Đêm hội
Ngắm những nghệ nhân đắm mình trong nhịp chiêng ngân, tôi nhận ra rằng, trong tâm thức, trong dòng máu của đàn ông các dân tộc Tây Nguyên vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và rung lên.
Đêm 30/11, tôi hòa vào vòng người dự Liên hoan văn nghệ quần chúng các dân tộc vùng Tây Nguyên được tổ chức tại Quảng trường 16/3. Đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ I năm 2023.
Giữa đất trời lộng gió, giữa không gian nhuốm màu huyền thoại, hàng trăm nghệ nhân, diễn viên đã kể câu chuyện về đại ngàn hùng vĩ, về tình người, tình đất qua nghệ thuật trình diễn dân gian điêu luyện.
Tất cả đã đem đến một đêm hội rực rỡ những sắc màu văn hóa. Một đêm hội của những tinh hoa của đại ngàn Tây Nguyên!
Hồn tôi đã say mê trong điệu múa “Truyền Nhân”; Tơm Rnăp, Tơm Rong Oh Nô của các nghệ nhân dân tộc M’Nông đến từ Đăk Nông.
Rồi lang thang theo tiếng đinh puốt đang réo rắt “kể về tình cảm của đôi trai gái yêu nhau thắm thiết” của Đoàn nghệ nhân tỉnh Đăk Lăk.
|
Sau đó náo nức rung lên theo giai điệu náo nức khi Đoàn nghệ nhân tỉnh Gia Lai hòa tấu “Mừng chiến thắng”.
Trong những cung bậc cảm xúc, phần trình diễn trang phục truyền thống là của các dân tộc M’Nông, Ê Đê, nhóm Êđê bih, Gia Rai, Gié-Triêng vẽ nên bức tranh vừa rực rỡ vừa bí ẩn bởi hoa văn, họa tiết độc đáo mà gần gũi.
Nhưng dù vậy, tôi thấy rằng, chỉ khi tiếng chiêng nổi lên thì dường như đất trời mới thực sự vào hội.
Và chiêng nổi lên rồi!
Trong nhịp chiêng ngân, Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum “trình làng” với trang phục truyền thống của dân tộc Gié-Triêng, nam giới mặc khố, để tóc ngắn; phụ nữ mặc váy dài cao sát nách, đầu váy giữa thân và gấu váy được trang trí các sọc hoa văn màu đỏ trên nền chàm.
Những cánh tay gân guốc nắm chặt dây chiêng; những bước nhún nhảy vừa mạnh mẽ vừa nhịp nhàng. Người và chiêng hòa điệu với nhau. Chiêng thổi hồn người, người dựa hồn chiêng, cứ thế bay khắp non ngàn.
Và như bất cứ lễ hội nào khác, chiêng vang lên là sẽ có xoang. Những cô gái trở thành những vũ công thực sự, lãng mạn và bay bổng. Vòng xoang gắn chặt tình người, tình đất, làm đắm say, mê hoặc lòng người.
Không gian vỡ oà trong nhịp chiêng ngân, trong nhịp xoang khát cháy. Chiêng và xoang quấn quyện những đôi tay. Và khi ở bên chiêng, đắm mình với chiêng, thì nét tài hoa, kiêu hãnh vốn có của đàn ông các DTTS vùng Tây Nguyên, sẽ phát lộ, dù có ẩn tàng sâu đến mấy.
Từ bao đời nay, cồng chiêng đã gắn liền với đời sống của các DTTS Tây Nguyên. Ở bất cứ làng nào, của dân tộc nào, từ Ba Na, Xơ Đăng, Gié-Triêng, Gia Rai, đến M’Nông, Ê Đê, Brâu, Rơ Măm…, đàn ông, con trai trong làng đều biết đánh chiêng, giống như đàn bà, con gái phải biết xoang.
Lúc đứa bé sinh ra được chào đón bởi tiếng chiêng vui mừng, náo nức; đến khi lớn lên, dựng vợ gả chồng, tiếng chiêng thủ thỉ nhắc nhở đôi trai gái yêu thương bền chặt, thuỷ chung. Rồi khi trở về với cỏ cây, đất, nước lại được tiễn biệt bằng nhịp chiêng chậm rãi, nỉ non.
Đêm đêm, dưới mái nhà rông, người già nhiệt tình chỉ dạy, người trẻ hăng say học tập những bài chiêng, như Mừng nhà rông, Mừng lúa mới, Mừng cưới. Học chiêng khó lắm, bởi không có bài bản cụ thể, ký âm đàng hoàng, mà phải nghe bằng tai, nắn từng nhịp.
|
Từ khi còn nhỏ, nhiều người đã được dày công dạy bảo, uốn nắn từng người. Từ cách tay phải cầm dùi như thế nào, hoặc cườm tay kích vào mặt chiêng (đối với chiêng không dùng dùi) ra sao; tay trái lúc nào chặn vào mặt chiêng, lúc nào rời khỏi mặt chiêng thì tạo ra âm chiêng hay.
Chiêng cũng có hồn, khi người vui, chiêng rộn rã, âm vang; khi người buồn, chiêng nỉ non, an ủi; khi người mệt, chiêng tha thiết, vuốt ve. Nên học chiêng là phải học bằng tim mình, phải nối được với hồn chiêng, nếu không, cũng chỉ là gõ chiêng mà thôi.
Đội chiêng là một bản nhạc, và mỗi cá nhân là một nốt nhạc, tham gia vào dàn chiêng với vị trí và tiết tấu khác nhau. Mỗi nốt nhạc hay sẽ làm cả bản nhạc hay, nhưng một nốt trật nhịp, cả bài nhạc sẽ hỏng. Do vậy, mỗi người phải nắm rất chắc thời khắc gõ chiêng của mình.
“Tinh tinh tang... tinh tinh tang...”! Âm thanh hòa quyện, nối tiếp nhau, bay xa trong tiếng vỗ tay vang dội. Tiếng chiêng “gọi núi rừng, suối thác” về, vòng xoang chạm vào trái tim mỗi người.
Đã lâu rồi, tôi không đồng ý với lối tư duy quy chụp rằng, văn hóa cồng chiêng đang “chết”; rằng mai này, sẽ vắng bóng cồng, chiêng.
Đành rằng có gian nan, khó khăn, nhưng tôi tin rằng trong tâm thức, trong máu của đàn ông các dân tộc Tây Nguyên vẫn có sợi dây vô hình gắn kết với hồn chiêng, chỉ cần chạm vào, là nó sẽ thức tỉnh và rung lên.
Tôi cũng tin, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp, cồng chiêng nói riêng và các giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS vùng Tây Nguyên nói chung sẽ được gìn giữ, trường tồn với thơi gian, và phát huy được giá trị trong quá trình phát triển và hội nhập.
Và càng tâm đắc với ý kiến rằng, văn hóa truyền thống là hồn cốt của dân tộc, được coi như giá trị thương hiệu, vừa là mục tiêu vừa là động lực cho sự phát triển bền vững của đất nước.
Việc bảo tồn giá trị văn hóa không thể là “đóng gói cất kỹ”, mà phải lan tỏa trong các hoạt động hằng ngày, phát huy giá trị trong xây dựng văn hóa và phát triển du lịch.
Hồng Lam