉ dài chừng 1m được buộc vào. Đầu bên kia của sợi chỉ lại buộc với miếng sừng trâu hình tròn, lớn hơn đồng xu đã mài mỏng. Miếng sừng trâu này cũng có thể đơn giản chỉ bằng nhựa cũng có tác dụng tương tự.
K’ni được diễn xướng không chỉ trên cơ sở kết hợp nhịp nhàng giữa việc dùng tay bấm nốt trên thân đàn và kéo đàn bằng thanh tre; mà còn kết hợp với hoạt động của khoang miệng.
Khi một tay bấm nốt trên thân đàn, tay kia kéo dây đàn, âm thanh được truyền qua sợi chỉ, vào miệng. Miệng liên tục khép - mở theo nhịp điệu của tay, như “chiếc loa” phát ra âm thanh. Âm thanh to, nhỏ tùy thuộc vào độ mở rộng, hẹp của miệng.
Cấu tạo đơn giản, dễ làm, nhưng k’ni không dễ sử dụng, vì tuy diễn xướng cơ bản như đàn nhị của người Kinh, song đòi hỏi sự tinh tế, khéo léo hơn, vì phải qua hệ thống phát ra âm thanh từ miệng.
K’ni thường được dùng để đệm, làm đậm đà thêm bản sắc cho những bài dân ca, sử thi; song đáng kể vẫn là khả năng độc tấu, thể hiện sự sáng tạo độc đáo của nghệ nhân, làm phong phú thêm nét đẹp nhạc cụ cổ truyền và âm nhạc dân gian.
|
Vì kén người chơi và chế tác, nên hiện nay, k’ni còn rất ít người biết và sử dụng.
Cùng chung đam mê và yêu thích k’ni với Nghệ nhân ưu tú A Huynh, còn có một nghệ nhân ở làng Jut, xã Ia Der, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai. Sự độc đáo của k’ni được hai nghệ nhân này giới thiệu tại các sự kiện văn hóa tổ chức ở Thủ đô Hà Nội.
Thanh Như