Độc đáo cây nêu của người Brâu
Là một trong số dân tộc rất ít người, đồng bào Brâu sống tập trung ở làng Đăk Mế (xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi). Không chỉ được biết đến với bề dày văn hóa lâu đời mà nổi bật là chiêng Tha linh thiêng, bà con nơi đây còn tự hào với nét đẹp riêng của cây nêu trong các lễ hội.
Có điều kiện tìm hiểu về văn hóa truyền thống của người Brâu, ông Hoàng Huy Quyền - cán bộ Trung tâm Văn hóa - Thể thao - Du lịch và Truyền thông huyện Ngọc Hồi nhận ra rằng: Cùng được dựng lên ở làng vào dịp trọng đại, song trải qua thời gian, trong khi một số dân tộc ít người vùng Bắc Tây Nguyên vẫn có thể linh động “nới lỏng” với từng trường hợp cụ thể, thì người Brâu vẫn rất kiêng kỵ trong việc dựng cây nêu. Nếu tự ý dựng cây nêu vào những dịp không thực sự “xứng tầm”, dân làng e rằng bị thần linh “quở phạt”, khiến gặp phải rủi ro, xui xẻo.
Vì chỉ dựng trong bối cảnh lễ lớn, nên cây nêu của người Brâu có dáng hình uy nghi, cao lớn, thể hiện đúng “tầm vóc” của mình. Từ các nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như tre nứa, lồ ô, cây le, dây mây, cây gỗ, song đó chính là sự kết hợp một cách khéo léo, tài tình giữa đan lát thủ công với kỹ thuật và mỹ thuật dân gian, mang tính sáng tạo và thể hiện tính thẩm mỹ cao của người Brâu xưa.
|
Cây nêu của người Brâu thường cao từ 10-13m gồm 3 tầng kết nối với nhau trên một trục chính là cây tre có chiều cao tương ứng. Trong đó, đường kính của mỗi tầng được đánh dấu bằng vòng nan (chẻ) hình tròn, đã chắc chắn lại được trang trí đẹp mắt bằng các cách điêu khắc, chạm trổ khác nhau, theo kích thước nhỏ dần từ dưới lên trên.
Theo nghệ nhân ưu tú Thao La (làng Đăk Mế), tầng trên cùng tượng trưng cho vũ trụ bao la, là nơi trú ngụ của Giàng. Tầng giữa tượng trưng cho không gian của trời đất. Tầng dưới cùng tượng trưng cho mặt đất, nơi con người sinh sống, vạn vật sinh sôi nảy nở.
Là vật thiêng được tạo ra từ sự đoàn kết, gắn bó và tâm sức của mọi người, dưới sự dẫn dắt của già làng, các bậc cao niên và người có kinh nghiệm về văn hóa dân gian ở khu dân cư, nên cây nêu chính là tâm huyết và niềm tự hào của cả cộng đồng.
|
Trước khi bắt tay vào công việc chính, toàn bộ nguyên, vật liệu đều được các gia đình, cá nhân chuẩn bị đầy đủ, kỹ lưỡng. Trục chính của cây nêu là cây tre lớn, thuộc loại “vừa tuổi” hoặc “già tuổi” một chút, song đường kính gốc phải lớn (ít nhất chừng 15 - 20cm), đảm bảo sự vững chãi, chắc chắn. Từ trục chính này, có 4 trục phụ được chôn chặt từ 4 cây gỗ nhỏ tỏa ra theo 4 hướng. Vẫn theo lời nghệ nhân ưu tú Thao La, 4 trục phụ tượng trưng cho 4 hướng (Đông - Tây - Nam - Bắc) không thể thiếu trong nội dung lời khấn, mời thần linh về chứng giám cho lòng thành của dân làng trong nghi lễ truyền thống (mừng nhà rông mới, mừng lúa mới, hay đâm trâu).
Cùng với trục chính, 4 trục phụ này thường được đẽo gọt theo hình ngọn giáo, sơn đen viền đỏ, tạo thế vững chãi và gắn kết chắc chắn nhờ 8 thanh gỗ hình lưỡi dao với những đường nét chạm trổ cầu kỳ, mang ý nghĩa xua đuổi tà ma, quỷ dữ đến quấy phá.
Nhìn tổng thể, sự độc đáo của cây nêu của người Brâu trước hết là các vòng nan hình tròn tạo thành ba tầng chính đều được trang trí theo một kiểu với mặt trên là hình những hạt lúa được tạo thành từ đầu các đoạn le (tre) ngắn, chẻ bung. Mặt dưới là các tua rua bằng các loại lá rừng (khô), chỉ cần gió nhẹ đã bung bay.
|
Để trang trí quanh thân cây nêu, cũng từ gốc nêu vững chãi, thường có 4 cây le (hay cây lồ ô nhỏ) dài, được cắm chắc, tạo thành hình những chiếc cần câu lớn, vươn lên không trung. Chẳng những được gắn nhiều chùm “bông lúa” được làm từ các đoạn le (tre) đập dập, những chiếc cần câu này còn là “chỗ đáp” an toàn của những chú chim được tạo ra từ gỗ, nan với nhiều hình thù, màu sắc khác nhau. Đáng kể, trong số này, những chú chim trắng, thể hiện ước muốn về cuộc sống bình an, no đủ. Những chú chim mang dáng dấp lạ (kiểu như nửa rồng, nửa phụng) được chạm khắc một cách cầu kỳ, theo quan niệm đó là vật để các vị thần linh cưỡi đến dự lễ hội.
Một trong những nét độc đáo của cây nêu Brâu còn ở chỗ ngọn nêu cũng thường được chọn trang trí biểu tượng những chùm hoa nhỏ làm từ thân le, tre hoặc hình những sợi rơm và bông lúa (cũng được chẻ từ tre, lồ ô) gắn kết chặt chẽ với nhau. Các chùm hoa (bông) này tượng trưng cho mặt trời, các vị thần ánh sáng chiếu sáng cho người làng tránh khỏi ốm đau, bệnh tật, gặp nhiều may mắn, mùa màng bội thu.
Cùng với đặc thù phần gốc nêu và ba tầng trên thân cây nêu, nét đẹp trang trí ngọn nêu góp phần tạo thành tổng thể nhất quán đối với cây nêu của người Brâu. Đó là sự gắn kết giữa trời và đất, giữa sản xuất và cuộc sống, giữa tâm linh với vạn vật.
Là vật thiêng nên cây nêu được người Brâu dựng lên một cách trang trọng theo nghi lễ truyền thống. Sau khi cây nêu yên vị trước nhà rông thì các lễ vật mới được dâng, bày để chính thức bước vào lễ hội.
Thanh Như