Để tiếng đàn tơ rưng nước mãi vang ngân
Ở Bắc Tây Nguyên, trước đây, đàn tơ rưng nước chủ yếu được người Ba Na, Xơ Đăng chế tác và sử dụng. Đối với người Mơ Nâm (Xơ Đăng) vùng Đông Trường Sơn thuộc địa bàn huyện Kon Plông, do đặc thù địa hình và tập quán canh tác, đàn tơ rưng nước làm thành nét đẹp âm nhạc dân gian đặc trưng. Sau thời gian dài vắng bóng, đàn tơ rưng nước đã được phục dựng tại Bảo tàng Kon Tum, tạo thành điểm nhấn hấp dẫn, thu hút khách tham quan chiêm ngưỡng, tìm hiểu.
“Ngày xưa, khi lúa rẫy bắt đầu làm đòng, để tránh muông thú tới phá hoại, cùng với những hình nộm rơm, bù nhìn canh rẫy, bà con dựng đàn tơ rưng nước…” - lời chị Thu Khương, thuyết minh viên Bảo tàng tỉnh.
Còn theo ông A Lễ ở làng Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông, tơ rưng nước không chỉ vì “mình giữ rẫy cho mình” mà còn để “người ta giữ dùm rẫy cho mình” nữa...
Ông giải thích: Mình làm tơ rưng để đuổi chim đuổi thú cho rẫy của mình là điều bình thường rồi. Nhưng tơ rưng nước đẹp quá, hay quá; người cùng làm rẫy thường đi qua đi lại rẫy của mình nên ai cũng muốn dừng lại để ngắm, để nghe… Trúng lúc mình đi vắng, thì hóa ra “họ giữ dùm cho mình” chứ gì. Đã nghe tiếng khua, thấy gió đung đưa giàn ống giàn cây, lại có người đi qua đi lại, con khỉ con heo nào dám tới, lũ chim nào dám xuống phá rẫy…
|
Tơ rưng nước được làm từ nguyên liệu chính là ống lồ ô, cây gỗ nhỏ và dây buộc. Trước kia, dây buộc được làm từ dây mây và sợi dây tước, bện từ thân cây gỗ; sau này, được thay bằng các loại dây nhựa, dây gai thông thường.
Giàn tơ rưng nước gồm hai tầng với hàng chục ống lồ ô được nối với nhau qua hệ thống dây trên một chiếc khung. Khung này có thể bằng cây gỗ loại nhỏ hoặc bằng cây tre, nứa cỡ lớn; phổ biến dài 8-10m, có khi lên tới trên 15m. Hệ thống ống nứa phát ra âm thanh với những giai điệu riêng nhờ hoạt động liên hoàn của dòng nước từ đầu nguồn hứng, qua hệ thống dẫn nước trong ống lồ ô rồi tác động vào hệ thống ống dọc ống ngang có tác dụng như những nốt nhạc cũng được cắt gọt bằng lồ ô.
Anh A Kiên ở làng Măng Bút, xã Măng Bút - Tác giả của giàn tơ rưng nước tại Bảo tàng tỉnh cho hay, cha anh là một trong số nghệ nhân nổi tiếng làm tơ rưng nước ở vùng lắm rẫy nhiều ruộng thuộc huyện Kon Plông. Cha không còn nữa, song nhờ “vốn” chế tác học hỏi từ cha và chịu khó tìm tòi nên A Kiên đã mày mò dựng lại tơ rưng nước truyền thống. Với anh, thử thách nhất là khâu cắt gọt, điều chỉnh từng ống lồ ô theo thang âm trên mỗi ống để khi kết hợp với nhau, tạo thành hợp âm hoàn chỉnh.
Sáng tạo vận dụng làn nước, sức gió trong tự nhiên để làm nên nhạc cụ độc đáo, gần gũi với sản xuất và sinh hoạt của con người, vốn quý của cha ông xưa thật đáng trân trọng.
“Trước đây, làng mình cũng có người làm tơ rưng nước để đuổi thú đuổi chim, nhưng mà lâu quá rồi không còn. Mấy anh mấy ông hồi đó đều già rồi, không còn đi rẫy đi ruộng được nữa. Giờ hiếm người làm được tơ rưng nước lắm. Giá mà có người chỉ dạy chế tác tơ rưng nước, mình cũng ráng theo học để về làm theo…” - ông A Lễ trăn trở.
Tâm tư của ông A Lễ có lẽ xuất phát từ thực tế, không chỉ có rẫy có ruộng, làng Kon Chênh của ông và một số khu dân cư ở Kon Plông giờ đây còn được định hướng phát triển du lịch cộng đồng.
Bây giờ, nguyên liệu để làm đàn tơ rưng nước không dễ kiếm, thử thách chế tác cũng không hề đơn giản và nhất là tập quán sản xuất ngày xưa đã thay đổi. Vì vậy, quan tâm giữ lại giàn tơ rưng nước độc đáo cho thế hệ đi sau vẫn nằm trong nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, nét đẹp âm nhạc dân gian của những người hôm nay.
Thanh Như